Thời gian qua, không ít cán bộ giữ chức vụ quan trọng gặp rắc rối trước những tin đồn về tài sản, lý lịch được cho là “chưa trong sáng”.
Không ít vụ việc, tin đồn trở thành hiện thực nhưng trong số đó cũng có không ít thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng không tốt tới uy tín cán bộ.
Một số ý kiến cho rằng, trước những thông tin phản ánh cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ thông tin trên, đồng thời trả lời dư luận một cách công khai.
Những thông tin liên quan tới bằng cấp, ngày, tháng, năm sinh của ông Hoàng Văn Toản – Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa đang gây xôn xao dư luận cũng cần được làm rõ theo hướng công khai, minh bạch vụ việc.
Ông Hoàng Văn Toản – Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa. |
Bí thư Huyện ủy sở hữu nhiều ngày, tháng, năm sinh
Theo đó, thời gian gần đây, dư luận ở Thanh Hóa xôn xao về việc ông Hoàng Văn Toản, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa hiện có nhiều ngày tháng năm sinh khác nhau.
Cụ thể, theo tiểu sử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-20121 thì ghi ông Toản sinh ngày 12/9/1962, quê quán xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa.
Theo bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ghi ông Hoàng Văn Toản sinh ngày 20/12/1963, khóa thi ngày 5/6/1980, tại Hội đồng Thi Thiệu Hóa 2, tốt nghiệp loại trung bình, số bằng 3673.
Bằng tốt nghiệp đại học của ông Hoàng Văn Toản, ghi sinh ngày 15/5/1962, hệ tại chức, ngành Nông học, tốt nghiệp loại Khá, năm tốt nghiệp 2008, ngày cấp bằng 2/9/2008, số hiệu bằng A.170533, vào sổ số 42, theo Quyết định số 681/QĐ-ĐHHĐ ngày 18/7/2008 do ông Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức ký.
Theo hồ sơ đảng viên thì ông Hoàng Văn Toản sinh tháng 5/1962, ngày vào Đảng là 13/12/1984, ngày chính thức 13/6/1986.
Như vậy, theo thông tin phóng viên có được, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa – ông Hoàng Văn Toản có nhiều ngày, tháng, năm sinh khác nhau, thể hiện trong các loại văn bằng, giấy tờ kê khai.
Các ngày tháng năm sinh của Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa đều không nhất quán khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đặt nghi vấn về tính trung thực, xác thực trong việc kê khai ngày, tháng, năm sinh của vị Bí thư.
“Chắc họ muốn tôi về hưu sớm”
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa lại có tới nhiều ngày, tháng năm sinh đến như vậy?
Vì sao trong suốt thời gian làm cán bộ, kê khai tiểu sử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 2016-2021 ông Toản vẫn không khai ngày tháng năm sinh nhất quán của mình theo hồ sơ Đảng viên?
Việc kê khai ngày, tháng, năm, sinh không nhất quán nhằm mục đích gì?
Việc kê khai có dấu hiệu của việc không trung thực hay không?
UBND tỉnh Thanh Hóa bị kiện vụ công chức chưa tốt nghiệp cấp 2 |
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Toản cho biết, những thông tin về ngày, tháng, năm sinh là đúng và đã được ông báo cáo với tổ chức.
“Ngày xưa tôi đi học khai ngày sinh năm 1963 là đúng rồi, nhưng tuổi thật của tôi là sinh năm 1962. Sau đó tôi xin tổ chức cải chính lại ngày sinh là 1962.
Mình là người của tổ chức, do vậy, những vấn đề này tôi đã trình bày với tổ chức hết cả rồi. Việc này có phải là mới mẻ gì đâu.
Khi người ta thông tin về tôi như vậy, tôi nghĩ là họ cũng có cơ sở. Thậm chí (có thể) họ không thích Bí thư làm lâu quá nên mong cho tôi nghỉ sớm chứ có gì đâu”, ông Toản thông tin.
Xét góc độ khác, vụ Bí thư huyện Thiệu Hóa có nhiều ngày, tháng, năm sinh có một số điểm tương đồng với vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (sinh năm 1973, Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) dùng bằng giả để “thăng quan” bởi phản ứng được cho là không mấy tích cực nhìn từ phía dư luận.
Bình luận về sự việc này, Phó giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng Cơ quan quản lý Đảng viên, ở đây là Thường vụ Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cần vào cuộc thẩm tra cụ thể làm rõ bản chất vấn đề về động cơ, nguyên nhân, trách nhiệm (nếu có) liên quan tới vụ việc nói trên.
“Những vấn đề dư luận đặt ra ở những vụ việc nên trên phần nào đó đã tác động không mấy tích cực tới uy tín danh dự, hiệu quả điều hành, chỉ đạo của cá nhân của cán bộ bị giảm sút.
Do đó, các Cấp ủy đảng phải rà soát, báo cáo trung thực, công khai dư luận để làm rõ những vấn nghi vấn trên.
Nếu cán bộ mắc khuyết điểm, kê khai thiếu trung thực thì đề nghị xử lý nghiêm theo quy định. Nếu thông tin không đúng cũng là cách bảo vệ uy tín cho đồng chí đó.
Càng lắng nghe dân, càng làm rõ chân lý, công khai thông tin càng tốt cho công tác cán bộ nói chung”, vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay.
Phó giáo sư Bùi Thị An nói thêm, công tác cán bộ là công tác của Đảng, cần có một cuộc rà soát tổng thể vấn đề này từ địa phương đến Trung ương để chọn ra những người có tài có đức:
“Lựa chọn cán bộ ngoài những tiêu chuẩn điều kiện cần thiết thì cần phải lắng nghe dân, tổ chức chính trị xã hội để có cái nhìn, sự đánh giá cán bộ đó được toàn diện hơn”, Phó giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh.