Các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Myanmar ngày hôm nay. |
Channel News Asia ngày 11/5 đưa tin, hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Myanmar ngày hôm nay sẽ bị bao trùm bởi căng thẳng leo thang trên Biển Đông những ngày qua, sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và 11 ngư dân Trung Quốc bị Philippines bắt giữ vì đánh bắt trái phép ở Trường Sa.
Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu chính trị Myanmar thỉnh giảng tại trường Kinh tế London, Maung Zarni nói với Reuters, Trung Quốc sẽ tiếp tục nói về COC như một chiến lược ngắn hạn để kiểm soát thiệt hại. Nhưng họ rất có thể sẽ không tham gia vào bất cứ điều gì ràng buộc hoặc bất cứ điều gì sẽ hạn chế khả năng của họ để hiện thực hóa đường lưỡi bò (bất hợp pháp).
Trong nhiều thập kỷ bị cô lập, Myanmar dựa vào Trung Quốc như một đồng minh ngoại giao và quân sự gần gũi nhất. Nhưng kể từ khi Myanmar theo đuổi những cải cách đáng kể, mối quan hệ với Trung Quốc đã nguội lạnh dần.
"Tôi nghĩ rằng Myanmar sẽ chịu áp lực của Trung Quốc còn 'hiệu quả' hơn Campuchia", Sean Turnell, giáo sư kinh tế đại học Macquarie ở Sydney, Úc nói với Reuters.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam xin giấu tên cho rằng, việc lặp lại sự cố năm 2012 tại Campuchia là khó xảy ra khi Myanmar đã dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây.
"Có thể thấy mặc dù chưa phải rất rõ ràng, Myanmar đã cố gắng để giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với họ, kể cả về kinh tế và chính trị", quan chức này nói.
Nhưng theo Maung Zarni, Myanmar có khả năng sẽ tránh làm mất lòng Trung Quốc bằng cách thúc đẩy tiến trình COC, ông cho rằng Myanmar có thể độc lập hơn Campuchia, nhưng không đủ độc lập để xử lý the bất kỳ cách nào có thể làm mất lòng Bắc Kinh.