South China Morning Post ngày 7/12 đưa tin, các nhà khoa học trung Quốc đang phá triển một thiết bị tàng hình mới có thể giúp máy bay biến mất khỏi màn hình ra đa của nhiều hệ thống cảnh báo sớm.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện một bước đột phá trong công nghệ máy bay tàng hình, nhóm nghiên cứu này đã tung ra chi tiết kỹ thuật và thiết kế của một bo mạch tàng hình đa lớp.
Hình minh họa: SCMP. |
Họ khẳng định rằng, thiết bị này có tiềm năng giúp các máy bay đánh lừa các hệ thống ra đa cảnh báo sớm được sử dụng phổ biến ngày nay. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, Hồ Bắc cho xuất bản kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Vật lý ứng dụng của Viện Vật lý Hoa Kỳ tháng trước.
Giáo sư Huang Jun, một nhà nghiên cứu công nghệ tàng hình quân sự tại Trường Kỹ thuật công nghệ hàng không, Đại học Bắc Hàng nhận định: "Nghe có vẻ giống như một cái gì đó phải giữ bí mật. Đây sẽ là một bước đột phá nếu nó hoạt động được như họ nói. Đây thực sự là một tin xấu cho các hệ thống ra đa cảnh báo sớm".
Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi giáo sư Jiang Jianjun từ Vũ Hán hiện chưa thể đưa ra bình luận gì về thông tin này. Theo bài báo họ đăng trên Tạp chí Vật lý ứng dụng, nhóm này đã tạo ra một bo mạch điện tử đa lớp có thể hấp thụ các vi sóng ở tần số siêu cao. Do đó hệ thống ra đa khó phát hiện và máy bay có thể lẻn qua chúng.
Các hệ thống ra đa cảnh báo sớm làm việc dựa trên nguyên lý phát hiện sóng dội lại của vi sóng tần số siêu cao bật ra từ mục tiêu. Nếu những vi sóng tần số siêu cao này được hấp thụ bởi các bo mạch điện tử mới, trong trường hợp này máy bay sẽ biến mất khỏi màn hình ra đa.
Đáng lưu ý là vật liệu sử dụng để làm các bo mạch đa lớp này lại mỏng gần như khó tưởng tượng nổi, dưới một centimet, chỉ bằng một phần mười kích thước của các sản phẩm tương tự được phát triển bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài. Điều này có nghĩa là bo mạch đa lớp của Trung Quốc có thể được sử dụng cho các máy bay tàng hình.
Huang Jun cho rằng ngay cả máy bay tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ cũng không phải tuyệt đối an toàn, chúng có thể được phát hiện bởi các hệ thống ra đa tiên tiến và thậm chí từ một khoảng cách đáng kể. Những loại ra đa mạnh mẽ này sử dụng vi sóng tần số 2 GHz hoặc thấp hơn để định vị và theo dõi máy bay tàng hình.
Nhiều dự án tương tự được giữ bí mật vì tác động của chúng đối với an ninh quốc gia, quốc phòng. Một số được hỗ trợ bởi kinh phí quân sự và cấm tiết lộ kết quả nghiên cứu. Nhưng nhóm làm việc của Jiang Jianjun lại "hoàn toàn tự phát" và không dùng tiền ngân sách.
Trong khi đó các nguồn tin khác cho biết, công nghệ mới có thể được kết hợp với các vật liệu sơn truyền thống để đạt được mức độ tàng hình chưa từng có cho máy bay quân sự. Tuy nhiên không phải công nghệ này không có vấn đề.
Nó không thể hấp thụ được các vi sóng có tần số trên 2 GHz. Có nghĩa là máy bay tàng hình bằng bo mạch đa lớp này vẫn có thể bị phát hiện bởi các hệ thống ra đa tiên tiến, trong đó có loại công suất lên tới trên 40 GHz. Như vậy sẽ còn mất nhiều năm để Trung Quốc có thể ứng dụng nó lên một máy bay thực tế.