Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey của Lính thủy đánh bộ Mỹ. |
>> Tra cứu điểm thi đại học 2012 nhanh, chính xác nhất
>> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
Máy bay trực thăng kỳ lạ có thể biến hình
Tờ “Thế giới báo” Hồng Kông có bài viết cho rằng, máy bay cánh xoay MV-22 Osprey là một loại máy bay kết hợp các đặc điểm của máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng, vừa có đặc điểm tốc độ nhanh và bay tầm xa của máy bay cánh cố định, vừa có thể cất cánh, hạ cánh thẳng đứng và đứng im trên không như máy bay trực thăng.
Máy bay này hoạt động theo nguyên lý thông qua độ lệch của cánh máy bay để điều chỉnh trạng thái bay của máy bay: khi trục cánh quạt ngang bằng, sẽ tạo lực đẩy hướng về phía trước cho máy bay; khi trục cánh dựng thẳng, sẽ đem đến cho máy bay lực nâng hướng lên trên.
MV-22 Osprey do Công ty Trực thăng Bell (Bell Helicopter Textron) và Công ty Trực thăng Boeing cùng nghiên cứu chế tạo, máy bay này được thiết kế dựa vào nhu cầu sử dụng tác chiến của 4 quân chủng gồm không, hải, lục quân và lính thủy đánh bộ của Mỹ.
Năm 1973, Công ty Trực thăng Bell đã bắt đầu nghiên cứu loại máy bay cánh xoay này, máy bay nghiên cứu cánh xoay XV-15 là mô hình ban đầu của MV-22 Osprey.
Osprey có trọng lượng cất cánh tối đa là 19.800 kg, tải trọng bên trong tối đa là 4.536 kg, có thể mang theo 24 binh sĩ chiến đấu, trọng lượng rỗng là 14.433 kg. Tốc độ tối đa có thể đạt 556 km/giờ, tốc độ tuần tra là 510 km/giờ, gấp đôi máy bay trực thăng.
Máy bay Osprey có đặc điểm lớn nhất là hành trình xa, có hành trình khoảng 3.000 km mà không cần tiếp dầu trên không, tức là có thể tự triển khai trên toàn thế giới.
Chẳng hạn, Osprey từ bờ biển phía tây nước Mỹ bay đến Hawaii chỉ cần 8 giờ, bay đến các hòn đảo ở giữa khu vực Thái Bình Dương cũng chỉ cần hơn 1 ngày, trong khi máy bay trực thăng thông thường cần ít nhất 1 tuần, máy bay này còn có thể từ Mỹ bay đến khu vực Trung Đông trong vòng 3 ngày.
Máy bay MV-22 Osprey tại Nhật Bản ngày 23/7/2012. |
Vì vậy, có người giả thiết, khi nổ ra chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nếu Mỹ sử dụng máy bay Osprey đưa một bộ phận lính thủy đánh bộ từ căn cứ quân Mỹ ở Bắc Ấn Độ Dương đến biên giới Iraq-Kuwait trong 24 giờ là có thể ngăn chặn sự xâm lược của Saddam, từ đó cứu được tính mạng của hàng nghìn người, tránh sử dụng lực lượng đa quốc gia tiêu tốn vài chục tỷ USD.
Máy bay Osprey sở dĩ có thể phát triển mạnh, còn có một lý do. Cuối thập niên 1980, do sức ép cắt giảm chi tiêu quân sự ngày càng lớn, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cheney từng nhiều lần muốn hủy bỏ chương trình tốn kém lớn này, nhưng Quốc hội luôn từ chối.
Năm 1991, do máy bay mẫu thứ năm bị rơi vỡ khi thử nghiệm, kế hoạch này đã bị nhiều lời phản đối. Nhưng, hai phi công bình yên vô sự thoát khỏi hiểm nguy làm cho tính sống sót của máy bay này được nghiệm chứng rất tốt.
Trên thực tế, máy bay Osprey không chỉ có thể chống rơi vỡ, mà còn có thể chống đỡ vũ khí hạng nhẹ và tránh sự tấn công của tên lửa.
