Trước thực trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần không giảm mà tiếp tục gia tăng, nhất là với nhóm sau độ tuổi 35, các chuyên gia cảnh báo cần phải cân nhắc thật kỹ vấn đề này bởi đây là "của để dành" cho người lao động khi về già.
Một trong những nội dung tại Hội nghị Trung ương 7 - khóa XII được người lao động đặc biệt quan tâm là phần thảo luận tập trung về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình.
Tại phiên thảo luận này, đề nghị của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - ông Bùi Văn Cường về việc “cần tính toán để hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần” đã nhận được sự ủng hộ cao.
Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.
Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Phó Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng nêu quan điểm: "Tôi cho rằng bản chất an sinh xã hội lo cho tính chất lâu dài, đây là chế độ dự phòng. Chủ sử dụng lao động và Nhà nước đóng cho người lao động là chế độ dự phòng. Việc đóng này đảm bảo vấn đề an sinh xã hội lâu dài chứ không phải để người lao động rút ra.
Việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đã trái pháp luật và không có tính chất lâu dài, dự phòng, đảm bảo cuộc sống tuổi già và không là gánh nặng của xã hội. Nếu hưởng BHXH một lần, người lao động rơi vào tình trạng "bi đát", chuyển việc… thì Nhà nước lại có các chính sách khác hỗ trợ, vô hình tạo gánh nặng cho xã hội.
Không chỉ dừng lại ở đề xuất người lao động không được rút phần đóng của chủ sử dụng lao động và Nhà nước, theo tôi phải dần dần tiến tới chấm dứt việc cho rút bảo hiểm xã hội một lần. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo yêu cầu có tính chất cá nhân của một số người hoặc một số nhóm người.
Đề xuất của của Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là vấn đề chính sách. Chúng ta nên nhấn mạnh khía cạnh, người sử dụng lao động đang chấp hành pháp luật đóng bảo hiểm xã hội tạo an sinh xã hội, chứ không phải họ đóng cho người lao động rút số tiền đóng bảo hiểm xã hội một lần".
Bảo hiểm xã hội là "của để dành" của người lao động khi về già. ảnh: PC. |
Có thực trạng ngoài 35 tuổi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần
Tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ tháng 8/2018, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - ông Lê Đình Quảng cho biết, thực trạng ở độ tuổi ngoài 35 nhận bảo hiểm xã hội một lần đang gia tăng là có thật.
Nguyên nhân là do ở các doanh nghiệp dệt may, da giày do điều kiện lao động khắc nghiệt nên xảy ra hai vấn đề: Thứ nhất, chính những công nhân sau 35 tuổi không còn điều kiện sức khoẻ để đáp ứng yêu cầu công việc đã tự động rút khỏi thị trường lao động.
Thứ hai, phần lớn doanh nghiệp sẽ chủ động đào thải lớp lao động ở độ tuổi này, nhằm giảm chi phí về lương, về bảo hiểm xã hội và đưa ra hình thức hỗ trợ, khuyến khích nhóm lao động này ra khỏi thị trường lao động.
“Trên thực tế, nhóm lao động ở diện này, khi ra khỏi thị trường lao động, họ không có cơ hội quay lại thị trường lao động nên đa phần phải lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông Quảng cho biết.
Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Đình Quảng khuyến nghị, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội; đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu khi về già.
Các bộ ngành liên quan cần phải nghiên cứu, tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho nhóm người lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.
Chia sẻ lo ngại về việc xu hướng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”. |
Làm rõ thêm nội dung này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Đào Việt Ánh phân tích, người lao động đang làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội để tích lũy cho cuộc sống khi về già.
Vì vậy mà không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận bảo hiểm xã hội một lần, tiêu cả phần để giành cho lúc ốm đau, bệnh tật khi về già của bản thân.
Trước tình hình này, nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) cũng nêu rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này tại cuộc tọa đàm “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 3/8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội chính là của để dành cho người lao động, được nhà nước bảo hộ.
Nghị quyết số 28-NQ/TW lần này quy định nâng mức hưởng việc bảo lưu bảo hiểm xã hội và sẽ phải sửa Luật bảo hiểm xã hội cho phù hợp.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần điều chỉnh Luật bảo hiểm xã hội theo hướng người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở mức 8% và doanh nghiệp cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với mức 14%.
Đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động, chi phí này được đảm bảo hạch toán trong giá thành sản phẩm và được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, sẽ quy định việc người lao động muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng được nhưng sẽ chỉ được lấy 8% mà mình đã đóng, 14% của doanh nghiệp đóng cho người lao động sẽ được giữ lại để tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
“Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, người lao động tự nhận thức thấy việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là không nên và việc bảo lưu thời gian đóng, sau khi có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để được đảm bảo an sinh xã hội khi về già là tối ưu nhất”, ông Lợi nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, hiện trên thực tế đang có rất nhiều người đã xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần muốn xin nộp lại, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, luật chưa có quy định hồi tố cho việc này.
Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khi đã nhận ra giá trị ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, cũng nên xem xét, thiết kế bổ sung điều kiện hồi tố với những trường hợp đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần có nhu cầu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.