Trong hai ngày 18-19/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết và tập huấn công tác thông tin đối ngoại cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam – ông Đào Việt Ánh cho biết, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam ngày càng phong phú và kịp thời; những thông tin về an sinh xã hội, nhất là việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngày càng được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.
Vì vậy, trong giai đoạn 2013 - 2017, công tác thông tin đối ngoại của ngành Bảo hiểm xã hội luôn được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được chuyển biến tích cực.
Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh và vị thế của ngành Bảo hiểm xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị. |
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác song phương, đa phương với các đối tác như:
Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, sẽ hợp tác với Ngân hàng thế giới thực hiện dự án phát hành thẻ an sinh xã hội điện tử thay thế cho sổ Bảo hiểm xã hội và thẻ Bảo hiểm Y tế hiện nay.
Do đó, công tác thông tin đối ngoại sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp ngành thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng, ban hành kế hoạch thông tin đối ngoại của ngành Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2013-2020, nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường chất lượng và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế cũng như về hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra thế giới.
Ngày 20/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành Bảo hiểm xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược này; đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về hoạt động thông tin đối ngoại.
Công tác thông tin đối ngoại của ngành Bảo hiểm xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. |
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của công tác thông tin đối ngoại.
Ông Dương Văn Hào - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin đối ngoại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nội dung thông tin chưa thật phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng ở trong và ngoài nước.
Theo ông Hào, cần gắn quảng bá hoạt động của ngành với chương trình quảng bá về kinh tế, xã hội, du lịch do địa phương tổ chức.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần ban hành quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác đối ngoại, để Bảo hiểm xã hội địa phương có cơ sở vận dụng thực hiện.
Về kinh phí cho hoạt động đối ngoại, ông Hào cho rằng, ngành Bảo hiểm xã hội cần tính toán để Bảo hiểm xã hội các địa phương thuận lợi triển khai thực hiện.
Bà Lê Ngọc Mai - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, các sản phẩm thông tin đối ngoại về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế bằng tiếng nước ngoài chưa được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có kênh đối thoại với doanh nghiệp và Bảo hiểm xã hội thành phố thường xuyên đối thoại, trả lời các thắc mắc, ý kiến của doanh nghiệp về chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế qua kênh này.
Hiện nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn rất quan tâm đến việc đóng Bảo hiểm xã hội cho lao động là người nước ngoài sẽ được thực hiện từ 1/1/2018; song việc thực hiện thế nào đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có nghị định, thông tư để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.
Thực tế, để thực hiện một chính sách mới, các doanh nghiệp FDI phải thông báo về các công ty mẹ, nên rất cần thời gian chuẩn bị để thực hiện.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội một số địa phương cũng kiến nghị cần củng cố, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.
Mỗi cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh cần có một cán bộ đầu mối về thông tin đối ngoại, tùy vào điều kiện có thể là cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách.
Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thông tin đối ngoại, phổ biến, tuyên truyền những chính sách; đa dạng hóa các hình thức thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin đối ngoại.