Báo Mỹ: Putin sa lầy, Obama thất bại ở Syria

08/10/2015 11:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Putin đã "nã" trúng vào sức mạnh của Mỹ khi ông tự hào rằng loạt tên lửa đầu tiên mà lực lượng hải quân của mình khai hỏa đã đánh trúng "tất cả các mục tiêu".

Los  Angeles Times ngày 7/10 bình luận, kết quả "canh bạc quân sự táo bạo" của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Syria đã rõ ràng, nhưng trong ngắn hạn kẻ thất bại lại dường như là Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Điện Kremlin đã tăng cường ảnh hưởng của mình bằng cách nã tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syria từ tàu chiến cách đó gần 1000 dặm, nỗ lực bảo vệ đồng minh Bashar al-Assad của Putin đã làm cho ông chủ Nhà Trắng trông "yếu đuối và dao động".

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama, ảnh: Sputnik News.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama, ảnh: Sputnik News.

Hoa Kỳ đã có 1 tuần để lặng lẽ thay đổi sự hỗ trợ cho các lực lượng đối lập ở Syria, bao gồm lực lượng dân quân người Kurd và các chiến binh đối lập khác ở miền Bắc Syria. Nhưng trong thời điểm này, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào để ứng phó với các "chuyển động cơ bắp của Putin" đều không phải là một sáng kiển giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đa chiều ở Trung Đông.

Đồng minh của Mỹ trong khu vực nóng lòng trước sự miễn cưỡng của Washington trong vấn đề Syria, đồng thời bị "ấn tượng mạnh" trước cách Tổng thống Nga bảo vệ đồng minh của mình.

Tại Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đều chỉ trích ông Obama đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn cuộc chiến giết chết hơn 200 ngàn người ở Syria, ngược lại còn kích thích tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo hoạt động và tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ hàng trăm ngàn người phải chạy sang châu Âu.

Các quan chức Mỹ thì đang tức giận về việc đội quân ném bom của Putin nhiều lần nhắm mục tiêu không kích phe đối lập Syria do CIA hậu thuẫn. Về lâu dài ông Putin có thể sẽ bị mắc kẹt trong vũng lầy đẫm máu ở Syria, nhưng những gì đang diễn ra hiện nay lại đang làm ông Obama bối rối.

Một tuần sau khi người Nga khiến Nhà Trắng ngạc nhiên khi cho không quân ném bom các mục tiêu ở miền Tây Syria, hôm qua 7/10 Putin lại một lần nữa khiến các quan chức Mỹ bị sốc vì đã tung ra 26 quả tên lửa hành trình tầm trung từ 4 tàu chiến Nga trên biển Caspian, bay qua không phận Iraq nhằm vào các mục tiêu ở Syria.

Putin đã "nã" trúng vào sức mạnh của Mỹ khi ông tự hào rằng loạt tên lửa đầu tiên mà lực lượng hải quân của mình khai hỏa đã đánh trúng "tất cả các mục tiêu", trong khi ông Obama lại phải lên tiếng xin lỗi người dân, Tổng thống Afghanistan vì Mỹ không kích nhầm một bệnh viện ở Kunduz hôm Thứ Bảy tuần trước.

Tên lửa Nga nã từ chiến hạm trên biển Caspian nhằm vào các mục tiêu ở Syria ngày hôm qua khiến các quan chức Mỹ bị sốc, ảnh: The Japan Times.
Tên lửa Nga nã từ chiến hạm trên biển Caspian nhằm vào các mục tiêu ở Syria ngày hôm qua khiến các quan chức Mỹ bị sốc, ảnh: The Japan Times.

Kể từ tháng Tám năm ngoái, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã mở nhiều trận không kích với hơn 7,200 lượt ở Iraq và Syria để tiêu diệt IS, nhưng chỉ có một số ít vụ là gây thương vong cho dân thường. Vụ đánh bom nhầm bệnh viện ở Kunduz giết chết 22 người là một trong những điều tồi tệ nhất của lực lượng quân sự Mỹ trong 14 năm tham chiến ở Afghanistan. 

Chỉ trong tuần trước, Nga đã thực hiện 112 cuộc không kích ở Syria, các nhóm nhân quyền nói rằng nhiều dân thường thương vong và 3 cơ sở y tế bị hư hỏng dưới làn bom đạn Nga (nhưng thông tin chưa thể kiểm chứng độc lập). Không quân Nga hôm qua cũng yểm trợ lực lượng bộ binh Syria tấn công phe đối lập ở thị trấn Hama.

Các quan chức Moscow gợi ý rằng, "tình nguyện viên" Nga có thể sớm tham gia cuộc chiến, thuật ngữ dùng để chỉ lực lượng chính quy ủng hộ phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine và Crimea trước khi sáp nhập.

Los Angeles Times cho rằng, Putin và các quan chức khác của Nga đã coi thường những nỗ lực của Mỹ trong việc chống lại khủng bố IS, chế giếu chương trình của Lầu Năm Góc đã thất bại trong việc đào tạo các chiến binh.

Một quan chức Mỹ giấu tên nhận định rằng, ném bom ở Syria giúp củng cố chính quyền Bashar al-Assad và làm suy yếu chiến lược của Obama ở quốc gia này là hai trong số các mục tiêu chính trị của Kemlin.

Los Angeles Times bình luận, "canh bạc" của Putin có thể thực hiện được một số mục tiêu chính trị ông đặt ra: Tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và trên vũ đài chính trị quốc tế, xây dựng hình ảnh của mình ở trong nước và chuyển sự chú ý của phương Tây từ khủng hoảng Ukraine sang Syria. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích tin rằng, Putin hay Obam đều chẳng ai giành được chiến thắng thực sự từ "vạc dầu" Syria.

Hồng Thủy