Báo Israel: Trung Quốc đang "bỏ rơi" Nga vì tiền

26/08/2015 15:24
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các doanh nhân Trung Quốc đang thận trọng và sợ hãi về sự bất ổn của nền kinh tế Nga.

RT ngày 25/8 dẫn bình luận của cổng thông tin сalcalist.co.il (Israel) cho biết, nền kinh tế Nga đang đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003, nhưng đồng minh mà Moscow xem là quan trọng nhất lại đang quay lưng lại với quốc gia này vì tiền bạc.

Trong nỗ lực khắc phục hậu quả do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra, Nga đã ký kết với Trung Quốc một số hiệp định "huyết mạch". Tuy nhiên, các nhà đầu tư láng giềng vẫn tỏ ra ít nhiệt tình với các dự án này.

Thất bại nghiêm trọng trong việc tìm kiếm các lĩnh vực đầu tư cũng khiến mức độ đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế Nga đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh RT.
Thất bại nghiêm trọng trong việc tìm kiếm các lĩnh vực đầu tư cũng khiến mức độ đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế Nga đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.  Ảnh RT.

Nga đang đối mặt với "đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003" sau khi đồng rúp lại sụt giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ và euro từ giữa tháng này, tờ báo Israel viết.

Sự sụp đổ của đồng rúp và lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của phương Tây đã dẫn tới sự gia tăng lạm phát tại Nga, hiện đã hơn 15%, gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng tiền lương và lương hưu.

Dự trữ ngoại tệ của Nga cũng đã giảm 30% trong năm qua sau những nỗ lực không thành công để ổn định đồng rúp. Nguyên do của tình trạng này chủ yếu là từ sự sụt giảm kỷ lục của giá dầu, trong bối cảnh nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. 

Kể từ khi phương Tây bắt đầu cô lập Nga, Moscow đã quyết định đổi hướng chiến lược và tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn thấy ở Trung Quốc, quốc gia sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.700 tỉ USD, là một đối tác ông cho là "tuyệt vời" để thay thế phương Tây. 

Vì lý do này, Nga đã nhiệt tình tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu do Bắc Kinh khởi xướng và trở thành cổ đông lớn thứ ba của nó. Nga cũng nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nhằm tìm kiếm các đồng minh kinh tế, chính trị và an ninh. Trong tất cả các dự án, Moscow đều xem Bắc Kinh là đối tác chính. 

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc còn ký kết một số thỏa thuận song phương lớn đầy hứa hẹn có thể giúp nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong tháng 12 năm ngoái, hai bên đã đồng ý tổ chức trao đổi tiền tệ với số tiền là 24 tỷ USD, đồng ý giao dịch thương mại bằng đồng tiền của nhau không thông qua đồng đô la Mỹ.

Nga đã ký cam kết sẽ cung cấp cho Trung Quốc lượng khí đốt trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm với một mức giá được giới chuyên gia Nga trước đó cho rằng đã có sự "nhượng bộ đáng kể" so với trước kia. Nhưng do sự sụt giảm giá khí đốt gần đây, Trung Quốc đang xem xét việc hủy bỏ hợp đồng này.
 
Lý do nữa khiến Trung Quốc muốn hủy bỏ hợp đồng theo báo Israel, là do các điều kiện của Nga khá cao. Nga yêu cầu Trung Quốc chi phần lớn kinh phí xây dựng các đường ống dẫn, một điều kiện Trung Quốc cực kỳ bất bình vì nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, Anh đã vượt qua Nga về doanh số bán dầu mỏ cho Trung Quốc.
 
Thất bại nghiêm trọng trong việc tìm kiếm các lĩnh vực đầu tư cũng khiến mức độ đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế Nga đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nhân Trung Quốc đang thận trọng và sợ hãi về sự bất ổn của nền kinh tế Nga. 

Mặc dù có rất nhiều chướng ngại vật, nhưng Nga đang không ngừng cố gắng khắc phục khó khăn. Chính phủ Moscow đã quyết định tăng lãi suất cơ bản ở mức 6,5 phần trăm, bán dự trữ ngoại hối, giảm ngân sách hàng chục phần trăm và bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào bên ngoài. 

Tuy nhiên, những hành động này vẫn chưa đủ. Lãi suất tăng đã ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp Nga. Số lượng các doanh nghiệp phải đóng cửa do phá sản tăng 30% phần trăm so với cùng kỳ năm trước, báo Israel cho biết.

Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng để giảm lãi suất, ổn định tình hình, nhưng bất chấp những nỗ lực này, hàng ngàn người Nga tiếp tục bị mất việc làm. Trong một cuộc phỏng vấn với Interfax, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã hứa rằng chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để bình thường hóa tỷ giá đồng rúp và miễn cưỡng thừa nhận rằng tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Nga hiện nay là có liên quan đến giá dầu./.

Nguyễn Hường