Đề nghị Bộ GD rà soát, tránh để trường ĐH đào tạo tràn lan, lãng phí nguồn lực

01/11/2023 06:32
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH cho rằng, cần mở rộng ngành đào tạo sức khỏe; xây dựng chính sách hỗ trợ cho SV học bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, nhằm bổ sung nhân lực.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Cần mở rộng ngành đào tạo sức khỏe, hỗ trợ sinh viên để bổ sung nhân lực y tế

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu: “Ước cả năm 2023, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, 2/4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế được giao theo Nghị quyết 16/2021/QH15 đã cơ bản thực hiện vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu số bác sĩ; từ năm 2022 đạt 11,1 bác sĩ/10.000 dân đến năm 2023 ước đạt 12 bác sĩ/10.000 dân”.

Mặc dù đánh giá đây là một trong những kết quả đáng mừng, tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn khi việc đạt các chỉ tiêu một cách bền vững không hề dễ dàng.

“Tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra đến năm 2030, chúng ta đạt 19 bác sĩ/10.000 dân. Để đào tạo được 1 bác sĩ có thể hành nghề được theo quy định hiện nay phải mất tối thiểu 7 năm rưỡi, còn nếu để một bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị tuyến tỉnh cũng phải mất gần 10 năm. Đây thực sự là một thách thức lớn với ngành y tế.

Trong những năm gần đây, một số trường đa ngành không chuyên về đào tạo sức khỏe cũng đã và đang có xu hướng “lấn sân” mở mã ngành đào tạo lĩnh vực đặc thù này.

Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội trong bức tranh thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ” - nữ đại biểu chia sẻ.

Theo Đại biểu Trần Khánh Thu, hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành y, trong đó có 32 cơ sở được phép đào tạo bác sĩ y khoa, số bác sĩ tốt nghiệp năm 2022 là 12.254 bác sĩ và dự kiến đến năm 2025 sẽ đào tạo được 60.900 bác sĩ.

Như vậy, số nhân lực bác sĩ có thể đáp ứng theo yêu cầu về số lượng, nhưng cơ cấu phân bố chưa hợp lý, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, hải đảo. Mặt khác, do đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo không đồng bộ, đặc biệt là các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành khác nhau; trong khi những năm qua điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học y truyền thống thường ở tốp cao nhất, nhưng cũng có những trường điểm chuẩn đầu vào chỉ bằng với điểm sàn.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Nữ đại biểu cũng phân tích thêm: “Nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ có chất lượng chuyên môn tốt sẽ giúp nâng cao được công tác khám bệnh, chữa bệnh và dự phòng bệnh tật. Ngược lại, nếu chất lượng nhân viên y tế thấp thì sẽ tăng tỉ lệ sai sót, sự cố y khoa và làm giảm chất lượng y tế.

Như vậy, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trước khi tham gia vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm tính công bằng trong đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đã quy định: “Giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” là chủ trương đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ, các bệnh viện thực hành lâm sàng cũng hoạt động tự chủ, dẫn đến việc các sinh viên y khoa sẽ chịu gánh nặng học phí kép, đó là học phí trong 6 năm học đại học và đến khi ra trường tham gia thực hành lâm sàng 18 tháng tại các bệnh viện tiếp tục phải chi trả kinh phí học thực hành.

Gần đây, ngày 25/10/2023 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trong tình hình mới.

Một trong nhiệm vụ, giải pháp được chỉ ra trong chỉ thị là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng cơ cấu phù hợp. Đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ; có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu. Cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Có chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn, phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Cập nhật kiến thức y khoa liên tục và có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc và gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.

Từ cơ sở lý luận và nhu cầu thực tiễn, việc các trường mở rộng đào tạo, ngành đào tạo đặc biệt, ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết lập vì sẽ bổ sung một số lượng lớn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì đương nhiên chất lượng đầu ra sẽ không có sự khác biệt về năng lực bác sĩ và sẽ có sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân”.

Từ những phân tích trên, để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn. Theo đó, cần tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho lĩnh vực an sinh xã hội. Trong đó có văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức thỏa đáng với các lĩnh vực này.

Thứ hai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực, phục vụ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật. Nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực của cán bộ chính thức được thực hiện.

“Tôi đề nghị, Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước.

Như vậy, vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội đạt được nguyện vọng để trở thành bác sĩ. Đồng thời, giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ.

Đề nghị cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.

Đề nghị cần phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hàng năm về năng lực đào tạo của các trường có ngành đào tạo y, dược. Nếu không đủ năng lực thì phải cho ngừng hoạt động lĩnh vực này. Thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định, trước hết bảo đảm bảo quyền lợi sức khỏe của người dân, tiếp đến đảm bảo quyền lợi cho người học” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đề nghị rà soát, sàng lọc, tránh để các trường đại học đào tạo tràn lan

Quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua với hạn chế trong việc đầu tư đội ngũ nhà giáo, và nhiều việc liên quan khác nhưng chưa được quan tâm đúng mức với tinh thần nghị quyết đề ra.

Đại biểu cho biết: “Công tác tuyển sinh của các trường đại học còn nhiều bất cập, học sinh ứng thí vào đại học chủ yếu mới được tiếp tiếp cận thông tin, việc xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ thông qua phổ biến của ngành giáo dục.

Trong khi đó, việc tuyển sinh đại học hiện nay có nhiều hình thức khác nhau, ngoài việc xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thi đánh giá năng lực của các trường đại học, đại học quốc gia, của trường, liên trường, xét tuyển thẳng theo cơ chế riêng của trường chưa được phổ biến một cách rộng rãi. Thí sinh phải tự tìm hiểu hoặc một số trường đại học tự tìm kênh phổ biến riêng nên có học sinh nắm được nhưng vẫn còn nhiều học sinh lẫn phụ huynh không có thông tin để con em tham gia ứng thí nên thiệt thòi. Cơ hội được vào trường nhưng nguyện vọng bị thu hẹp”.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Vì vậy, Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, phổ biến rộng rãi tất cả các hình thức thi cho học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo sự đồng bộ, công bằng.

Vị đại biểu cũng nêu thêm: “Hiện, chất lượng tuyển sinh đầu vào của nhiều trường quá cách biệt nhau. Có những ngành mới, đang “khát” nhân lực đầu ra, hứa hẹn tương lai về mức thu nhập cao thì nhiều học sinh đăng ký. Song cùng ngành đó, trường thuộc “top đầu” vào “top cuối” khi lấy điểm đầu vào bằng hình thức xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông cách nhau cả hơn 10 điểm.

Một khoảng cách rất lớn để phản ánh việc còn có nhiều trường chủ yếu thu hút được sinh viên để tồn tại, chưa quan tâm đến năng lực, chất lượng đào tạo thực tế”.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, rà soát, đánh giá chất lượng của các trường đại học hiện nay để có những sàng lọc, tránh đào tạo tràn lan, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, kinh phí.

Một vấn đề nữa cũng được Đại biểu Trần Quang Minh quan tâm, đó là về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

“Vấn đề này đã có chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây gần 10 năm, đây cũng là nội dung rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Bộ chưa ban hành giáo trình chuẩn nên mỗi nơi làm mỗi khác, nhiều trung tâm kỹ năng chưa được kiểm định chất lượng, đội ngũ giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản” - ông đề cập.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến giáo dục kỹ năng sống, qua đó góp phần lớn cho học sinh hoàn thiện nhân cách, ứng phó với nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống, nhà trường, bạn bè; góp phần rất lớn để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường hiện nay cũng như giảm thiểu tình trạng gia tăng và trẻ hóa người phạm tội vi phạm pháp luật.

Huệ Phương