Trong bối cảnh giám sát chặt chẽ động thái mở rộng biên giới về phía Đông Âu của NATO và đảm bảo lợi ích quốc gia của mình ở Trung Đông bất ổn, Nga cũng đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ra Thái Bình Dương, nơi lợi ích địa chính trị của Moscow và Bắc Kinh đang chồng chéo nhau.
Tuy nhiên, hai đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc cũng có rất nhiều điểm chung. Sputnik dẫn lời các chuyên gia cho biết, kế hoạch chiến trục chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với cả Nga và Trung Quốc.
Nga muốn lấy lại vị thế của lực lượng hải quân toàn cầu. |
Bên cạnh đó, cả Moscow và Bắc Kinh cùng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, cùng muốn cân bằng quyền lực ở bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc đều xem Triều Tiên và Nhật Bản là hai đối thủ đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định của khu vực.
Để giành lại lợi thế của một cường quốc hải quân toàn cầu, Nga đang không ngừng nâng cấp và hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương, duy trì tập trận hải quân chung thường xuyên với Trung Quốc. Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương còn tham gia vào các hoạt động chống cướp biển đa quốc gia ở ngoài khơi Đông Bắc châu Phi, mở rộng nhiệm vụ ở Bắc Cực.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng trong hai năm qua, Hạm đội Thái Bình Dương đã được trang bị một loạt tàu mới như: tàu ngầm hạt nhân tên lửa lớp Borei, tàu đổ bộ lớp Dyugon, tàu hộ tống lớp Steregushchy, tàu ngầm tấn công đa năng lớp Yasen như một phần của chương trình tái trang bị cho hải quân kéo dài 20 năm.
Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch đưa tám tàu ngầm lớp Borei vào phục vụ trong năm 2020. Mỗi tàu ngầm loại này có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo Bulava có khả năng phá vỡ rào chắn tên lửa của Mỹ và đưa Hạm đội Thái Bình Dương trở thành lá chắn hữu hiệu của Nga ở Viễn Đông, củng cố khả năng trả đũa của nước này.
Trong khi đó năm 2014 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng về việc mở rộng sự hiện diện hải quân của Nga ở nước ngoài, tiến hành các cuộc đàm phán cho phép tàu Nga đến các cảng nước ngoài.
Đáng chú ý trong chuyến thăm hồi tháng trước tới Nam Mỹ, ông Shoigu đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng về tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Venezuela, Cuba và Nicaragua, bao gồm cả thỏa thuận cho phép tàu chiến Nga cập cảng của các nước.
Theo các chuyên gia, số lượng các chuyến thăm của tàu Hải quân Nga tới các cảng nước ngoài cũng đã tăng đáng kể trong ba năm qua, bao gồm tới cảng của Việt Nam, Seychelles và Singapore.
Sự mở rộng dần dần này của hải quân đã thể hiện ý định muốn lấy lại vị thế toàn cầu của Nga như là một lực lượng hải quân có ảnh hưởng, đánh dấu sự trở lại của quân đội Nga mạnh mẽ, Sputnik dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết. /.