Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta. Hơn 70 ngày sau, họ đã phải kéo giàn khoan về bởi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của chúng ta và cộng đồng toàn thế giới. Giàn khoan Hải Dương 981 trở thành tâm điểm sự kiện trên biển Đông trong năm qua.
Bài viết dưới đây là của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Tại đây, ông nhấn mạnh, việc đấu tranh để bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, gắn với sự tồn vong của Tổ quốc. Do vậy cần đưa ra giải pháp căn cơ để ổn định tình hình.
Ông cũng đồng thời đưa ra một số kiến nghị, biện pháp để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc dưới góc nhìn của một vị Tướng, một nhà quan sát chính trị.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn lãnh hải của Việt Nam nằm trong ý đồ độc chiếm Biển Đông, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Về lâu dài, Trung Quốc muốn mở “cửa ngõ” để bành trướng ra toàn thế giới. Tính chất và cường độ của sự việc hết sức nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp đến toàn vẹn lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao lưu hàng hải quốc tế. Họ đã ngang nhiên đưa cả lực lượng hải giám, hải quân có tàu phóng lôi, săn tàu ngầm, không quân yểm trợ đưa giàn khoan vào chỉ cách đảo Lý Sơn của ta 119 hải lí, tấn công quyết liệt vào cả tàu Cảnh sát Biển và tàu Kiểm ngư của ta gây thiệt hại phương tiện, thiết bị kĩ thuật, nhiều người bị thương. Đây là hành động hết sức ngang ngược, hung bạo, nếu không cảnh giác thì chỉ cần sau mấy tiếng đồng hồ thì tàu của họ đã có thể cắm vào đảo Lý Sơn và đất liền của ta. Sự việc đã vượt quá xa cấp độ của các tranh chấp trước đây, gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng ta phải kiên quyết hành động đáp trả bằng cả lực lượng và biện pháp cần thiết buộc họ phải từ bỏ các hành động ngang ngược trên. Nhà nước ta đã có những hành động đáp trả kịp thời và kiên quyết bằng các hoạt động ngoại giao. Hành động kịp thời của chúng ta đã được các cơ quan đối ngoại và báo chí cả nước, với những tuyên bố đanh thép, được báo chí thế giới, nhân dân trong nước và nhân loại tiến bộ đồng tình ủng hộ. Cùng với đó là tuyên bố của các tổ chức đoàn thể, hội đoàn, luật pháp, bộ ngành, các địa phương, tiếng nói của nhân dân, của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là tại địa phương trực tiếp quản lí khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đó, cuộc sống bao đời đã từng gắn bó kiếm sống tại ngư trường này, nơi bao chiến sĩ và nhân dân ta sống chết qua các thời đại để giữ gìn vùng đất, vùng biển còn nằm tại đó. Tấm gương của 9 nhân viên kiểm ngư vừa bị Trung Quốc gây thương tích vẫn còn đó. Khi còn nằm trên giường bệnh vẫn dõng dạc tuyên bố tiếp tục ra biển để ngăn chặn hành vi xâm lấn của Trung Quốc bảo vệ ngư trường truyền thống bất chấp sự khủng bố của các tàu Trung Quốc. Trước tình hình Tổ quốc lâm nguy mới hiểu hết tinh thần yêu nước của nhân dân Việt. Và cũng chưa lần nào dư luận thế giới lại nhanh chóng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc như lần này. Từ các nước Châu Á đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc; từ các học giả nổi tiếng thế giới đến các cơ quan ngoại giao quốc tế; đặc biệt là tiếng nói của các học giả Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc. Toàn thế giới tôn trọng công lý, yêu chuộng hòa bình đang đứng về phía chúng ta. Trong tương lai, cần Đảng, Nhà nước ta có những biện pháp ở cấp độ mạnh mẽ hơn nữa, có hệ thống hơn nữa làm điểm tựa cho thế giới có tiếng nói bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta, đồng thời cũng là lợi ích chính đáng của khu vực và thế giới. Giải pháp căn cơ Vừa qua chúng ta đã có những hành động kịp thời và tích cực nhưng với mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc, những hành động đó là chưa đủ. Phải có một cuộc đấu tranh tổng lực, toàn diện của Đảng, Nhà nước, các tổ chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, các cơ quan pháp luật, nhân sĩ trí thức, các nhà sử học, khoa học, các tôn giáo, các giai tầng xã hội… Phải để cho mọi người dân có tiếng nói và hành động theo luật pháp. Trên tinh thần đó, trước tiên tôi