Biển Đông là cơ hội để Nhật Bản chủ động đóng góp cho hòa bình

01/11/2015 06:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Biển Đông là một thử nghiệm đối với Nhật Bản trong việc chủ động đóng góp bảo vệ hòa bình. Tokyo có thể làm gì để chứng minh cam kết của mình với khu vực?

The Diplomat ngày 30/1 bình luận, Biển Đông là một thử nghiệm đối với Nhật Bản trong việc chủ động đóng góp bảo vệ hòa bình. Tokyo có thể làm gì để chứng minh cam kết của mình với khu vực? Hai sự kiện nổi bật tuần này liên quan đến Biển Đông là Mỹ phái tàu USS Lassen tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết có thẩm quyền xử lý vụ kiện đường lưỡi bò.

Thủ tướng Shinzo Abe, ảnh: The Sydney Morning Herald.
Thủ tướng Shinzo Abe, ảnh: The Sydney Morning Herald.

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải của tàu USS Lassen hôm 26/10 đã được phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ còn tiếp tục ttrong thời gian tới theo đúng luật pháp quốc tế. Theo yêu cầu của Trung Quốc, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Richardson đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi. Dù không có thông tin chi tiết nào của cuộc hội đàm được công bố nhưng ai cũng có thể thấy nó liên hệ với vụ tuần tra hôm 26/10 ở Xu Bi.

Ngoài ra ngày 29/10 Tòa Trọng tài Thường trực đã ra thông cáo báo chí khẳng định tòa đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng cho dù Trung Quốc có tham gia hay không. Washington hoan nghênh quyết định này vì nó cho thấy mọi yêu sách chủ quyền, hàng hải ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng con đường hòa bình, bao gồm cả cơ quan tài phán.

Bây giờ cộng đồng quốc tế đang đặt ra câu hỏi, Nhật Bản có thể làm gì để chứng minh cam kết sẽ đóng góp tích cực bảo vệ hòa bình trong khi Trung Quốc ngày càng leo thang hũng hãn hơn trên Biển Đông. Là một trong những quốc gia nhanh chóng ủng hộ cuộc tuần tra của USS Lassen ngoài Xu Bi, Nhật Bản sớm muộn có thể sẽ được yêu cầu tham gia các hoạt động bảo vệ tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.

Tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải, an toàn và luật pháp quốc tế ở Biển Đông hoàn toàn không phải là "khiêu khích" như tuyên truyền của Trung Quốc, mặc dù vẫn có những rủi ro. Đây là hoạt động cần thiết để thể hiện rõ thông điệp, vùng biển và vùng trời quốc tế không phải của riêng bất kỳ quốc gia nào, đồng thời phải ngăn chặn mọi hành ođọng đơn phương để thay đổi hiện trạng, thực hiện yêu sách của mình bằng vũ lực.

Lâu nay nội các của Thủ tướng Shinzo Abe mới chỉ dừng lại ở việc trợ giúp các bên liên quan ở Biển Đông nâng cao năng lực tuần tra biển, phòng thủ trên biển thông qua hỗ trợ các thiết bị khác nhau như thông tin liên lạc, tàu thuyền và các hoạt động giao lưu, huấn luyện. Nếu Nhật Bản có thể đáp ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ hay các nước Đông Nam Á để tham dự tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải hàng không ở Biển Đông, đó sẽ là thông điệp rõ ràng rằng Nhật Bản luôn sẵn sàng bảo vệ tự do và công lý.

Trong một động thái có liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay sẽ có cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Seoul. Ông sẽ bày tỏ mối lo ngại của Nhật Bản trước các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa và kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt động này.

Hồng Thủy