Bộ GD cần kiểm tra, xử lý trường ĐH vi phạm trong thực hiện 3 công khai

27/12/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thanh, kiểm tra các trường đại học trong việc thực hiện quy chế công khai theo Thông tư 36.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/12/2017 Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định hàng năm cơ sở giáo dục đại học phải đưa báo cáo ba công khai lên trang thông tin điện tử của trường.

Mục tiêu của việc thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật; nâng cao tính minh bạch, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm và mức xử phạt.

Tuy nhiên, như vừa qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài nêu rõ thực trạng nhiều cơ sở giáo dục thực hiện không nghiêm các quy định của Thông tư 3.

Đơn cử, Trường Đại học Nguyễn Trãi có số liệu trong báo cáo ba công khai đăng trên website khác với bản cứng gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thì nhầm lẫn về thống kê sinh viên tốt nghiệp.

Hay, dữ liệu 3 công khai của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh không hiển thị đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh ngày 04/12/2023 qua bài viết: "Nhiều năm không hiển thị 3 công khai trên website, ĐH Nông Lâm TP.HCM nói gì?".

Website Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có đường link truy cập báo cáo ba công khai. (Ảnh chụp màn hình ngày 19/12/2023).
Website Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có đường link truy cập báo cáo ba công khai. (Ảnh chụp màn hình ngày 19/12/2023).
Nhưng khi truy cập vào thì tìm thấy dữ liệu báo cáo ba công khai. (Ảnh chụp màn hình ngày 19/12/2023).
Nhưng khi truy cập vào thì tìm thấy dữ liệu báo cáo ba công khai. (Ảnh chụp màn hình ngày 19/12/2023).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, có thể một số trường không công khai báo cáo ba công khai trên website nhưng chưa bị cơ quan quản lý phát hiện. Khi cơ quan báo chí phát hiện thấy nhưng trường cũng không bị xử lý nên trường tiếp tục không thực hiện đúng quy chế công khai theo Thông tư 36.

"Vấn đề trọng tâm hiện nay là dù đã có quy định cụ thể về thực hiện công khai đối với trường đại học, cùng với đó là có mức xử phạt hành chính khi vi phạm nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thi hành xử lý vi phạm một cách quyết liệt, triệt để nên không đủ sức răn đe", thầy Nghĩa chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thầy Nghĩa cho rằng, cơ quản lý nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần xem xét thanh, kiểm tra các trường đại học trong việc thực hiện quy chế công khai theo Thông tư 36.

Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc việc thanh, kiểm tra hậu công tác tuyển sinh của trường đại học. Vừa rồi, một số trường đại học cũng đã bị xử phạt vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Chính vì thế, theo thầy Nghĩa, việc thực hiện quy chế ba công khai cũng rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát để trường đại học thực hiện nghiêm Thông tư 36. Và khi phát hiện trường nào có dấu hiệu vi phạm quy định, dễ thấy nhất là không tìm thấy báo cáo ba công khai trên trang thông tin điện tử của trường thì nhất định phải xử phạt.

"Một trong những trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đào tạo là thông tin báo cáo ba công khai phải "đưa lên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo". Do vậy, những trường không đăng tải báo cáo ba công khai là chưa thực hiện đúng trách nhiệm.

Cốt lõi, phải xử phạt các trường khi có hành vi không đăng tải, không cập nhật báo cáo ba công khai thì mới buộc các trường thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai đã được quy định tại Thông tư 36"

_Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa-

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ dưới góc độ làm cách nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong giám sát việc thực hiện đăng tải báo cáo ba công khai hàng năm của cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Phạm Hiệp - chuyên gia giáo dục đại học, nói rằng Thông tư 36 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tổ chức thực hiện nội dung, hình thức và thời điểm công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, người học nếu chỉ dựa vào thông tin trong báo cáo ba công khai để tìm hiểu về trường sẽ chưa đủ sức tin cậy vì chỉ là thông tin một chiều.

Tiến sĩ Phạm Hiệp. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Hiệp. Ảnh: NVCC

“Việc đưa ra quy định xử phạt hành chính đối với trường đại học không công khai báo cáo ba công khai có phần thiếu thực chất, là vô nghĩa (vì khó kiểm soát hết các trường đại học-PV).

Để tăng hiệu quả tra cứu và giám sát của xã hội, kịp thời phát hiện những trường đại học không đăng tải báo cáo ba công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một cổng thông tin chung (cổng này công khai với xã hội để tăng khả năng giám sát) và yêu cầu tất cả các trường đại học thực hiện cập nhật báo cáo ba công khai trên cổng thông tin này.

Với cổng thông tin chung của Bộ, xã hội, người học sẽ biết những trường nào đăng và không đăng tải báo cáo ba công khai. Nhờ đó, các trường sẽ chủ động đăng và cập nhật báo cáo ba công khai”, Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Hiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất khó phát hiện ra những lỗi sai sót của cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện quy chế công khai.

Thông tin trong báo cáo ba công khai và đề án tuyển sinh của trường đại học nhiều nội dung trùng lặp nhau nên có thể cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều hơn đến đề án tuyển sinh mà bỏ qua kiểm tra việc thực hiện báo cáo ba công khai của trường đại học. Do vậy, khi những thông tin trong báo cáo ba công khai của một trường đại học được xã hội phát hiện ra lỗi thì lãnh đạo trường mới thực hiện việc báo cáo, đính chính lại. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có cổng thông tin tổng hợp chung để theo dõi các trường thực hiện báo cáo ba công khai thì sẽ rất dễ phát hiện trường nào đăng tải báo cáo, trường nào không.

Bên cạnh đó, quy định trường đại học thực hiện đăng, cập nhật thông tin về báo cáo ba công khai trên trang thông tin điện tử hàng năm cũng nhằm tăng khả năng giám sát xã hội đối với thực hiện quy chế công khai.

Theo Điểm a, b, Khoản 1 và Điểm b, c Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục với các hành vi: Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành; Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành; Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Điểm c, Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 127 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 /1/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định số 04.

Ngọc Mai