Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Trần Thọ tại “Hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 12 và 13 HĐND TP Đà Nẵng Khóa VIII, 2011-2016” diễn ra vào ngày 17/4.
Hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Đà Nẵng.
Hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 12 và 13 HĐND TP Đà Nẵng Khóa VIII, 2011-2016. Ảnh Thùy Linh |
Hội nghị này tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân;
Về công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng;
Về việc đầu tư, xây dựng trường học, trang thiết bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để đảm bảo 100% học sinh các trường tiểu học trên địa bàn thành phố được học 2 buổi/ngày;
Về công tác cải cách thủ tục hành chính trong cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố.
Báo cáo về việc thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm ma túy, cho thấy thời gian qua Đà Nẵng đã nỗ lực thực hiện công tác này và đạt được kết quả tốt.
Lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã tích cực khám phá nhiều chuyên án, thu giữ số lượng ma túy lớn.
Tính từ ngày 20/8/2014 đến ngày 28/2/2015, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 55 vụ, 85 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy; thu giữ 4.012g ma túy tổng hợp, 20g heroin.
Đồng thời, đã mở đợt cao điểm rà soát, thu gom đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn thành phố để kiểm tra thử test nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng nghiện đưa đi cai nghiện tập trung.
Tuy nhiên, số đối tượng nghiện đang ở cộng đồng vẫn còn nhiều (1.450 đối tượng) tạo nguồn cầu lớn về ma túy, kích cầu tội phạm ma túy phát sinh và có xu hướng gia tăng.
Nhiều đối tượng nghiện đã chuyển sang hoạt động phạm tội về ma túy bằng cách móc nối với các đối tượng ở các địa phương khác để hình thành đường dây vận chuyển, mua bán ma túy.
Số liệu cho thấy, tính đến ngày 31/3/2015, toàn TP Đà Nẵng đã lập hồ sơ tổ chức cai nghiện cho 299 người, trong đó cai nghiện tại gia đình – cộng đồng là 43 người, cai nghiện tại Trung tâm 05-06 là 256 người.
Hiện tổng số người đang cai nghiện tại Trung tâm là 260 người, trong đó người TP Đà Nẵng là 211, 49 học viên là người ngoại tỉnh và số học viên tại Cơ sở quản lý là 30 người; trong 211 học viên là người trong thành phố đang tập trung cai nghiện tại Trung tâm, số tái nghiện là 120 người và nghiện lần đầu là 91 người.
Người nghiện ma túy cai nghiện tại Trung tâm 05-06 đang lao động ngoài giờ. Ảnh Thùy Linh |
Nói về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết: Thường trực HĐND hoan nghênh và đánh giá cao các sở ban ngành đã vận dụng sáng tạo các Quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Đã mạnh dạn đề ra một quy định, hợp lòng dân. Từ quy định đó, chúng ta đã rút rất ngắn, loại bỏ bớt các thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian thực hiện việc đưa đi cai nghiện tập trung thông qua xét xử đúng quy trình của luật pháp.
“Các đồng chí đã dám chịu trách nhiệm, vì mục tiêu chung là không có người nghiện ma túy ngoài cộng đồng. Nếu chúng ta cứ lửng thửng, cứ làm theo Quy định của Trung ương, Trung ương bảo làm sao thì chúng ta làm y như thế, máy móc, cứng nhắc như vậy thì hôm nay gần mấy trăm con người nghiện ma túy nặng ở ngoài xã hội, liệu điều gì sẽ xảy ra?
Chúng ta dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đã có lần tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này đối với Chính phủ, với Trung ương. May mà dân hoan nghênh, dân đồng thuận…”, người đứng đầu TP Đà Nẵng quả quyết.
Ông Trần Thọ cho rằng, những người nghiện ma túy họ không phải là tội phạm, họ là người nghiện ma túy thôi, là bệnh thôi nên mới đưa vào Trung tâm để điều trị.
Bây giờ mình làm được như thế là một cố gắng rất lớn, góp phần giảm thiểu số người nghiện ở ngoài xã hội.
Vị Bí thư này cũng lo ngại, thực tế hiện nay ngoài cộng đồng số người nghiện vẫn còn nhiều. Con số này nếu không quản lý tốt, nếu không có các giải pháp tích cực thì nó sẽ nhân rộng ra. Một người hút được thì rủ thêm người khác, hút một lần rồi lần sau đó nghiện, phình con số lên.
Việc cai nghiện tại gia đình ít thành công. Cha mẹ, người thân ngại đưa lên Trung tâm 05-06 vì thương con, rồi để ở nhà cai nghiện nhưng không thành công và còn sinh ra các chuyện khác nữa.
Số cai nghiện không quản lý được ngoài xã hội còn lớn quá.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ: "Đã có lần tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này đối với Chính phủ, với Trung ương". Ảnh Thùy Linh |
Nói về kinh phí cho vấn đề này thì Bí thư Trần Thọ đề nghị cấp kịp thời và cấp đủ thực tế. “Đừng có tiếc, tiếc mấy cái này thì nó mất cái lớn hơn”, ông Thọ nhấn mạnh.
Trước sự theo giõi của người dân thành phố qua sóng truyền hình, Bí thư Trần Thọ đề nghị lực lượng Công an, Tòa án, Viện kiểm sát phối hợp với các ngành tấn công mạnh hơn nữa các loại tội phạm về ma túy: mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy…
Đây là những đối tượng gieo “cái chết trắng” cho người dân thành phố. Phải xử mạnh, xử tột khung, không có chần chừ do dự gì cả.
“Nhân đây cũng nhờ các cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng cho là bây giờ bắt các vụ án ma túy phải xét nghiệm hàm lượng ma túy trong đó, mà cả nước chỉ có một điểm xét nghiệm hàm lượng ma túy ở ngoài Hà Nội.
Lớn nhỏ không biết, cứ phải “đứng xếp hàng” đưa ra ngoài Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả rồi về mới xử.
Việc này quá trì trệ, đáng lẽ để cho địa phương tự bỏ tiền ra mua máy móc về, rồi các cơ quan chức năng đào tạo, huấn luyện rồi địa phương tự làm cho nhanh. Cái này rất bất hợp lý.
Trước độ bức bách của ma túy ngày càng tràn lên thì vấn đề này tôi tin trước sau gì cũng sẽ được sửa, không thể để như thế được”, Bí thư Trần Thọ nói.
Được biết, thời gian qua, rất nhiều địa phương gặp rất nhiều trở ngại trong việc đưa người cai nghiện bắt buộc sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành đầy đủ từ ngày 1/1/2014.
Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc tháo gỡ những khó khăn đó, tiếp đến có TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, với những sáng kiến tích cực, Đà Nẵng có hàng trăm người nghiện đã và đang được đưa vào trung tâm cai nghiện là một tín hiệu lạc quan.