Nó còn là máy bay vận tải chiến thuật duy nhất có thể hoạt động trong môi trường hạt nhân, sinh hóa, hơn nữa đặc biệt thích hợp cho tác chiến trong điều kiện ác liệt, đặc biệt có thể đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh của Mỹ trong các cuộc xung đột khu vực phức tạp và nguy hiểm tương lai.
Vì vậy, trong ngân sách tài khóa 1992, Ủy ban Ngân sách-Quốc hội Mỹ vẫn thông qua 79 triệu USD để thực hiện kế hoạch này.
Osprey giúp Nhật Bản bảo vệ đảo Senkaku?
Nhìn vào công nghệ, máy bay Osprey là loại máy bay đầu tiên có thân máy bay hầu như toàn bộ sử dụng vật liệu composite. Nó chủ yếu áp dụng kết cấu thể rắn epoxy resin sợi carbon. Cánh máy bay kết hợp sử dụng vật liệu composite và nhôm.
Kết cấu toàn bộ máy bay chỉ sử dụng 454 kg kim loại, hơn nữa hầu hết dây buộc kim loại lắp ở mặt ngoài máy bay, dễ kiểm tra sửa chữa.
Máy bay cánh xoay MV-22 Osprey tiếp dầu trên không. |
Công ty Trực thăng Boeing phụ trách nghiên cứu chế tạo, chế tạo một phần thân, hệ thống điều khiển và thiết bị điện tử. Cánh máy bay, cánh xoay, hệ thống truyền lực do Công ty Trực thăng Bell phụ trách nghiên cứu chế tạo.
Hai thiết bị truyền lực phải, trái kết hợp thông qua trục điều khiển ở cánh máy bay. Khi một động cơ của máy bay xảy ra sự cố, nó có thể duy trì sự thăng bằng lực kéo cho toàn bộ máy bay, đồng thời có thể làm cho cánh xoay phụ tiếp tục xoay.
Máy bay Osprey có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi 460 hải lý (852 km) của Hải quân Mỹ. Máy bay này còn có thể mang theo tên lửa và pháo, có khả năng không chiến và tấn công đối đất.
Cho nên, một đặc điểm lớn thu hút của máy bay Osprey chính là nó có rất nhiều công dụng, có thể đáp ứng nhu cầu của 32 loại nhiệm vụ, đồng thời có thể giúp tăng cường khả năng lựa chọn và tính linh hoạt cho người chỉ huy trên chiến trường.
Máy bay Osprey ít khi phải cần chi viện và không cần sân bay hoặc đường băng, cộng với việc sửa chữa đơn giản, khả năng sinh tồn mạnh, vì vậy đặc biệt thích hợp cho tiến hành các hành động tác chiến đặc biệt.
Chính do giải quyết được rất nhiều vấn đề, người Nhật Bản khôn khéo sớm đã chú ý tới Osprey, muốn nhập được loại máy bay này hoặc đưa nó tới triển khai ở Nhật Bản.
Một năm trước, phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Lapan từng tuyên bố cho biết, máy bay Osprey đã được chọn làm loại máy bay thay thế cho máy bay vận tải trực thăng hạng trung CH-46 ở sân bay Futenma (Okinawa) của Lính thủy đánh bộ.
Ông còn lấy ví dụ thực tế về vai trò của máy bay Osprey tại chiến trường Afghanistan, nhấn mạnh “Osprey an toàn hơn CH-46, tiếng ồn nhỏ hơn và tính năng cao hơn”.
Theo giới thiệu của mạng “Japan News Network”, bán kính tác chiến của Osprey cao gấp 4 lần máy bay trực thăng được quân Mỹ sử dụng tại Nhật Bản hiện nay, có thể đạt 600 km, tốc độ cao nhất cao hơn 2 lần so với trước đây.
Một khi đảo Senkaku bị “nước khác tấn công”, sử dụng máy bay trực thăng hiện nay từ căn cứ Futenma của quân Mỹ ở Okinawa bay đến đảo Senkaku, cần 2 tiếng rưỡi, nhưng nếu sử dụng Osprey, chỉ cần 1 tiếng, số người và pháo mang theo của lực lượng tác chiến cũng nhiều hơn máy bay trực thăng hiện nay.
