South China Morning Post ngày 19/1 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đặt chân đến Riyadh thăm chính thức Saudi Arabia ngày hôm nay. Ông Bình là nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc đến thăm vương quốc Trung Đông này kể từ năm 2009. Sau đó ông sẽ sang thăm Ai Cập và Iran.
Chuyến đi diễn ra vào một thời điểm khá khó khăn, khi Riyadh và Tehran vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao sau những xung đột về việc Saudi Arabia hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite nổi tiếng.
Ông Tập Cận Bình đi Trung Đông lần này sẽ "trao đổi ý kiến về tranh chấp trong khu vực với các nhà lãnh đạo hai nước", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Ming cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Saudi Arabia từ ngày hôm nay 19/1. Ảnh: SCMP. |
Cũng trong chuyến công du Trung Đông lần này của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Saudi Arabia trong vòng 5 đến 10 năm tới, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Iran.
Bình luận về sự kiện này, Arab News, một tờ báo lớn ở Saudi Arabia hôm nay có bài "Quan hệ Saudi Arabia - Trung Quốc" của tác giả Hashim Javed, trong đó nói rằng: "Các bản tin chúng ta đọc về Biển Đông vốn đã mất cân đối và mang thành kiến chống lại Trung Quốc, vì vậy tốt hơn hết là không nên tin tưởng các phân tích có nguồn gốc từ phương Tây".
Tác giả cho rằng Saudi Arabia đang đi đúng hướng và nên phát triển liên minh chiến lược với Trung Quốc lên một tần cao mới, các doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc cần phải được ưu đãi để đầu tư vào Saudi Arabia, thúc đẩy phát triển kinh tế vương quốc và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Phải chăng do thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ, đồng minh lớn nhất của mình đang cải thiện quan hệ với Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử, cộng thêm tham vọng muốn làm bá chủ Trung Đông, Saudi Arabia đang quay sang "đối tác chiến lược toàn diện mới" là Trung Quốc? PV.
Phải chăng cùng ôm mộng trở thành bá chủ khu vực, bá chủ toàn cầu nên truyền thông Saudi Arabia đã bất chấp sự thật luật pháp quốc tế, hòa bình ổn định ở Biển Đông đang bị Trung Quốc xâm phạm, chà đạp để lên tiếng bênh vực các hành động sai trái này của Bắc Kinh "làm quà" cho ông Tập Cận Bình nhằm kết giao "đối tác chiến lược toàn diện mới" với Trung Quốc?
Hy vọng rằng đó chỉ là đoán mò của người viết, và những quan điểm lệch lạc này chỉ là của cá nhân tác giả Hashim Javed, cùng lắm là của Arab News chứ không phải quan điểm chính thức của Saudi Arabia.
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, dù thế nào đi nữa thì những hành động quân sự hóa Biển Đông, phá vỡ hiện trạng và vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang tiến hành là điều không thể che lấp được, bị dư luận quốc tế lên án rộng rãi.
Mới nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định trong trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review, Financial Times rằng, những hành vi đơn phương phá vỡ hiện trạng Biển Đông, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành là điều không thể dung thứ.
Một người đồng nhiệm của ông, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang công du Hoa Kỳ cũng kêu gọi Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, theo Channel News Asia.
Úc là quốc gia có quan hệ thương mại, kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi là đồng minh an ninh chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực. Các nhà lãnh đạo nước này cũng phải căng mình dung hòa giữa hai siêu cường, nhưng sự thật Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông thì không thể né tránh và chối bỏ.
Ông kêu gọi Bắc Kinh nên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các nước láng giềng theo quy định của luật pháp quốc tế, mà việc tham gia vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực PCA là một ví dụ.