- Bí thư đánh giá thế nào về công tác tự kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 của Hà Nội?
- Tự phê bình và phê bình là một nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Có làm tốt tự phê bình thì chất lượng của việc kiểm điểm mới được nâng lên. Vừa qua, trong đợt kiểm điểm phê bình và tự phê bình, với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, mong muốn tiến bộ, hầu hết các tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đã thực sự nghiêm túc trong tự kiểm điểm, thẳng thắn đi sâu làm rõ những yếu kém, thiếu sót, khuyết điểm, tập trung vào 3 vấn đề cấp bách Nghị quyết Trung ương 4 nêu và những vấn đề cấp trên gợi ý kiểm điểm sâu, những vấn đề thuộc lĩnh vực mình, đơn vị mình phụ trách.
Cùng với việc chỉ ra và làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế, từng cá nhân, từng tập thể đã đề ra các giải pháp để khắc phục. Kết quả rõ nét sau đợt kiểm điểm là tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc có chuyển biến tiến bộ. Thời gian giải quyết công việc nhanh hơn, bảo đảm thực hiện đúng các quy trình thủ tục hành chính.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiếp theo đợt kiểm điểm phê bình và tự phê bình, ngay tại hội nghị đầu tiên trong năm 2013, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Bí thư, Phó bí thư, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND Thành phố. Đây là dịp để bản thân mỗi đồng chí lãnh đạo thành phố tự nhìn nhận về mình và cũng là lần đầu tiên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lấy phiếu tín nhiệm, những năm sau sẽ trở thành việc làm thường xuyên.
- Theo ông cần có biện pháp gì để việc lấy phiếu tín nhiệm không là "hình thức"?
- Trước hết, cần phải làm cho người bỏ phiếu và người được lấy phiếu tín nhiệm thực sự hiểu và ý thức sâu sắc rằng, đây không chỉ là yêu cầu của tổ chức Đảng, là đòi hỏi của nhân dân mà còn là yêu cầu tự hoàn thiện, tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là việc làm cần thiết để mỗi tập thể, mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, qua đó, phấn đấu để ngày càng có nhiều thành tích, ưu điểm hơn, bớt đi thiếu sót, khuyết điểm. Và cũng phải làm cho người bỏ phiếu nhận thức đầy đủ về quyền dân chủ và trách nhiệm của mình trong việc đánh giá cán bộ, bảo đảm tính khách quan, công tâm, xây dựng, vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế để người bỏ phiếu có thể tham khảo thông tin từ nhiều kênh, như: từ nhân dân, từ cơ quan quản lý và cả người được lấy phiếu tín nhiệm.
Đấu tranh với những khuyết điểm là rất khó, vì là đồng chí với nhau thì hay nể nang, né tránh, ngại va chạm. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì, phải với tinh thần vì cái chung chứ không phải vì lợi ích cá nhân của mình thì mới làm được. Đây phải là việc làm thường xuyên, thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, chứ không phải hết đợt là xong.
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XV đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, các Phó chủ tịch HĐND, UBND Thành phố. Nhìn chung, các trường hợp được lấy phiếu tín nhiệm đều được đa số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao, không có ai bị đánh giá tín nhiệm quá thấp. Tuy nhiên, hầu như người nào cũng nhận được ít nhất một phiếu tín nhiệm thấp. Đó là sự lưu ý, nhắc nhở cần thiết đối với mỗi người, để nhắc nhau cần cố gắng; là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc bỏ phiếu tín nhiệm thực sự phát huy tác dụng.
Trong thời gian tới, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của 7 sở, ngành: Nội vụ, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố.
- Quan điểm của Bí thư như thế nào về nhận định cho rằng, trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều "nhóm lợi ích"?
- Khi nói “nhóm lợi ích” là muốn nói tới hiện tượng tiêu cực của một số người lợi dụng chức quyền để mưu lợi ích cá nhân. Chứ nếu phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội thì đó là chủ nghĩa tập thể, là tích cực, lành mạnh. Hiện nay, có tình trạng lợi ích chung đang bị xâm phạm bởi những vi phạm của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Dư luận nhân dân rất bức xúc trước tình trạng có những con tàu khổng lồ, như: Vinashin Atlantic, Green Sea, Hoa Sen… đang bị bỏ không hoặc hư hỏng không sử dụng được. Dư luận cho rằng, ngoài yếu kém của công tác quản lý, những sơ hở của cơ chế, chính sách; rất có thể còn có biểu hiện “lợi ích nhóm”. Đó là căn bệnh mà chúng ta đang vất vả tìm ra thuốc điều trị có hiệu quả. Chính điều này, đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực cao hơn nữa của các cấp, các ngành và của mỗi người dân trong cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng.
- Để khuyến khích người dân tham gia chống tham nhũng, tố cáo cán bộ có sai phạm, theo ông cần có biện pháp gì?
- Chúng ta cần phải tiếp tục hoàn chỉnh hơn nữa những quy định về mặt luật pháp cũng như thực tiễn để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Nhiều người còn lo ngại, chưa yên tâm tố cáo tham nhũng, kể cả khi họ biết rõ những hành vi tham nhũng. Mặc dù, tố cáo mới chỉ là một kênh thông tin, từ đó còn phải điều tra, thẩm tra, kết luận… Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải khẳng định, tố cáo của người dân là một kênh thông tin rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi vậy, pháp luật phải tạo ra được cơ chế thực sự có hiệu lực, hiệu quả làm cho người tố cáo hoàn toàn yên tâm khi tố cáo. Đồng thời, bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo, rất cần có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người vu cáo.
- Trong năm mới, ông có thông điệp gì gửi tới người dân thủ đô?
- Năm 2012, thành phố Hà Nội đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách do tác động của suy thoái kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng trưởng của cả nước, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bước sang năm 2013, tôi mong rằng mỗi người dân thủ đô sẽ thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thủ đô, xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân cả nước.