Một số chuyên gia quân sự Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản hy vọng quân Mỹ triển khai máy bay Osprey ở nước này nhằm mục đích lớn nhất là để “hỗ trợ Nhật Bản phòng thủ đảo Senkaku”.
Được biết, lô 12 máy bay đầu tiên ngày 23/7 đã được vận chuyển đến tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản, bắt đầu tiến hành triển khai ở căn cứ Iwakuni. Quân Mỹ dự định trước tháng 10/2012, triển khai 24 máy bay vận tải Osprey ở căn cứ Futenma của Lính thủy đánh bộ Mỹ, thuộc tỉnh Okinawa, Nhật Bản.
Hãng Kyodo, Nhật Bản cho biết, 12 máy bay cánh xoay MV-22 Osprey đã được đưa từ cảng của căn cứ quân Mỹ San Diego của Lính thủy đánh bộ Mỹ tới căn cứ Iwakuni, Nhật Bản.
Nói về mục đích triển khai máy bay Osprey, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ K. Mel gần đây tiết lộ, việc triển khai máy bay Osprey ở Nhật Bản có một mục đích quan trọng là để hỗ trợ Nhật Bản phòng thủ đảo Senkaku.
Tờ "Tin tức Trung Quốc" dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên máy bay Osprey được đưa đến Nhật Bản. Theo kế hoạch, sau khi đến căn cứ Iwakuni, quân Mỹ sẽ tiến hành lắp ráp và bay thử máy bay Osprey. Quân Mỹ cố gắng để cho công tác vận hành thử có thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Mỹ nhấn mạnh, cất cánh từ Okinawa, máy bay Osprey có thể vươn tới biển Hoa Đông, Đài Loan, Philippines, điều này sẽ giúp cho sức mạnh của Lính thủy đánh bộ Mỹ tăng cường rõ rệt, có lợi cho chống lại Trung Quốc, nước có hoạt động trên biển ngày càng mạnh.
Chính phủ Mỹ đặc biệt nhấn mạnh, việc triển khai lần này là nhằm đối phó với Trung Quốc, nước đang không ngừng tăng cường quân bị, thuộc “trọng điểm chiến lược, phải thực hiện thật sớm”.
Trên cơ sở chiến lược quốc phòng mới coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quân Mỹ có ý đồ xây dựng lực lượng có khả năng cơ động rất cao, có thể nhanh chóng đến khu vực tranh chấp và thiên tai, máy bay Osprey phù hợp với mục tiêu này.
Đến tháng 3/2012, Lính thủy đánh bộ Mỹ đã triển khai 140 máy bay Osprey ở trong nước. Nếu cộng với số triển khai ở sân bay Futenma, số lượng cuối cùng sẽ đạt 360 chiếc.
Người phụ trách Lính thủy đánh bộ Mỹ cho biết, việc triển khai Osprey sẽ nâng cao rõ rệt khả năng ứng phó của lực lượng lính thủy đánh bộ tại Okinawa khi xảy ra thiên tai và tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật-Mỹ có kế hoạch chính thức đưa vào sử dụng máy bay Osprey sau khi độ an toàn của nó được đảm bảo, đồng thời không thay đổi kế hoạch đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012. Quân Mỹ còn có kế hoạch huấn luyện bay tầm thấp ở các khu vực như đảo Honshu, đảo Shikoku, đảo Kyushu của Nhật Bản. Độ an toàn của nó gây lo ngại cho dư luận Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, việc triển khai Osprey chỉ là sự “thay đổi trang bị”, không thuộc phạm vi “bàn bạc trước” theo quy định của “Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ”, Nhật Bản không có quyền yêu cầu Mỹ thay đổi kế hoạch.
Cựu quan chức Mỹ cho rằng, triển khai Osprey ở Nhật Bản là để hỗ trợ Nhật Bản phòng thủ đảo Senkaku. Chuyên gia cho rằng, dù Nhật Bản có đồng ý hay không, Mỹ đều sẽ ép buộc thực hiện, vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku nóng lên tạo thời cơ cho Mỹ triển khai.
