Một trong những đơn vị đi đầu về cải cách hành chính
Từ năm 2009 đến nay, ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 90% số lượng các thủ tục hành chính (từ 263 thủ tục xuống còn 28 thủ tục); giảm khoảng 60% thời gian thực hiện thủ tục theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (từ 335 giờ xuống còn 147 giờ); giao dịch điện tử với các đơn vị tham gia
Bảo hiểm xã hội đạt trên 90%; thực hiện kết nối với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh (gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh); tin học hóa hầu hết các lĩnh vực, nghiệp vụ chính của ngành; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 cho 19/28 thủ tục hành chính.
Đồng thời, ngành đã phát triển hệ thống phần mềm nghiệp vụ của ngành làm cơ sở để xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hiện nay đang tích cực xúc tiến việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Bảo hiểm xã hội đã tổ chức giải quyết kịp thời, đúng, đủ các chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trong ảnh: Giải quyết chế độ cho người lao động ở Bảo hiểm xã hội Yên Bái. |
Với những nỗ lực trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hai năm liền giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, được đánh giá là “một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng Công nghệ thông tin và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia Bảo hiểm xã hội”.
Theo kết quả khảo sát của VCCI tháng 6/2017: 91% doanh nghiệp đánh giá vướng mắc đã và đang được giải quyết; 87% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết nhanh và vừa phải.
Còn theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số nộp thuế và Bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc).
Bảo hiệm xã hội Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách Thủ tục hành chính thông qua việc tiếp tục nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, Thủ tục hành chính gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành.
Xây dựng hệ sinh thái 4.0
Những năm qua, việc ứng dụng Công nghệ thông tin được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành; hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thống nhất trên phạm vi toàn quốc...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội |
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Bảo hiệm xã hội Việt Nam giữ vị trí đứng đầu trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ về ứng dụng Công nghệ thông tin.
Được biết, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và Doanh nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0” của Ngành với các dịch vụ tiện ích, hiện đại.
Có thể kể đến như dịch vụ nhắn tin thông báo, tra cứu được triển khai từ tháng 4/2019. Theo đó, thông qua dịch vụ tin nhắn thông báo, người tham gia có thể tra cứu được quá trình đóng- hưởng, giải quyết hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Đây được coi là một trong những dịch vụ thuộc “Hệ sinh thái 4.0” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi người tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng- hưởng, giải quyết hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn đem đến sự kết nối thông tin, giải quyết chế độ chính sách giữa các cá nhân, đơn vị với cơ quan Bảo hiểm xã hội được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn.
Đây là điều cần thiết giúp người dân, người lao động chủ động nắm bắt, cập nhật quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách của mình; hoặc cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội đấu tranh, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tra cứu bảo hiểm xã hội nhanh gọn, kịp thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính. |
Còn với đơn vị sử dụng lao động, dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu sẽ giúp ích lớn cho đội ngũ nhân viên chuyên trách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong việc quản lý đóng nộp, tăng giảm lao động, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Từ đó, giúp doangh nghệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực cho những công việc này. Riêng về phía cơ quan bảo hiểm xã hội, dịch vụ này góp phần quan trọng vào công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ…
Trong thời gian sắp tới, để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN- 4; chỉ số mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm xã hội tăng lên trong từng giai đoạn, đạt mức 80% năm 2021 và tiến tới đạt 90% vào năm 2030, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành; tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch.