3 công khai Trường ĐH KHXH&NV HN: Đội ngũ giảng viên là PGS có xu hướng giảm

05/12/2023 06:35
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, nhà trường đã đăng tải báo cáo 3 công khai nhưng có thể một số thời điểm website trục trặc kỹ thuật nên không truy cập được.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập vào tháng 9/1995, trên nền tảng các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhà trường có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Hiện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội do Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn là Hiệu trưởng.

Có ngành đào tạo tiến sĩ nhưng không có giáo sư, phó giáo sư

Theo báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, đội ngũ giảng viên của trường có xu hướng giảm.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội qua các năm.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội qua các năm.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy so với năm học 2020-2021, số giảng viên có chức danh phó giáo sư của năm học 2022-2023 giảm 12 thầy cô (tương đương giảm 14,6%). Số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ cũng giảm từ 91 xuống chỉ còn 67 người (giảm 24 người, tương đương 26,4%).

Trong khi đó, số giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường tăng từ 164 thầy cô lên 195 thầy cô (tăng 31 người, tương đương 18,9%).

Đáng chú ý, một số ngành, 3 năm liên tiếp không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy bao gồm: Đông Nam Á học, Quản lý thông tin, Thông tin - thư viện. Đáng lưu ý, ngành Đông Nam Á học nhà trường có đào tạo ở trình độ tiến sĩ.

Ngành Đông Nam Á học trường có đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng không có giảng viên cơ hữu là giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Đông Nam Á học trường có đào tạo trình độ tiến sĩ nhưng không có giảng viên cơ hữu là giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh chụp màn hình)

Chiếu theo Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:

"Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo".

Ngành Đông Nam Á học không có giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Đông Nam Á học không có giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, ngành Thông tin - Thư viện chỉ có 5 giảng viên (3 tiến sĩ, 2 thạc sĩ). Căn cứ vào khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học cần đảm bảo:

"Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy".

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Các ngành đào tạo như Đông Nam Á học, Thông tin - Thư viện là các ngành đã được mở và tổ chức đào tạo từ trước khi có Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT. Việc mở các ngành trên tại thời điểm trước năm 2022 đã đảm bảo các quy định về điều kiện mở ngành của Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, do tính liên ngành cao trong nghiên cứu và đào tạo giữa các ngành ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, giảng viên trong cùng một đơn vị đào tạo (khoa/viện) và giữa các đơn vị đào tạo đều có thể tham gia giảng dạy ở các ngành đào tạo gần nhau.

“Nhà trường xác định nhân lực dùng chung, bản thân một chương trình đào tạo do giảng viên ở nhiều đơn vị cùng tham gia giảng dạy (học phần đại cương, học phần lĩnh vực, học phần ngành/ chuyên ngành...).

Đặc biệt, đối với các chuyên đề chuyên sâu, trường còn có sự tham gia của đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm (chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu hoặc đại học trong nước và quốc tế).

Nhà trường hiện đang tiếp tục cân đối đội ngũ cán bộ giữa các đơn vị theo hướng đáp ứng đủ nguồn tại chỗ thông qua hoạt động tuyển dụng và đào tạo từ nguồn tại chỗ”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng cho biết thêm, những năm qua nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc giữ chân, bồi dưỡng tại chỗ và thu hút giảng viên có trình độ cao về công tác tại trường, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Các chế độ, chính sách được quy định rất rõ thông qua việc ban hành nhiều văn bản với chính sách hỗ trợ cả trên phương diện tinh thần lẫn vật chất.

"Ví dụ: hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế (lên đến 1.000 USD); có chính sách đồng hành, khen thưởng đối với các nhà khoa học có công trình công bố quốc tế (70 triệu đồng đối với bài báo quốc tế Q1; 350 triệu đồng đối với sách chuyên khảo nhóm A của SENSE); hoàn thành luận án tiến sĩ đúng thời hạn, nâng cao trình độ ngoại ngữ; mở các khoá bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy, hoàn thiện chức danh giáo sư/ phó giáo sư…

Hiệu quả của các chế độ, chính sách nêu trên được thể hiện rất rõ thông qua việc hàng năm đều có nhiều nhà khoa học xin về trường công tác. Tuy nhiên, một số khó khăn khách quan trong việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao mà nhà trường (cũng như các trường công lập nói chung) gặp phải là sự hấp dẫn hơn về thu nhập của các cơ sở đào tạo ngoài công lập, áp lực về nghiên cứu và công bố quốc tế được Đại học Quốc gia Hà Nội quy định…", thầy Tuấn thông tin.

Về việc tổ chức đào tạo các ngành sau đại học ở trường, theo thầy Tuấn bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, còn có sự tham gia của nhiều giảng viên kiêm nhiệm là các chuyên gia có chức danh khoa học giáo sư, phó giáo sư trong Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đến từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước và quốc tế. Vì vậy, nhà trường hoàn toàn đảm bảo chất lượng đào tạo như đã tuyên bố và cam kết với người học và với xã hội.