đề nghị Đảng, Nhà nước không chỉ dừng lại ở các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, các cuộc họp báo mà hai Đảng, hai Nhà nước đã có những tuyên bố, cam kết giữ ổn định trên Biển Đông. Trực tiếp trao đổi, đối thoại, đấu tranh để làm rõ sai trái của phía Trung Quốc, không phải để họ cứ nói một đằng làm một nẻo, nói tốt làm xấu, xuyên tạc sự thật để lừa bịp dư luận. Trên cơ sở những cuộc trao đổi của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước, các cơ quan, trước hết là cơ quan ngoại giao tiếp tục có những hành động đấu tranh liên tục buộc họ phải làm đúng những gì họ đã hứa, kịp thời thông báo những hành động sai trái của họ trước công luận. Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế và các tổ chức khác, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần có thêm nhiều tuyên bố, lên án mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc. Mục đích để mọi người dân đều được có tiếng nói công khai thể hiện ý chí kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. Cùng với sự quy tụ sức mạnh, sự gắn kết của cả dân tộc, hoạt động đối ngoại phải liên tục làm cho thế giới hiểu rõ bản chất ngang ngược của Trung Quốc bất chấp đạo lí và pháp lí, làm rõ thiện chí của ta để họ không ngừng ủng hộ chúng ta vì hòa bình an ninh của khu vực và thế giới. Một việc không kém quan trọng là phải làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc và chính nghĩa của ta. Trước đây Pháp và Mỹ thua chúng ta không chỉ trực tiếp trên chiến trường, mà họ đã thua ta ngay trên đất nước họ, vì bị nhân dân phản đối. Bài học đó đến nay vẫn nguyên giá trị đối với hành động sai trái, ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Để có sự ổn định lâu dài trên vùng biển của ta, Đảng, Nhà nước phải có một chiến lược đúng tầm. Tôi đề nghị một số vấn đề như sau: Phải coi biển đảo đúng với vị trí có ý nghĩa chiến lược trường tồn đối với đất nước, còn thềm lục địa mới còn nước. Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước, 90 triệu dân phải thực sự chăm lo bảo vệ biển đảo bằng những biện pháp, hành động thiết thực. Cả nước phải dồn sức cho những lực lượng trực tiếp canh giữ biển đảo như trước đây cả miền Bắc dồn nhân tài vật lực cho miền Nam đánh giặc và thắng giặc. Phải luôn đầu tư, chăm sóc chu đáo, xây dựng lực lượng, trang bị mạnh, hiện đại, với ý chí quyết tâm bảo vệ đảo, làm hạt nhân để bảo vệ thềm lục địa. Việc này cần được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đầu tư mạnh hơn nữa. Đối với các lực lượng dân sự, trực tiếp chủ yếu là các ngư dân, phải có chính sách đồng bộ để ngư dân bám ngư trường, bám biển, chính họ là người vừa làm kinh tế, đồng thời là tai mắt và hỗ trợ cho lực lượng quốc phòng trong canh giữ biển, đảo. Phải tổ chức làm sao trên 1 triệu cây số vuông, lúc nào, chỗ nào (nhất là những vùng xung yếu xung quanh Hoàng Sa, Trường Sa, DK1...) cũng có mặt của những người dân ở đó. Đảng và Nhà nước cần có chính sách để bảo đảm cho những ngư dân đánh cá xa bờ không ngừng tăng cường lực lượng và phương tiện hiện đại để trụ bám dài ngày trên biển khơi, có tổ chức hậu cần để bảo đảm cho hoạt động dài ngày, có phương tiện bám trụ được Biển Đông trong bão tố. Đảng và Nhà nước phải hỗ trợ cho các tập đoàn về vốn để có phương tiện kiên cố hiện đại đối phó được với thiên tai và địch họa. Phải coi ngư dân như một người canh biển, có chế độ chính sách rõ ràng, không phải khi có sự cố mới kêu gọi giúp đỡ. Ngư dân ra biển xa nếu có sự cố thiên tai, địch họa được coi như những chiến sĩ hi sinh bảo vệ biển, với tinh thần 90 triệu dân dồn sức cho hơn một triệu ngư dân bám biển, vừa làm kinh tế, vừa làm quốc phòng, có như vậy họ mới yên tâm, sẵn sàng vượt qua mọi gian nguy vừa làm lợi cho mình, vừa giữ được bình yên cho Tổ quốc. Việc đấu tranh để bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, gắn với sự tồn vong của Tổ quốc. Mong Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đúng mức để chủ động trong mọi tình huống, giữ vững chủ quyền của đất nước.
Lên án mạnh mẽ mọi hành vi vi phạm của Trung Quốc
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4
Tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (ảnh. Internet)