Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Hải quân Trung Quốc |
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 1 tháng 4 cũng có bài viết cho rằng, hiện nay, tranh chấp bãi Cỏ Mây đã tiếp tục nóng lên, gây xôn xao dư luận. Ngày 29 tháng 3, tàu cá Philippines (mang theo binh lính) và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã quần nhau trên vùng biển này. Phía Philippines đã thành công đổ bộ lên đảo tiếp tế cho một tiểu đội chốt giữ trên bãi Cỏ Mây (hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Theo bài báo, khi tàu cá Philippines xông lên bãi Cỏ Mây thì một tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở vùng biển bãi Cỏ Mây, một chiếc tàu ngầm trinh sát bí mật của Mỹ cũng được điều từ căn cứ Subic nhanh chóng đến khu vực xảy ra sự việc, trong khi đó có một chiếc máy bay của Hải quân Mỹ bay trên vùng trời bãi Cỏ Mây.
Cán cân sức mạnh trên Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines
Theo bài báo, Hải quân Philippines là lực lượng trên biển có quy mô nhỏ nhất trong các nước Đông Nam Á, tổng binh lực hiện nay là 24.000 quân, Thủy quân lục chiến có 8.700 quân, Lực lượng bảo vệ bờ biển có 3.500 người, ngoài ra lực lượng dự bị khoảng 17.000 người.
Tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương Type 054A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc biên chế năm 2013 |
Hải quân Philippines chỉ có một hạm đội, trực thuộc có hạm đội sẵn sàng chiến đấu, lực lượng tuần tra, lực lượng hậu cần, lực lượng tàu đột kích, cụm hàng không hải quân và cụm tác chiến đặc biệt hải quân.
Tổng số tàu chiến của Hải quân Philippines không ít, theo thống kê đến năm 2010 còn có khoảng 120 chiếc. Trong đó tàu tác chiến chính có 66 chiếc, tàu hỗ trợ có trên 50 chiếc. Nhưng quan sát kỹ cơ cấu tàu chiến của họ thì không có gì nổi bật.
Tàu chiến lớn nhất của Hải quân Philippines là tàu BRP Gregorio del Pilar lớp Hamilton, từng phục vụ cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.
Tàu này có tốc độ, khả năng chạy liên tục xuất sắc, nhưng vũ khí trang bị rất yếu, mặc dù thân tàu trên 3.200 tấn có tiềm năng cải tạo rất tốt, nhưng khi mua tàu chiến cũ đã hoạt động 40 năm của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Philippines không hề tiến hành cải tạo tàu này.
Tàu chiến có hỏa lực mạnh nhất của Hải quân Philippines là tàu hộ vệ BRP Rajah Humabon, đây là tàu chiến cũ hạ thủy vào năm 1943, từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai, nay trở thành tàu chỉ huy của Hải quân Philippines.
Tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy số hiệu 572 Type 054A biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào tháng 7 năm 2012 |
Hải quân Philippines có kế hoạch mua tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Pohang nghỉ hưu của Hàn Quốc, nhưng hiện nay còn chưa có kinh phí, chưa nói đến huấn luyện nhân viên và bàn giao. Do đó, tàu này chưa thể đến Philippines.
Về không quân và lực lượng hàng không, Hải quân Philippines có 14 máy bay, Không quân chỉ có vài máy bay huấn luyện cánh quạt KT-1, máy bay OV-10 và vài chục máy bay trực thăng. Những máy bay trên đều không có khả năng tấn công chính xác trên biển, thậm chí tiến hành tấn công mục tiêu trên đất liền cũng rất khó khăn.
Theo bài báo, lực lượng chấp pháp Trung Quốc có thể vươn tới bãi cạn Scarborough hiện nay gồm có các lực lượng của 3 cơ quan chấp pháp trên biển Trung Quốc như hải giám, ngư chính, hải sự.
Trung Quốc hiện có vài tàu công vụ mới biên chế, lượng giãn nước 1.000 tấn trở lên, khả năng chạy liên tục khá tốt, có thể tiến hành tuần tra trong thời gian nhất định ở bãi cạn Scarborough. Trong tranh chấp trên biển, chúng có thể dựa vào thân tàu chắc chắn để tiến hành cơ động, đạt mục đích áp chế xung đột trên biển.
