Tờ Tầm nhìn của Nga hôm 24/10 đưa tin cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carters đã bị nghi ngờ phản quốc sau khi trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tấm bản đồ.
Vụ việc bắt đầu từ "lời tự thú" của ông Carter trong một bài thuyết giảng trước các sinh viên ở bang Georgia gần đây, trong đó ông nói đã trao cho nhà lãnh đạo Nga một tấm bản đồ đánh dấu các vị trí của IS ở Syria.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh BBC. |
Theo tiết lộ của Carter, hồi tháng 5/2015, ông và Tổng thống Nga Putin đã trao đổi số điện thoại và địa chỉ email để thảo luận về sở thích câu cá.
Sau đó, ông Carter đã chủ động đề nghị chuyển cho Nga một tấm bản đồ về các vị trí của khủng bố IS tại Syria. Tổng thống Putin đã bày tỏ quan tâm tới vấn đề này và đề nghị ông chuyển thông tin qua Đại sứ quán Nga thông qua Trung tâm Carter - một tổ chức phi lợi nhuận do ông sáng lập vào năm 1981 tập trung vào các nỗ lực nhân quyền và hòa giải chính trị.
Trong cuối bài phát biểu của mình, ông Carter còn nói đùa rằng: "Vì vậy, nếu Nga ném bom (IS ở Syria), nên đổ lỗi cho tôi chứ không phải Putin".
Câu nói này của ông Carter đã châm ngòi cho làn sóng chỉ trích của phe bảo thủ, những người nghi ngờ ông có âm mưu phản quốc khi cung cấp cho Nga tấm bản đồ quý và thúc đẩy Moscow mở chiến dịch không kích khủng bố IS tại Syria.
Phe bảo thủ tại Mỹ cáo buộc chiến dịch không kích của Nga tại Syria không chỉ nhằm tiêu diệt khủng bố IS mà còn nhằm cả vào các mục tiêu là phe đối lập ôn hòa do phương Tây hậu thuẫn để củng cố quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Họ tin rằng sự thành công của chiến dịch không kích tại Syria của Nga đang đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia này cũng như ở khu vực Trung Đông và thất bại này có sự tham gia của ông Carter.
Những cáo buộc chống lại ông Carter đến chủ yếu từ đảng Cộng hòa. Ngoài ra, MCNBC và trang The Washington Free Beacon, Fox News cũng góp phần gia tăng sức ép bằng cách đăng tải những bài viết chống lại ông Carter.
Fox News, cơ quan ngôn luận chính của đảng Cộng hòa, đã đăng tải bài viết gọi Carter là "ông già ngây thơ". Trong khi đó, các blogger bảo thủ, bình luận viên đài phát thanh và những người ủng hộ đảng Cộng hòa như trút lên đầu cựu Tổng thống Mỹ tất cả sự giận dữ của họ.
Tuy nhiên, những tờ báo có uy tín hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng bênh vực ông Carter. Tích cực nhất trong đó là The New York Times, tờ báo đã đặt ra nghi ngờ về cơ sở của cáo buộc và chỉ trích mạnh mẽ các tờ báo trên về vụ việc.
Theo The New York Times, thật khó có thể tin rằng tấm bản đồ ông Carter cung cấp cho Nga lại là một dấu hiệu của âm mưu phản quốc vì hai lý do: ở vị trí hiện tại ông khó có thể truy cập vào các dữ liệu an ninh mật của chính phủ và ông không thể bán rẻ đất nước khi đã từng giữ vị trí Tổng thống.
Tiếp đó, The New York Times đã gửi tới Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Trung tâm Carter các báo cáo chống lại bài viết của MCNBC và The Washington Free Beacon.
Phản ứng đầu tiên, đại diện của Lầu Năm Góc từ chối xác nhận vụ việc gây tranh cãi.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Trung tâm Carter luôn theo sát các sự kiện ở Syria và thường xuyên đăng tải các báo cáo của phương Tây xung quanh vấn đề này.
"Những dữ liệu địa lý không phải là thông tin mật vì hầu hết trong số đó đã được công bố trên trang web của Trung tâm Carter", bà cho biết thêm.
Jimmy Carter giữ chức Tổng thống Mỹ trong năm 1977-1981. Trong lần tái tranh cử, ông đã bại trước đối thủ là Ronald Reagan.
Sự thất bại trong lần tái tranh cử của ông diễn ra vào thời điểm xảy ra một loạt sự kiện quan trọng tại Trung Đông làm suy yếu vị thế của Washington trong khu vực như cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, Liên Xô tham gia chiến tranh ở Afghanistan. Trong nước, nền kinh tế Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn lớn.
Điều này đã thúc đẩy chiến thắng của Reagan, người giương khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của mình: "Nước Mỹ chỉ phục hồi khi Carter mất việc".
Trên quan điểm của đảng Cộng hòa, Carter là "Tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ". Một nửa thành viên đảng này hiện vẫn không tha thứ cho sự thất bại của chính phủ của ông.
Tuy nhiên, ông Carter vẫn nhận được nhiều sự kính trọng trong cộng đồng quốc tế. Nhiều năm qua, ông vẫn tích cực đóng vai trò là một trong những nhà phản biện chính sách của Washington được kính trọng. Nhiều người vẫn nghi ngờ những nhận định cho rằng ông là "một Tổng thống tồi tệ nhất".
Ông Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì những đóng góp trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, cho quyền con người và các sáng kiến dân chủ cũng như thúc đẩy các chương trình kinh tế-xã hội./.