Ngày 16/7/2012, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết, triển khai máy bay cánh xoay MV-22 Osprey ở Okinawa là kế hoạch của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản không có sự lựa chọn, chỉ có thể tiếp nhận.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lị cho rằng, Chính phủ Nhật Bản “bị ép” triển khai máy bay Osprey, thậm chí sau khi tàu vận tải mang theo 12 máy bay Osprey đã lên đường, thì Mỹ mới thông báo cho Chính phủ Nhật Bản.
1 chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, tình hình căng thẳng Trung-Nhật xung quanh vấn đề đảo Senkaku là thời điểm thuận lợi để quan hệ Nhật - Mỹ phát triển, vì thế quan chức cấp cao Mỹ mới nói, đảo Senkaku phù hợp với khoản 5 của Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ, do đó Nhật có thể được cổ vũ rất lớn. Nếu Nhật Bản có tư duy theo hướng này thì sẽ làm cho quan hệ căng thẳng Trung-Nhật càng gia tăng.
Cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ K. Mel cho rằng, Mỹ triển khai máy bay Osprey ở Nhật Bản có một mục đích quan trọng là hỗ trợ Nhật Bản phòng thủ đảo Senkaku. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố rõ, triển khai Osprey ở Okinawa có thể đóng góp cho phòng thủ của Nhật Bản.
Đây là một lý do dễ được chính quyền và người dân Nhật Bản chấp nhận. Mỹ đã chọn được một cơ hội rất thích hợp, làm giảm bớt thái độ chống đối của người dân Nhật Bản.
Đỗ Văn Long cho rằng, Osprey có 32 nhiệm vụ tác chiến, trong đó quan trọng nhất là đột kích đổ bộ, chống tàu ngầm và đoạt đảo. Bán kính tác chiến của máy bay vận tải Osprey gấp 4 lần so với máy bay trực thăng hiện đang được quân Mỹ sử dụng ở Nhật Bản, lên tới 600 km, tốc độ tối đa cao hơn 2 lần.
Một khi đảo Senkaku bị tấn công, máy bay trực thăng của quân đồn trú Mỹ hiện nay phải mất 2 tiếng rưỡi mới bay được từ căn cứ Futenma ở Okinawa tới đảo Senkaku, nhưng máy bay vận tải Osprey chỉ cần mất 1 tiếng, hơn nữa số lượng lực lượng tác chiến gồm người và pháo sẽ nhiều hơn so với máy bay trực thăng hiện có.
Nếu Osprey triển khai ở Okinawa, cách Đài Loan 640 km, cách đảo Senkaku chỉ có 400 km, theo tốc độ bình thường, tốc độ tuần tra mỗi giờ của Osprey ít nhất hơn 400 km, một giờ có thể bay tới đảo Senkaku, nhìn vào việc triển khai, vừa có thể tiến hành phong tỏa, kiểm soát khu vực xung quanh eo biển Đài Loan, vừa có thể trực tiếp uy hiếp đảo Senkaku.
Dân Nhật phản đối kế hoạch vì sợ mất an toàn
Máy bay cánh xoay Osprey đã từng nhiều lần rơi vỡ ở Mỹ, Morocco, gây lo ngại cho người dân Okinawa. Theo các nguồn tin, từ năm 2006-2011, Osprey ít nhất có 30 sự cố chưa được công bố.
Chính vì vậy, khi Mỹ lần đầu tiên tuyên bố có kế hoạch triển khai Osprey ở căn cứ Futenma vào tháng 6/2011, ngay lập tức đã bị người dân địa phương phản đối quy mô lớn, kể cả quan chức tỉnh Okinawa.
Ngày 22/7, có khoảng 1.100 người đã tổ chức biểu tình trước chính quyền thành phố Iwakuni. Ngày 5/8, tỉnh Okinawa sẽ tổ chức đại hội người dân của tỉnh để phản đối triển khai máy bay Osprey tại tỉnh này. Ngày 22/7, một quan chức tỉnh Okinawa cũng đã lên đường đến Mỹ để bày tỏ phản đối kế hoạch triển khai Osprey.
