Bạo lực, xâm hại, bị giết, luật nhiều nhưng trẻ em được bảo vệ bao nhiêu?

23/06/2020 06:09
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trẻ bị xâm hại, bị sát hại đang có những diễn biến phức tạp. Luật bảo vệ trẻ em đã có nhưng các em được bảo vệ bao nhiêu?

Mặc dù có Luật Trẻ em và từ Trung ương đến địa phương đều chỉ đạo quyết liệt bảo vệ trẻ em, nhưng hằng ngày vẫn xảy ra những điều tệ hại đối với trẻ thơ.

Ngày 21/6, cơ quan điều tra cơ quan điều tra đã có lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Kim Phê (Sinh năm 2002, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên) vì có liên quan đến cái chết của cô bé Đ.T.K.H (13 tuổi).

Cũng trong sáng sáng 21/6 thi thể cô bé nữ sinh 13 tuổi Đ.T.K.H. đã được phát hiện tại khu vực rừng Dương (thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) sau nhiều ngày tìm kiếm vì mất tích.

Trước đó, từ ngày 17/6, H. đã nhắn tin cầu cứu gia đình. Cái chết của cô bé Đ.T.K.H thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước đó, ngày 9/6, bé trai 5 tuổi bị kẻ nghiện game là Đ.N.H. (17 tuổi, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 4, Nghệ An) giết hại đã gây rúng động dư luận.

Không chỉ những hung thủ trong độ tuổi nhí, hình ảnh nhóm nữ sinh ở Tuyên Quang, Học sinh trường Trung học cơ sở Đội Cấn (phường Đội Cấn, Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đánh bạn ngay tại cổng trường đã gây bất bình trong xã hội.

Những vụ án đau lòng đối với trẻ em gây bức xúc xã hội thời gian qua. Ảnh tổng hợp từ: Tiền phong, Lao động, Công an nhân dân.

Những vụ án đau lòng đối với trẻ em gây bức xúc xã hội thời gian qua. Ảnh tổng hợp từ: Tiền phong, Lao động, Công an nhân dân.

Ngày 17/6, vụ việc nữ sinh bị lột đồ ngay tại lớp học xảy ra tại Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Kim Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh) trong khi các bạn reo hò xung quanh khiến nhiều người xót xa.

Không chỉ bị giết hại, bị hành hạ bởi bạo lực học đường, bị đánh mà cả những em học sinh nam cũng là nạn nhân của những kẻ dâm ô, biến thái trong trường đội lốt người thầy.

Ngày 2/6, mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo thầy Nguyễn Hoàng Nhựt của Trường Trung học cơ sở Phước Minh (xã Phước Minh, Dương Minh Châu, Tây Ninh) dâm ô học sinh nam.

Sau khi có thông tin, Công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã vào cuộc làm rõ

Trong bản tường trình ngày 3/6, ông Nguyễn Hoàng Nhựt đã thừa nhận hành vi dâm ô 4 học sinh của mình.

Ông Nhựt bị tạm giữ hình sự sau buổi làm việc với Công an huyện Dương Minh Châu ngày 9/6.

Có thể thấy, tình trạng trẻ em đang bị xâm hại, là nạn nhân của những vụ án rúng động dư luận là vấn nạn nhức nhối chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn) có chiều hướng gia tăng. Mặc dù, lực lượng công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Đoàn giám sát của Quốc hội, chỉ trong 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019) có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.

Các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột, với những thủ đoạn dã man; lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội, có trường hợp lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường... cũng xảy ra nhiều.

Theo thống kê của Đoàn giám sát của Quốc hội, có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn liên tục xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. (1)

Các đại biểu cho rằng, chưa thực hiện được khâu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan liên quan dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Trọng An(nguyên Phó Cục trưởng cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em) cho rằng một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những vụ việc đau lòng đã xảy ra chính là việc nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt.

“Ở đây tôi nói thẳng là hệ thống, đội ngũ làm công tác trẻ em của chúng ta không có do bộ máy đã bị giải tán hết.

Chúng ta không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời.

Gần đây nhất có một cuộc họp của Thủ tướng có đưa ra đề nghị các xã phải có thêm một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.

Nhưng vấn đề đang đặt ra là ai sẽ trả lương cho cán bộ này? Cơ chế hoạt động như thế nào? Nếu là cán bộ kiêm nhiệm, họ có kiến thức bảo vệ trẻ em hay không? Những vấn đề này cần phải được đặt ra và nhìn nhận thực tiễn.

Các cán bộ trẻ em, các cán bộ làm công tác xã hội, công tác cộng đồng họ phải sống ở khu vực đó, họ có kiến thức, nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em.

Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ đúng như luật trẻ em đã đề ra đó là hệ thống phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ không để xảy ra.

Hiện nay chúng ta đang thiếu mạng lưới đó cho nên là những vụ việc đau lòng đối với trẻ em vẫn đang xảy ra”, ông An nói.

Hiện Việt Nam đã có Luật Trẻ em và là một trong những nước đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em… nhưng theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được đưa vào cuộc sống.

Phát biểu trên Laodong.vn, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội), thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em cho biết: quá trình đi giám sát, bà cũng thấy cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em.

Có nơi lấy đủ lý do để đình chỉ điều tra, thậm chí xử lý rất nhẹ. Kiến nghị giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, bà Khánh đề nghị cần tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ. (2)

Tài liệu tham khảo:

(1) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Quoc-hoi-giam-sat-toi-cao-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em/396602.vgp

(2) https://laodong.vn/thoi-su/17-co-quan-lam-cong-tac-bao-ve-tre-em-van-manh-ai-nay-lam-808150.ldo

Trần Phương