Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận sáng 01/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo của nước nhà. Các đại biểu đã nêu nhiều nội dung quan trọng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài chính cho giáo dục, tự chủ đại học, chính sách cho nhà giáo, vấn đề phân luồng - hướng nghiệp…
Không thể “tay không bắt chíp” nếu muốn đáp ứng 50.000-100.000 nhân lực công nghệ cao
Về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn có thể cần từ 50.000-100.000 nhân lực từ nay đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Ngành giáo dục đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách của ngành, một sứ mệnh của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai trong lĩnh vực này.
Với dự đoán 50.000 đến 100.000 nhân lực, yêu cầu có nhiều trình độ, nhiều nhóm chuyên môn, trong đó, ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hiện nay, có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này. Trong đó, đối với lĩnh vực gần như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình.
Ngày 19/10 vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức Hội nghị để triển khai nhiệm vụ này, hiện cũng đang tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đảm nhiệm công việc này”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: quochoi.vn. |
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn, từ đó đào tạo cho sát, tránh việc ào ào đào tạo rồi cuối cùng lại thừa, đó cũng là một chuyện không tốt.
Dự kiến, năm 2024, tuyển sinh, đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan thì tuyển khoảng trên 7.000 người học, và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hằng năm, để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Dự kiến đến năm 2030, có thể đáp ứng được con số 50.000-100.000 nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này. “Không thể có một sự “tay không bắt chíp” trong lĩnh vực này. Cần có sự đầu tư cao thì mới có thể đáp ứng được” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thiếu 127.583 giáo viên, một phần do thu nhập
Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Đây là một vấn đề được đại biểu rất quan tâm - một yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tính đến nay, theo số liệu ngành giáo dục và đào tạo có, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh tăng lên cũng rất nhiều. Như đại biểu tỉnh Bình Dương cũng có thông tin, riêng tại Bình Dương đã tăng 35.000 học sinh trong năm học mới này. Vậy, con số trẻ em đi học tăng lên rất lớn, do vậy, yêu cầu về giáo viên cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, tiếp tục tình trạng giáo viên nghỉ việc, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đã xác định chỉ tiêu cho các tỉnh là 26.000. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nội vụ, các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, có nơi “để dành” sẵn chỉ tiêu để bù vào 10% chỉ tiêu cắt giảm biên chế; ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu. Ngoài giáo viên các môn học mới, đào tạo còn cần cả quá trình, thì giáo viên mầm non tại nhiều tỉnh cũng gặp khó, khi nguồn thì có những tuyển lại không có người ứng tuyển, vì giáo viên mầm non làm thì áp lực mà lương lại thấp”.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo.
“Vừa qua, trong 3 năm liền, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã sắp xếp lại hệ thống các điểm trường, giảm 3.033 điểm trường, là một con số rất đáng kể để chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn. Nhưng đó cũng là một giải pháp không thể duy trì mãi. Cũng mong rằng, thời gian tới, các tỉnh sẽ lưu ý, tuyển hết chỉ tiêu. Bộ Nội vụ cũng đã xác định trong năm 2023-2024, giao 27.800 chỉ tiêu cho các tỉnh. Đây cũng là một bước để có thể cải thiện được một bước về câu chuyện thiếu giáo viên” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Biên soạn 1 bộ sách: Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau
Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội có nhận định “sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định mà ngành Giáo dục xác định là đòi hỏi cao, rất trách nhiệm của Chính phủ, dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn phải làm tốt thêm và ngành Giáo dục đang cố gắng để thực hiện tốt.
Vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm và từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách.
Sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Huệ Phương. |
Như vậy, đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.
Cũng có ý kiến băn khoăn về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ đồng thì đây là con số thống kê cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển. Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí là 395,2 tỷ đồng”.
Về việc đại biểu quan tâm Nghị quyết Đoàn giám sát liên quan tới việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: “Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.
Còn vấn đề được giao, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1-2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau”.