Ngày 22/7/2012, trên một kênh truyền hình Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cam kết: “Sẽ không tiến hành bất cứ chuyến bay nào trước khi Nhật có được kết quả điều tra 2 sự cố rơi vỡ máy bay Osprey gần đây để xác nhận độ an toàn của nó”.
Trong khi đó, để giảm sự nghi ngờ của Nhật Bản về độ an toàn của Osprey, người phát ngôn Lầu Năm Góc Little nhấn mạnh, từ năm 2007, quân Mỹ triển khai máy bay Osprey ở Iraq và Afghanistan, nó “có kỷ lục bay an toàn tốt”.
Tuy nhiên, những cam kết này vẫn chưa hề xóa bỏ được thái độ chống đối của người dân Nhật Bản.
Hãng Kyodo, Nhật Bản còn cho biết, ngày 22/7, một chiếc máy bay chiến đấu F-16 của quân Mỹ ở căn cứ Misawa, Nhật Bản cũng bị rơi vỡ ở vùng biển lân cận Hokkaido, sau khi bắn ra, phi công đã được cứu.
Máy bay Osprey đã uy hiếp biển Hoa Đông
Báo chí Trung Quốc dẫn bình luận mà họ cho rằng của Đài tiếng nói nước Nga đã có bài viết cho rằng, trong tình hình leo thang tranh chấp đảo giữa Trung-Nhật, Mỹ triển khai máy bay vận tải Osprey ở Nhật Bản có thể trở thành một “nhân tố mang tính phá hoại” của quan hệ Trung-Nhật.
Mỹ đã triển khai 12 máy bay Osprey ở Iwakuni, đảo Honshu, và còn có kế hoạch triển khai 24 máy bay này ở căn cứ Futenma, Okinawa, Nhật Bản để tăng cường sự hiện diện ở Okinawa.
Sau khi Lầu Năm Góc chuyển trọng điểm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương, họ bắt đầu tập trung thay mới trang bị quân sự tại các căn cứ quân sự ở Nhật Bản.
Mỹ tăng cường lực lượng quân sự tại các hòn đảo của Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến cho Trung Quốc bất mãn. Bởi vì, máy bay của Mỹ có thể dùng để do thám các mục tiêu, theo dõi các hoạt động trên đất liền và trên biển của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ triển khai máy bay vận tải Osprey lại đúng vào thời điểm tranh chấp đảo, đá giữa Trung-Nhật gay gắt, đằng sau vấn đề này luôn thấy có bóng dáng của Mỹ.
Mỹ ủng hộ đồng minh, thường nhắc nhở Trung Quốc rằng: Mỹ-Nhật có ký Hiệp ước Bảo đảm An ninh. Nếu Nhật Bản bất ngờ cần viện trợ quân sự để bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku, thì hiệp ước này lập tức có hiệu lực.
Nhưng, Trung Quốc luôn vỗ ngực, bắc loa kêu gào cho rằng, Nhật Bản chiếm đóng những hòn đảo này một cách “phi pháp” và cố gắng chứng minh rằng họ có chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư (tức đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản).
Trong bối cảnh đó, máy bay vận tải quân sự Osprey có thể trở thành một thủ đoạn mới để gây sức ép với Trung Quốc. Mỗi chiếc máy bay này đều có thể bay hơn 700 km, vận chuyển 24 lính nhảy dù. Những hòn đảo của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nằm trong bán kính này.
Nhưng, theo chuyên gia Pavel Luzin, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chính trị Nga cho rằng, hiện nay điều này không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong quan hệ Trung-Mỹ.
Luzin nói: “Điều quan trọng hơn trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là vấn đề kinh tế, gồm chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ. Cho nên, bất kể là Bắc Kinh hay Washington, hiện nay đều không muốn để quan hệ hai nước xuất hiện mâu thuẫn gay gắt mới trong lĩnh vực chính trị, quân sự”.
Như vậy, quan hệ Trung-Nhật sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất bởi việc triển khai máy bay Osprey ở Nhật Bản, tiếp theo có thể kích động mạnh “tình cảm dân tộc” ở Trung Quốc. Điều này càng nổi bật khi mà thực lực kinh tế Trung Quốc đã và đang được tăng cường.