Tạp chí Foreign Policy ngày 7/12 đưa tin, Singapore đã phê duyệt phương án hỗ trợ Hoa Kỳ giám sát Biển Đông, để mắt đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), một hồi chuông báo động các nước láng giềng trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, ảnh: The Straits Times. |
Singapore đã quyết định cho phép máy bay trinh sát Hoa Kỳ sử dụng lãnh thổ của mình để giám sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi lấp, nguồn tin độc quyền của Foreign Policy cho biết.
Thỏa thuận quốc phòng này được công bố hôm Thứ Hai, phản ánh mối quan tâm lo ngại của Singapore trước việc Trung Quốc cứng rắn theo đuổi yêu sách (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông.
Động thái này cũng cho thấy xu hướng lớn hơn giữa các nước trong khu vực muốn dựa vào Hoa Kỳ làm đối trọng với chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hai quan chức Lầu Năm Góc cho biết, thỏa thuận này sẽ cho phép máy bay P-8 Poseidon của hải quân Mỹ cất cánh từ sân bay của Singapore, cung cấp cho Washington một xuất phát điểm chiến lược để theo dõi, giám sát các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen sẽ ký thỏa thuận này trong chuyến thăm Washington theo lời mời của người đồng nhiệm Ash Carter.
Hoạt động này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối tài hải quân và máy bay trinh sát Mỹ hoạt động trong khu vực họ đơn phương tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.
Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý nói rằng hải quân Mỹ đang cho tàu thuyền và máy bay hoạt động trên vùng biển, vùng trời quốc tế ở Biển Đông, hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên phê chuẩn.
Trước đó máy bay trinh sát hàng hải Hoa Kỳ có thể cất hạ cánh tại các sân bay ở Nhật Bản và Philippines. Malaysia cũng đã thông báo mời Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự nước này ở phía Đông.
Chính phủ các nước Đông Nam Á lo ngại rằng, nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát (bất hợp pháp) các rặng san hô ở phía Đông và phía Nam Trường Sa rồi thiết lập các tiền đồn quân sự trên đó, Bắc Kinh có thể thống trị và thiết lập quyền "bảo kê" các hoạt động trên vùng biển, tuyến đường hàng hải huyết mạch trọng yếu này.
Bắc Kinh đã hứa sẽ không theo đuổi quân sự hóa các đảo nhân tạo, trong khi 3 đường băng dài trên 3000 mét đã được họ xây dựng ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, có thể cất hạ cánh các máy bay quân sự (hiện đại nhất mà quân đội Trung Quốc hiện có).
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Singapore - Hoa Kỳ đã làm nổi bất cách thức quốc đảo này đóng vai trò lớn trong việc định hình chính sách ngoại giao và thương mại trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng cứng rắn (hung hăng) chống lại các nước láng giềng nhỏ hơn họ.
Ngay cả lúc duy trì mối quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, trong thập kỷ qua Singapore đã xây dựng được mối quan hệ mạnh mẽ với quân đội Hoa Kỳ, để Mỹ đặt một Bộ Tư lệnh hậu cần trên lãnh thổ của mình và cho phép các tàu hải quân Mỹ hoạt động và đồn trú thời gian dài.
Chiếc tàu lớp Littoral Combat của hải quân Hoa Kỳ đến Singapore hồi tháng Tư, ảnh: Breaking Defense. |
4 tàu Littoral Combat của Hoa Kỳ đã được phép triển khai tại Singapore trong vòng 10 tháng. Singapore cũng đầu tư hàng tỉ USD trang bị vũ khí mới và chiến đấu cơ, với 20% GDP được dành cho mua sắm quốc phòng với định hướng chỉ đạo rõ ràng - tránh mua vũ khí Nga và Trung Quốc.
Căn cứ hải quân Changi của Singapore cũng là cảng duy nhất trong khu vực có thể chứa một tàu sân bay của Hoa Kỳ. Các nước trong khu vực đang theo chân Singapore, tập trận chung cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh và ủng hộ ngoại giao từ Washington trong các tranh chấp ngày càng gay gắt trên Biển Đông.
Vài lời bình luận: Cá nhân người viết cho rằng đây là một quyết định khó khăn nhưng sáng suốt của Singapore trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang quân sự hóa khu vực Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp.
Cũng như Hoa Kỳ, Singapore không phải một bên yêu sách ở Biển Đông và duy trì lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, quốc đảo sư tử này lại phụ thuộc rất lớn vào hoạt động thông thương, an toàn và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Một khi Biển Đông bị phong tỏa, Singapore là nước chịu tác động, thiệt hại rất lớn.
Mặc dù vừa tiếp nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ Thái Lan, nhưng Singapore đã quyết định hỗ trợ việc giám sát Biển Đông và khu vực tranh chấp ở Trường Sa dù biết rằng Trung Quốc có thể tỏ ra bất mãn, giận dữ. Nhưng việc gì cần làm thì vẫn phải làm, vì chính mình và vì hòa bình và ổn định, an ninh khu vực.
Dù các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc sẽ không dừng lại, nhưng chí ít hành động của Hoa Kỳ và Singapore hiện nay cũng cho thấy, bên thứ 3 trung lập và có quyền lợi ở Biển Đông sẽ không để cho Bắc Kinh tự tung tự tác mãi được.
Càng không thể để Trung Quốc lập chốt thu tô, tiến hành hoạt động "bảo kê" như xã hội đen ở Biển Đông. Ít nhất hiện nay mọi hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đang được ghi lại với đầy đủ bằng chứng rõ ràng và có thể được trưng ra trước công luận quốc tế tại các diễn đàn, hội nghị.