Hình ảnh đồ họa về cái gọi là "tàu sân bay không bao giờ chìm" ở Gạc Ma được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, tờ Apple Daily Hồng Kông cho biết. |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/9 dẫn nguồn tờ "Tuyền Châu buổi chiều" nói rằng, gần đây Biển Đông dậy sóng nên việc Trung Quốc làm thế nào để bảo vệ cái gọi là chủ quyền (tham vọng bành trướng) lãnh thổ ở Biển Đông trở thành tiêu điểm.
Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei cũng yêu sách toàn bộ hoặc một phần quần đảo) cách đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 1000 km nên Bắc Kinh lâu nay không thể tiến hành (cái gọi là) tuần tra thường xuyên từ trên không.
2 năm trước, Cục Hải dương Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng cầu tàu (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian qua có nhiều tờ báo đưa tin, từ đầu năm 2014 Trung Quốc đã bắt đầu phong nền đắp đất, biến đá thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Gạc Ma, Tư Nghĩa. Tờ báo Trung Quốc nhận định, trong bối cảnh cục diện Trường Sa phức tạp như hiện nay, động thái này sẽ giúp Trung Quốc khống chế hiệu quả khu vực quần đảo Trường Sa.
Quan điểm chính thức của giới chức Trung Quốc xung quanh động thái này đã khá rõ ràng. Hồi tháng 5 khi phát hiện Trung Quốc xây đảo trái phép ở Trường Sa, Philippines đã gửi công hàm phản đối. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngạnh: Làm gì ở Trường Sa là quyền của Trung Quốc, không ai có tư cách can thiệp?!
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục thách thức dư luận khi nói về vụ việc đảo hóa Gạc Ma với giọng điệu hiếu chiến: Quân đội Trung Quốc phụ trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và quyền lợi hàng hải, trước sau sẽ kiên trì thực hiện sứ mệnh này trong kế hoạch tổng thể chung của nhà nước.
Vương Hiểu Bằng, một chuyên gia về biên giới biển từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc xuyên tạc rằng Việt Nam "chiếm 29 điểm đảo của Trung Quốc" ở Trường Sa trong khi chính Trung Quốc mới là kẻ xâm lược. Các hoạt động bình thường của quân dân Việt Nam ở huyện đảo Trường Sa bao lâu nay bị Vương Hiểu Bằng chụp cho cái mũ "gia cố các đảo chiếm của Trung Quốc"?! Một chuyện nực cười.
Công trường Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Gạc Ma. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu. |
Lã Diệu Đông, một nhà nghiên cứu khác cũng từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì vu cáo Việt Nam và Philippines "tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế phát tán dư luận, làm to chuyện tranh chấp" mà lại cố tình lờ đi thực tế chính Trung Quốc hung hăng kéo tàu và giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục la làng rằng mình là người bị hại?!
Tờ báo dẫn nguồn truyền thông Philippines cho biết, công việc biến đá thành đảo (trái phép) ở Gạc Ma đã chuyển sang giai đoạn phủ xanh. Họ dùng sức người đánh cả những gốc dừa đã xum xuê trái mang ra đây trồng. Còn theo báo chí Nhật Bản, Trung Quốc đã xây xong cả cảng khẩu trên đảo nhân tạo (trái phép) ở đá Châu Viên có thể neo đâu các tàu cỡ lớn. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, hoạt động này của Trung Quốc đã tăng tốc rất nhanh.
"Tuyền Châu buổi chiều" bình luận rằng việc đắp đất phong nền biến đá thành đảo (trái phép) ở Trường Sa là cần thiết để sau đó có thể "giải thích lại" Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đòi thêm 200 - 350 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra Biển Đông còn có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược đặc biệt cả về chính trị, kinh tế và quân sự.
Đặc biệt trong quân sự việc kiểm soát các đảo ở Biển Đông có thể giúp Bắc Kinh khống chế eo biển Malacca và nhiều tuyến hàng hải quan trọng sau châu Phi và châu Âu. Nhưng truyền thông Trung Quốc cố tình quên rằng cộng đồng quốc tế sẽ không thể ngồi yên để Bắc Kinh xỏ mũi, xâm hại lợi ích của họ.
Báo Trung Quốc đánh giá, một khi Trung Quốc đảo hóa thành công một số bãi đá ở Trường Sa sẽ thay đổi căn bản và toàn diện tình thế Biển Đông, Bắc Kinh sẽ như hổ mọc thêm cánh. Hiện tại bán kính tác chiến của J-11, J-10 Trung Quốc chưa đầy 2000 km nên không thể bay từ Hải Nam ra Trường Sa tác chiến. Nhưng một khi có căn cứ không quân tại Trường Sa, tình hình sẽ khác.
Theo "Tuyền Châu buổi chiều", trong số 6 bãi đá thì Su Bi và Gạc Ma có vị trí trọng yếu với Trung Quốc vì nó án ngữ tuyến đường của tàu ngầm hạt nhân chiến lược neo đậu tại Tam Á, trong khi nếu chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh từ đây sẽ có bán kính tác chiến gần như toàn bộ Biển Đông.
Vài năm qua hải quân Trung Quốc đã không ngừng được đầu tư phát triển, hàng năm các loại chiến hạm tiên tiến hay máy bay chiến đấu không ngừng được bổ sung vào biên chế, thực lực tổng hợp tăng cường. Tuy nhiên năng lực hậu cần của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng các cầu cảng, sân bay (bất hợp pháp) ở Trường Sa sẽ biến Gạc Ma và một số bãi đá thành "tàu sân bay không bao giờ chìm" của Trung Quốc ở Biển Đông.