South China Morning Post ngày 5/3 đưa tin, Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng cường hiện diện hàng hải trong các vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp với các nước láng giềng, bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ, tự do hàng hải "trong vùng biển Trung Quốc quản lý".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội nước này, ảnh: Đa Chiều. |
Điều này được ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc nêu ra trong dự thảo kế hoạch 5 năm tiếp theo đọc trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội nước này. Tuyên bố được phía Trung Quốc đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang trên Biển Đông và Hoa Đông (bởi các hành vi quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc).
Các cam kết của Chính phủ Trung Quốc trước Quốc hội nước này bao gồm: tăng cường thực thi "pháp luật hàng hải", bảo đảm tự do hàng hải và an ninh trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào tranh chấp). Đồng thời Bắc Kinh sẽ "đối phó một cách thích hợp với các hành vi (Trung Quốc xem là) xâm phạm chủ quyền Trung Quốc trên biển".
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc dự kiến trong năm nay tăng 7,6% so với năm ngoái, lên mức 954 tỉ nhân dân tệ. Ông Lý Khắc Cường tuyên bố:
"Chúng tôi sẽ tăng cường chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực chi tiết để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không".
Vương Hàn Linh, một nhà nghiên cứu trẻ từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nói với South China Morning Post: "Chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi và an ninh biển đang bị đe dọa khủng khiếp".
Để Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Biển Đông, Mỹ-Nga đều thất bại |
Ông Linh đổ tội cho Hoa Kỳ tuần tra gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) trên Biển Đông những tháng gần đây khiến Chính phủ Trung Quốc phải tập trung nhiều hơn vào an ninh hàng hải.
Trong khi thực tế chính các hành động phiêu lưu leo thang quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang tiến hành mới là nguyên nhân gốc rễ của mọi căng thẳng, rủi ro trên Biển Đông - PV.
"Một vấn đề quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát biển là cần tăng cường năng lực xử lý các trường hợp khẩn cấp, bao gồm trợ giúp ngư dân Trung Quốc bị các nước đối thủ trong khu vực bắt giữ", Vương Hàn Linh cho hay.
Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết, nước này sẽ cải thiện hệ thống giao thiệp với các nước lân cận để thúc đẩy hợp tác. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ soạn thảo một dự luật về hàng hải trong 5 năm tới để nêu bật chính sách tổng thể cũng như chiến lược các vấn đề hàng hải của nước này.
Vương Hàn Linh nói rằng: "Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển đòi hỏi phải xây dựng chiến lược biển toàn diện, bao gồm một bộ luật hàng hải cơ bản". Hải Nam sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của chính phủ để "khai thác các nguồn tài nguyên Biển Đông", báo cáo Chính phủ Trung Quốc viết.