Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Tờ The Nation của Pakistan ngày 29/9 bình luận, chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được truyền thông 2 nước xem như khởi đầu cho một kỷ nguyên mới hợp tác về kinh tế - chính trị. Tuy nhiên nó đã kết thúc trong thất bại. Một số kế hoạch dự định đầu tư sang Ấn Độ bao gồm tuyến đường sắt cao tốc trị giá 100 tỉ USD được kỳ vọng cũng chỉ có thể đạt được mục tiêu đầu tư 20 tỉ USD.
Từ năm 2000 các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư vào Ấn Độ khoảng 400 triệu USD, tốc độ chậm này theo The Nation chủ yếu là do rào cản bởi "bộ máy quan liêu của Ấn Độ". Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết cải thiện môi trường đầu tư cho Trung Quốc, nhưng mức độ nhỏ hơn nhiều so với điều kiện Ấn Độ tạo ra cho các doanh nghiệp Nhật Bản. New Delhi đã bổ nhiệm 2 quan chức Nhật Bản vào cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Văn phòng Thủ tướng, chuyên trách thu hút đầu tư từ nhật Bản.
Những căng thẳng âm ỉ trên biên giới Trung - Ấn gần đây càng làm cho mối quan hệ này trở nên mong manh hơn. Đầu tháng này ông Narendra Modi đã có chuyến công du 3 ngày tới Nhật Bản, cùng với Thủ tướng Shinzo Abe thống nhất nâng cao quan hệ 2 nước lên "đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu", mặc dù thỏa thuận về năng lượng hạt nhân được mong đợi vẫn chưa đạt được. Nhật cam kết đầu tư 35 tỉ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tiếp theo. Hai bên đồng ý tổ chức đối thoại 3 bên cấp Ngoại trưởng cùng với Mỹ.
Nhiều người xem việc Ấn Độ - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác song phương, tập trung vào kinh tế và không bành trướng như mô tả của ông Modi là 1 lời chỉ trích khéo nhằm vào Trung Quốc với cách tiếp cận (hung hăng) của họ trong vấn đề lãnh thổ.
Thủ tướng Narendra Modi dường như quan tâm tới việc cải thiện mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản như một hàng rào chống lại Trung Quốc. Kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5, cả Washington và Tokyo đã tăng cường các nỗ lực của họ đưa Ấn Độ vào chương trình chiến lược chống lại (mối uy hiếp từ) Trung Quốc.
Theo The Nation, Modi và các cố vấn cấp cao của ông có thể đã tính toán rằng, hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản trong các lĩnh vực như hàng hải, hạt nhân và quan hệ kinh tế - đầu tư mạnh mẽ sẽ củng cố tư thế của New Delhi trong việc đối phó với Bắc Kinh và tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào qua biên giới từ phía Trung Quốc.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn tiếp tục leo thang ngay khi ông Tập Cận Bình đặt chân tới Ấn Độ. New Delhi tố cáo Bắc Kinh xua quân, kéo người lao động tràn qua đường kiểm soát thực tế giữa 2 nước vào lãnh thổ Ấn Độ làm đường trái phép. |
Mặc dù quan hệ thương mại, kinh tế Ấn - Trung đã có sự cải thiện đáng kể, từ khoảng 5 tỉ USD năm 2002 đến hơn 66 tỉ USD năm 2013, tranh chấp biên giới Trung - Ấn tiếp tục nóng lên. Người Ấn từ lâu đã mơ ước về một hiệp ước biên giới với Trung Quốc như mô hình biên giới Trung - Nga năm 2004.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đang quan tâm tìm cách ngăn chặn bất kỳ cơ hội nào có thể dẫn đến sự hình thành liên minh quốc phòng Mỹ - Ấn hoặc Ấn Độ với Việt Nam, Philippines, 2 quốc gia khác có vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc (Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ với láng giềng - PV).
Điều thú vị theo tờ báo Pakistan là ngay đêm trước chuyến thăm Ấn Độ của Tập Cận Bình, Tổng thống nước này Pranab Mukherjee đã đi thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác quốc phòng, thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trong thập kỷ quan, theo The Natinon Mỹ đã tích cực "ve vãn" Ấn Độ trở thành trụ cột thứ 3 cùng với Nhật, Úc để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc. Washington khuyến khích sự hiện diện quân sự chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Biển Đông và Trung Á.
Trên lĩnh vực ngoại giao cũng không có mấy tiến triển đáng kể trong hội nghị thượng đỉnh Trung - Ấn. Bầu không khí rất mát mẻ mà các cuộc đàm phán kết thúc với việc chỉ ra một sự đồng thuận mạnh mẽ. Nhưng trên thực địa, binh lính Trung Quốc đã kéo vào khu vực tranh chấp tại Chumur ngay khi Tập Cận Bình đến Ấn Độ, kéo theo các thiết bị xây dựng hạng nặng và một đội quân lao động khá lớn để xây dựng một con đường.
Phía Ấn Độ dự đoán rằng, thông tin đầu tiên về hoạt động xâm nhập này chỉ xuất hiện 1 giờ trước khi Thủ tướng Narendra Modi mở tiệc chiêu đãi vợ chồng Tập Cận Bình. Ngay trong diễn văn chiêu đãi, ông Narendra Modi đã đê nghị Tập Cận Bình rằng Trung Quốc cần rút quân đội khỏi lãnh thổ Ấn Độ, động thái tờ báo Pakistan gọi là "thổi phồng" nhằm làm Tập Cận Bình "mất mặt"?!
Ông Tập Cận Bình đã được Thủ tướng nước chủ nhà nhắc nhở rằng sự kiên nhẫn của Ấn Độ trong vấn đề biên giới đã rất mỏng manh. New Delhi cần có một hiệp ước biên giới trên đất liền với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Trung - Ấn rõ ràng đã thât bại trong việc đạt được mục tiêu mà họ đề ra, là đẩy quan hệ Trung - Ấn lên tầm cao mới, ngăn chặn Ấn Độ tiến tới gần hơn quỹ đạo đầy đủ của Mỹ và Nhật Bản. New Delhi thấy rõ tình trạng khó khăn chiến lược của Bắc Kinh.