Nhưng, trong xung đột Biển Đông, tàu BRP Gregorio del Pilar cũng là trụ cột đánh tiên phong của Hải quân Philippines, trong tranh đoạt với tàu chấp pháp trên biển hiện có của Trung Quốc hoàn toàn không cho thấy có ưu thế mang tính áp đảo.
Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn có một lực lượng mạnh, đó là Hạm đội Nam Hải, trong hạm đội này có các tàu “Aegis Trung Hoa” như tàu khu trục 170, 171, 168 và 169 (ngoài ra còn có tàu khu trục tên lửa mới Côn Minh số hiệu 172 Type 052D vừa biên chế ngày 21 tháng 3 năm 2014) cùng một số tàu hộ vệ mới Type 054A. Hạm đội Nam Hải hiện có hơn 350 tàu chiến, trong đó có 9 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ, 3 tàu ngầm hạt nhân, 21 tàu ngầm thông thường.
Lực lượng đường không của Hạm đội Nam Hải có 2 sư đoàn hàng không hải quân, 1 sư đoàn máy bay chiến đấu và 1 sư đoàn máy bay ném bom, ngoài ra còn có 1 trung đoàn máy bay vận tải độc lập chuyên vận chuyển vật tư và nhân viên tới Hoàng Sa (quần đảo của Việt Nam), 1 trung đoàn thường xuyên tới khu vực vùng trời Trường Sa (quần đảo của Việt Nam) và 1 đại đội trực thăng trang bị cho tàu chiến.
Trung Quốc đã biên chế 5 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Dưới lữ đoàn 1 hải quân đánh bộ của Hạm đội Nam Hải có 7 tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn đánh bộ, 1 tiểu đoàn bọc thép, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe chiến đấu đổ bộ và 1 tiểu đoàn thông tin.
Lữ đoàn đánh bộ 1 hàng năm duy trì trình độ huấn luyện cao, khả năng tác chiến đổ bộ được TQ tự đánh già tốt, là một trong những lực lượng có sức chiến đấu mạnh nhất của Quân đội Trung Quốc. Lữ đoàn này phụ trách một phần nhiệm vụ đánh chiếm đảo, đá ngầm.
Những lực lượng trên đều có thể sử dụng cho cuộc khủng hoảng Biển Đông trong tương lai, trong đó tàu chiến mặt nước cỡ lớn có thể triển khai tạm thời ở bãi Cỏ Mây mà không cần tiếp tế trên biển, bất cứ tàu chiến nào được điều đi đều “có thể bao vậy tiêu diệt” Hải quân Philippines.
Thế lực nước lớn đằng sau Philippines
Theo bài báo, Mỹ là nước đứng đầu, “ông chủ” lớn nhất ở phía sau Philippines. Trước thập niên 90 của thế kỷ trước, quân Mỹ từng có căn cứ hải quân ở Subic, căn cứ không quân ở Clark. Nhưng, sau này, quân Mỹ đã phải rời khỏi Philippines do không đạt được thỏa thuận mới.
Tàu tuần tra lớp Hamilton Philippines mua của Mỹ |
Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong mấy năm gần đây, Philippines lại bắt đầu chào đón quân Mỹ đến đồn trú.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin ngày 27 tháng 3 cho biết, Philippines đang cân nhắc mở cửa với mức độ lớn hơn cho Mỹ và Nhật Bản. Ông Gazmin nói, nhà cầm quyền Philippines đang xây dựng một kế hoạch sơ bộ, để cho phép quân Mỹ đến đồn trú dài hơn ở căn cứ quân sự tại Philippines, kế hoạch này cũng có thể áp dụng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trong đó, quân Mỹ từ lâu đã không có lực lượng thường trực ở Philippines, nhưng trong thời gian 12 năm luôn duy trì luân phiên lực lượng đặc nhiệm quân Mỹ ở Philippines. Quy mô của lực lượng này khoảng 400 quân, đóng vai trò "cố vấn" và "huấn luyện" tấn công khủng bố cho Chính phủ Philippines. Rõ ràng, Lục quân Mỹ không cần căn cứ lớn như vậy, vậy thì ai sẽ sử dụng?
