BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh: Phải tìm được người đứng đầu trong sạch

15/05/2022 06:43
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta cần lựa chọn được Trưởng Ban chỉ đạo phải là người công tâm, trong sạch.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt!".

Trước đó, qua góp ý xây dựng Đề án, đã có 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu Quốc hội khóa XV - Trương Xuân Cừ nhận định, đây là việc làm hết sức cấp thiết để chúng ta phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các địa phương, đơn vị vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo ngành dọc là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo cấp Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ (Ảnh: Hội Người cao tuổi Việt Nam)

Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ (Ảnh: Hội Người cao tuổi Việt Nam)

Lợi thế của cấp tỉnh là có cái nhìn thực tiễn và toàn diện trên toàn địa bàn.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cấp ủy, và đặc biệt là người đứng đầu tại mỗi địa phương, đơn vị.

Nếu so với trước đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là Trưởng ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cơ cấu, tổ chức hiện nay đã thay đổi cơ bản.

Bởi lẽ, vấn nạn tham nhũng thường xảy ra tại các cơ quan công quyền thuộc về Ủy ban, các Sở ban ngành, còn các ban đảng, Mặt trận thì rất ít.

"Nếu chúng ta vẫn theo cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo cấp tỉnh trước đây thì dư luận cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng như kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi", Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nhận định.

Ông Trương Xuân Cừ cũng cho rằng: "Hiện nay chúng ta chuyển sang cơ cấu tổ chức mới là Trưởng ban chỉ đạo được nằm trong Ban Chấp hành trung ương Đảng, là người có trách nhiệm cao nhất của địa phương như vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán xuyến điều hành sẽ cụ thể và thiết thực.

Bên cạnh đó, về vai trò giám sát hoạt động Ban Chỉ đạo, chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi. Phần lớn thành viên của Ban chỉ đạo là người trong Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Chấp hành đảng bộ nên vấn đề quán triệt, chủ trương trong các cuộc họp, của đơn vị này cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Từ đó, công tác lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành, tập thể cán bộ dễ dàng hơn".

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, cơ cấu Ban chỉ đạo cấp tỉnh có thể sẽ được mô phỏng theo cơ cấu của Trung ương, gồm có các ngành, các sở, trong đó vai trò của Ban Thường vụ là rất quan trọng.

Ví như công an, các ban đảng tập trung để thể hiện vai trò, tính chiến đấu của cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng rất thuận lợi.

Về trách nhiệm của các thành viên trong Ban chỉ đạo, ông Cừ cho hay, việc này sẽ được quy định cụ thể khi xây dựng quy chế hoạt động.

"Khi xây dựng quy chế của Ban chỉ đạo, sẽ có quy định quan hệ cấp dưới với cấp trên như nào, lãnh đạo chỉ đạo các cấp và trách nhiệm ra sao.

Hay như để tránh sự nể nang, làm qua loa của cấp tỉnh, thì chúng ta phải xây dựng quy chế để cấp cao hơn vào làm khi có sự khác biệt.

Xét về mặt khách quan, nếu do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém của Ban chỉ đạo cấp tỉnh khi không phát hiện được sai phạm, thì sẽ khác với việc anh cố tình bao che. Chắc chắn, trong quy chế xử lí sẽ phải rõ ràng điều này để phát huy vai trò của cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương", Đại biểu quốc hội Trương Xuân Cừ cho hay.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh là phù hợp, không cần thiết tổ chức tại cấp huyện hay xã.

Thực tế, chúng ta có rất nhiều mô hình theo ngành dọc hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Ví như hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lí sai phạm hiệu quả, mạnh mẽ như vậy nhưng hiệu quả của Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh cũng chỉ ở mức độ.

"Theo nhiều văn bản quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị là người có trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. Điều này đã bao trùm tất cả", Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho hay.

Cần đồng bộ tháo gỡ vướng mắc ở cấp cơ sở

Chia sẻ quan điểm về chủ trương trên, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta cần lựa chọn Trưởng Ban chỉ đạo phải là người công tâm, trong sạch.

"Trưởng ban chỉ đạo phải đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và năng lực, quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng thì mới có hiệu quả. Vấn đề về con người là điều quan trọng nhất", ông Thuyền nhận định.

Theo ông Thuyền, khác với nước ta, ở nhiều quốc gia khác, họ thành lập Ủy ban điều tra phòng, chống tham nhũng, là chuyên bắt quan chức cấp lớn tham nhũng. Còn sai phạm ở cấp dưới thì đơn vị nhỏ hơn làm.

Vị này cũng cho rằng, bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì chúng ta cần đổi mới cơ cấu bộ máy hành chính.

Thực chất hiện nay, bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, cán bộ gây phiền nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự thay đổi đồng bộ, song song việc thành lập Ban chỉ đạo.

"Chúng ta phải hoàn thiện cơ chế, phải xây dựng chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân không phải xin xỏ, chạy chọt, để tạo niềm tin cho người dân. Đồng thời cần có chính sách nâng cao tiền lương cho cán bộ để họ yên tâm công tác, tránh tâm lý vụ lợi, tiêu cực", ông Thuyền cho hay.

Mạnh Đoàn