Một số thói quen đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày, và có lẽ nhiều người trong số chúng ta sẽ rất bất ngờ khi biết được chúng đã và đang tàn phá cơ thể ghê gớm như thế nào.
Cụ thể, 10 thói quen thông thường được liệt kê dưới đây có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đẩy bạn đến gần hơn với bệnh tật, thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Hãy xem xét và cân nhắc thay đổi trước khi quá muộn!
Ngủ khi vẫn bật đèn
Trước khi đi ngủ, chúng ta nên tắt hết đèn đối với người lớn cũng như trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu trong tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism năm 2012 thấy rằng: ngủ dưới ánh sáng nhân tạo khiến hoạt chất melatonin ( có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp sinh học ngủ - thức của cơ thể, đảm bảo giúp cơ thể có giấc ngủ ngon ) bị ức chế.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, mà còn trực tiếp làm thay đổi nhiệt độ cơ thể, lượng đường và huyết áp.
Một nghiên cứu khác trên chuột cho thấy: tiếp xúc lặp đi lặp lại với ánh sáng yếu trong khi ngủ dẫn đến chứng trầm cảm.
Đeo tai nghe
Nghe nhạc không chỉ là phương thức giải trí cho một số người, đó còn là một phần cuộc sống hiện đại.
Nhưng việc cắm tai nghe hàng ngày hàng giờ có thể tàn phá thính giác của bạn.
Một nghiên cứu cho thấy: trong số thanh thiếu niên độ tuổi 12-19, tỷ lệ những người khiếm thính tăng từ 15% giai đoạn 1988-1994 đến gần 20% giai đoạn 2005- 2006.
Tuy nhiên, thiết bị tai nghe không trực tiếp là thủ phạm. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thanh thiếu niên thường nghe với cường độ âm thanh lớn mới chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếm thính.
Vận động hoàn toàn trong nhà
Luyện tập các bài thể dục tăng cường sức khỏe là rất tốt, nhưng nếu bạn chỉ quanh quẩn trong phòng tập mà không ra ngoài trời, tác hại sẽ rất khôn lường.
Chúng ta đều biết rằng tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư da cho một số người.
Tuy nhiên, nếu nhận được quá ít ánh nắng mặt trời lại có thể gây ra tác hại khôn lường.
Một nghiên cứu năm 2008 của tạp chí Archives of Internal Medicine cho thấy nếu hàm lượng vitamin D có thể được nhận từ mặt trời ở mức độ thấp có thể liên quan đến nguy cơ tử vong.
Vitamin D cần thiết cho sự phát triển xương, sức khỏe tế bào và chức năng miễn dịch.
Cơ thể sản xuất vitamin D khi tia cực tím ánh sáng mặt trời chiếu vào da. Có thể mất ít nhất 10 phút mỗi ngày để sản xuất đủ lượng vitamin D nếu chỉ số UV ở mức vừa phải.
Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra sức khỏe để đảm bảo rằng bạn không có nguy cơ cao đối với bệnh ung thư da. Hãy tập luyện ngoài trời trong một thời gian thay vì luôn luôn trong phòng tập.
Ăn nhiều thực phẩm gây ợ nóng (ợ chua)
Ợ nóng xảy ra kể cả với những người khỏe mạnh nhất vào bất cứ khi nào. Ợ nóng xảy ra khi axit dạ dày trào trở lại vào thực quản.
Thực phẩm thông thường có thể gây ra chứng ợ nóng bao gồm cà phê, bưởi, nước giải khát và thực phẩm chiên.
Khi chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên, nó có thể biến thành bệnh dạ dày trào ngược.
Tình trạng nghiêm trọng này có thể được điều trị bằng thuốc theo toa và đôi khi phẫu thuật. Nếu không điều trị, chúng có thể gây chảy máu, loét, và có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Lạm dụng thuốc bổ sung
Bạn có thể có nhiều loại thuốc bổ sung tốt, bao gồm vitamin và khoáng chất. Thuốc bổ sung có thể hỗ trợ chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng, nhưng uống quá nhiều có thể tạo ra tác dụng phụ.
Nếu bạn đang ăn một chế độ cân bằng và không có bất kỳ vấn đề về sức khỏe, đừng thêm bất kỳ chất dinh dưỡng bên ngoài nào vào. Những gì cơ thể không sử dụng tới đều bị đào thải đi.
Dùng quá nhiều vitamin C có thể gây sỏi thận, buồn nôn, viêm dạ dày và tiêu chảy nặng.
Tiêu thụ quá nhiều selen, bạn có thể cảm thấy cơ thể chậm chạp, buồn nôn và khó chịu.
Và hãy nhớ rằng, các loại thuốc được dán nhãn "tự nhiên" hay "hữu cơ" không có nghĩa là nó không thể tương tác với các thuốc ảnh hưởng đến huyết áp, tiểu đường hoặc các vấn đề khác.
Thiếu ngủ
Cuộc sống bận rộn khiến giấc ngủ là nhu cầu được ưu tiên cuối cùng đối với nhiều người.
Giấc ngủ ít có liên quan với nguy cơ béo phì, bị đột quỵ và phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu cũng cho thấy những người thiếu ngủ thường có tâm trạng lo lắng, mất tập trung và làm việc kém hiệu quả hơn bình thường.
Uống quá nhiều cà phê
Uống cà phê với lượng vừa phải (1hoặc 2 ly mỗi ngày) có thể cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ suy tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường loại 2.
Cà phê cũng là chất chống oxy hóa rất tốt, giống như trà xanh.
Nhưng nếu uống quá nhiều, bạn có thể gặp một số rắc rối do caffein gây nên.
Tác dụng phụ khi cơ thể hấp thụ quá nhiều caffein bao gồm tim đập nhanh, khó ngủ, lo lắng và trầm cảm. Uống quá nhiều cà phê cũng có thể cản trở hấp thu canxi.
Nghiện bia rượu
Giống như cà phê, uống bia rượu ở mức độ vừa phải có thể đam lại lợi ích cho cơ thể, làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư, viêm khớp dạng thấp và các vấn đề về trí nhớ.
Nhưng nếu tối ngày say sưa lại là một câu chuyện khác. Một nghiên cứu năm 2011 trong tạp chí Clinical & Experimental cho thấy sinh viên đại học - những người hay uống rượu có kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ so với những người không uống.
Trong một nghiên cứu khác, uống rượu say có liên quan với nguy cơ suy giảm nhận thức ở người già.
Ngồi quá nhiều
Các nhà khoa học thấy rằng nếu bạn dành quá nhiều giờ và ngồi một chỗ, bạn sẽ có thể đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 và tử vong do bệnh tim mạch.
Nếu công việc của bạn gắn với việc phải ngồi lâu hàng giờ đồng hồ, hãy tập thói qun đi bộ nhanh 5 phút mỗi giờ.
Vào cuối ngày, hãy đi thêm khoảng 40 phút để cơ thể được vận động và giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Không rửa tay
Mọi người đều biết rửa tay là việc cần làm, nhưng không phải ai cũng thực hiện công việc đơn giản đó.
Nghiên cứu cho thấy thói quen rửa tay của người dân rất đáng báo động, với tỷ lệ phần trăm số người bỏ qua việc làm sạch sau khi đi vào phòng tắm là rất lớn.
Tuy nhiên hành động này lại là bước căn bản trong phòng tránh một số bệnh. Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy rửa tay có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy từ 42 – 47%.