Số liệu cho biết, chỉ trong năm 2014, tàu chiến và tàu ngầm quân Mỹ thăm vịnh Subic đạt được trên 72 chiếc, còn số lượng tàu chiến thăm cả năm 2013 là 88 chiếc, năm 2010 là 51 chiếc. Số lượng khổng lồ như vậy đã cho thấy Mỹ có kế hoạch tích cực can thiệp tình hình Biển Đông, kiềm chế Hải quân Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ |
Trong khi đó, theo bài báo, Philippines "cáo mượn oai hùm", tận dụng Mỹ làm lá chắn, liên tục "gây sự" trên Biển Đông. Trong cuộc đối đầu Biển Đông lần này, máy bay tuần tra trên biển P-8A của quân Mỹ được biết là đã cất cánh từ Philippines.
Một nước “can dự tình hình Biển Đông” khác chính là Nhật Bản. Ngay từ tháng 3 năm 2013, Nhật Bản sớm cho biết, chính phủ nước này xem xét cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines, trong đó lượng giãn nước tối đa là 1.000 tấn.
Trong khi đó, thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin xác nhận, cho biết, điều này sẽ nâng cao khả năng phòng thủ lãnh thổ cho Philippines ở Biển Đông.
Nhật Bản lần này lấy danh nghĩa "viện trợ" cho Philippines công khai xuất khẩu vũ khí, là quyết định đầu tiên sau khi Chính phủ Nhật Bản nới lỏng "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí", gây quan ngại cho Trung Quốc.
Trong tình hình Biển Đông vẫn phức tạp hiện nay, hành động này của Nhật Bản bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích là "phá rối tình hình Biển Đông, cân bằng với vai trò ảnh hưởng Trung Quốc".
Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc vu cáo cho rằng, Nhật Bản đã không hề ngần ngại can thiệp vào vấn đề Biển Đông, tích cực phối hợp với chiến lược hướng Đông của Mỹ, đây cũng là "bước đi đầu tiên can thiệp vũ trang vào tranh chấp Biển Đông của quân phiệt Nhật Bản".
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, Hải quân Mỹ |
Theo bài báo, Nhật Bản tích cực "can thiệp" vào tranh chấp Biển Đông có 2 mục đích chính: Một là muốn phân tán sự chú ý của Trung Quốc ở đảo Senkaku, biển Hoa Đông. Hai là Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội này gia tăng con bài đàm phán của họ trong vấn đề đảo Senkaku. Vì vậy, báo Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản có "mưu đồ đáng sợ".
"Khi cần phải ra tay"
Theo bài báo, Trung Quốc-Philippines trực tiếp xảy ra xung đột trên biển có nghĩa là ngoại giao hai nước đã cắt đứt hoàn toàn, đàm phán chính trị không thể giải quyết vấn đề, hai nước tạm thời không thể tiếp tục đàm phán, hậu quả xung đột bãi Cỏ Mây lúc này rất có thể là "chiến tranh nóng".
Khi buộc phải dùng hình thức tác chiến trên biển để giải quyết xung đột đảo, đá trên Biển Đông (thực ra là Trung Quốc muốn cướp đoạt) thì Trung Quốc phải tiến hành chuẩn bị trước, nhất là khi tình hình tiếp tục diễn biến xấu đi, Philippines bất chấp sự giám sát, kiểm soát (thực ra là quấy rối) của tàu hải giám Trung Quốc, tiếp tục tiếp tế cho tàu đổ bộ cũ nát trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiếp tục điều tàu chiến và máy bay đến khu vực "đảo tranh chấp" (thực ra là Trung Quốc gây ra tranh chấp), hình thành sự đối đầu lâu dài với tàu Trung Quốc.
Tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Bài báo phỏng đoán, Hải quân Philippines hiện nay rất có thể điều động tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar và tàu số 2 cùng cấp đến tấn công, trong khi đó biên đội tàu chiến của Trung Quốc gồm 2 - 4 tàu khu trục/hộ vệ.
Về mặt lựa chọn tàu chiến, bất cứ tàu khu trục/hộ vệ nào của Hạm đội Nam Hải, từ tàu hộ vệ lớp Giang Hồ kiểu cũ đến tàu khu trục tên lửa phòng không cỡ lớn mới nhất đều có hoàn thành nhiệm vụ tác chiến.
Báo Trung Quốc tự tin cho rằng, tàu chiến thích hợp để tác chiến với tàu chiến của Hải quân Philippines chính là tàu khu trục lớp Lữ Đại kiểu cũ của Trung Quốc.
Theo bài báo, thực ra, Trung Quốc-Philippines nếu xảy ra chiến tranh trên biển chính là một cuộc chiến tranh trên biển có tầm bắn vượt khả năng của hỏa pháo, nhưng chỗ khác với chiến tranh trên biển trước đây của Trung Quốc là, chiến tranh tương lai sẽ sử dụng tên lửa chống hạm. Trong khi đó, tên lửa chống hạm dòng Ưng Kích-8 của Trung Quốc sử dụng linh hoạt, thuận tiện hơn.
Bài báo cho rằng, trong cuộc chiến tranh trên biển tương lai, tàu chiến của Hải quân Philippines sẽ bị tấn công mang tính "hủy diệt", còn biên đội tàu chiến và lực lượng Trung Quốc sẽ bị tổn thất nhỏ. Hải quân Philippines chỉ có tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar, trên tàu có 1 khẩu pháo 76 mm, có thể gây thương vong cho phía Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet huấn luyện chiến đấu trên tàu sân bay USS Nimitz Mỹ tháng 9 năm 2013 |
Vì sao không thể khai chiến?
Nếu xung đột bãi Cỏ Mây phát triển theo trạng thái khai chiến, sẽ là một sự kiện dữ dội của toàn Đông Nam Á cho đến phạm vi thế giới, có ảnh hưởng to lớn đối với tình hình Trường Sa, nội bộ ASEAN cho đến tình hình trên biển của Tây Thái Bình Dương trong tương lai.
Đối với Philippines, đó là một thảm họa quân sự. Nói chung, do cán cân sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc-Philippines quá chênh lệch, khả năng khai chiến với Philippines rất nhỏ.
Tuy nhiên, báo Trung Quốc tham vọng và hung hăng cho rằng, nếu như đặt sự kiện này vào toàn bộ Biển Đông, thậm chí trong tầm nhìn lớn “phục hưng Trung Quốc”, tấn công dường như là “con đường ra duy nhất”.
Bài báo tiếp tục luận điệu cho rằng, trong vấn đề liên quan đến quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), tấn công Philippines có tác dụng "giết gà dọa khỉ", khi nỗ lực giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa bằng "phương thức hòa bình" đã không còn.
"Tầng lớp lãnh đạo của Philippines đã coi các đảo trên quần đảo Trường Sa là một con bài chính trị, chỉ "đàm phán" sẽ không thể hóa giải khủng hoảng, sẽ không bàn được kết quả mang tính thực chất. Đàm phán sẽ chỉ kéo dài thời gian Philippines "xâm chiếm" quần đảo Trường Sa". - báo TQ viết.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo Hải quân Việt Nam |
Báo Trung Quốc sặc mùi hiếu chiến và lòng tham cho rằng, cách làm thực tế là thực hiện "một lần cho xong", thông qua tấn công "thu hồi các đảo ở Biển Đông, bởi vì phương án giải quyết hoàn hảo quần đảo Trường Sa chưa từng tồn tại.
Truyền thông TQ đang cố gắng "rung cây dọa khỉ" |
Nhưng bài báo cũng tự kết luận cho rằng, "nếu Trung Quốc tận dụng hòa bình giải quyết được cuộc khủng hoảng quần đảo Trường Sa, thì đây là một phương thức giải quyết gây hài lòng cho mọi người".