Ngoài ra, mặc dù trên website nhà trường có cập nhật báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022 nhưng khi phóng viên truy cập vào tất cả các mục đều không thể xem được.

Lý giải về vấn đề này, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trong những năm qua, nhà trường triển khai thực hiện và công bố báo cáo 3 công khai rất nghiêm túc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo 3 công khai của năm học 2021-2022 cũng được trường thực hiện và hiển thị trên website từ ngày 29/3/2022. Tuy nhiên, có thể, tại một số thời điểm truy cập, nền tảng website có trục trặc kỹ thuật nên tạm thời không truy cập được vào số liệu năm đó”.

Mặc dù có hiển thị trên website nhưng tất cả các mục trong báo cáo 3 công khai của trường năm học 2021-2022 đều không truy cập được. (Ảnh chụp màn hình)

Mặc dù có hiển thị trên website nhưng tất cả các mục trong báo cáo 3 công khai của trường năm học 2021-2022 đều không truy cập được. (Ảnh chụp màn hình)

Giảm số phòng học do quy hoạch lại

Cũng theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, cơ sở vật chất của trường có sự thay đổi về số phòng học. Cụ thể, năm học 2020-2021, nhà trường có 94 phòng học. Nhưng đến năm học 2022-2023, trường chỉ còn 85 phòng học (giảm 9 phòng học).

Năm học 2022-2023 nhà trường giảm 9 phòng học so với năm học 2020-2021.

Năm học 2022-2023 nhà trường giảm 9 phòng học so với năm học 2020-2021.

Lý giải về vấn đề này, thầy Tuấn cho biết: Sở dĩ số phòng học giảm là do nhà trường tổ chức cải tạo thay đổi công năng phòng học (ghép 2 phòng nhỏ thành 1 phòng lớn) để phục vụ, khai thác tối đa hiệu quả các phòng học phù hợp với chuyên môn của từng chuyên ngành đào tạo.

“Trước đây, do đặc thù phân chia chuyên ngành quá hẹp nên một số phòng học được chia nhỏ để đáp ứng những lớp học chuyên đề có số lượng sinh viên ít. Hiện nay một số phòng học như vậy không phù hợp nên nhà trường cải tạo lại để phù hợp với quy mô lớp có sinh viên trung bình trở lên.

Vì vậy, số lượng đầu phòng học có thể giảm một vài đơn vị nhưng tổng diện tích thực sử dụng lại gia tăng nhờ quy hoạch lại các không gian hành chính để gia tăng không gian giảng đường cũng như không gian tự học của sinh viên (năm 2022 tăng gấp 4 lần so với trước đó)”, thầy Tuấn thông tin.

Ngoài ra, nhà trường cũng đang tiến hành cải tạo không gian co-working space của cán bộ giảng viên (khoảng 150m2 để vận hành từ 1/2024).

Các không gian thực hành chuyên môn cũng được chú trọng như: không gian trà đạo cho sinh viên ngành Nhật Bản học; không gian thực nghiệm cho sinh viên các ngành Khảo cổ học, Văn hóa học; không gian thực hành Tôn giáo học và Hán Nôm phối hợp với các cơ quan đối tác bên ngoài…

Cũng theo thầy Tuấn, sự gia tăng công nghệ hóa trong hoạt động đào tạo (ứng dụng một số nền tảng LMS chuyên nghiệp để dạy học trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng giảm tải nhất định việc sử dụng không gian vật lý tại trường.

Nguồn thu tăng qua các năm

Theo báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, nguồn thu của trường có xu hướng tăng. Cụ thể, tổng thu năm 2020 của trường là 208,784 tỷ đồng. Trong đó từ ngân sách là 89,523 tỷ đồng; từ học phí là 97,6 tỷ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 4,861 tỷ đồng; từ nguồn thu hợp pháp khác là 16,8 tỷ đồng.

Đến năm 2022, tổng thu của trường là 224,8 tỷ đồng (tăng hơn 16 tỷ đồng so với năm 2020). Trong đó, từ ngân sách là 91,5 tỷ đồng (chiếm 40,7%); từ học phí là 114 tỷ đồng (chiếm 50,7%); từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 8,6 tỷ đồng (chiếm 3,8%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 10,7 tỷ đồng (chiếm 4,8%).

Nguồn thu của trường có xu hướng tăng qua các năm.

Nguồn thu của trường có xu hướng tăng qua các năm.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, trong bối cảnh tự chủ đại học, ngân sách dành cho nhà trường đã giảm nhiều so với trước đây. Vì vậy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xác định phải tăng nguồn thu để đảm bảo hoạt động và phát triển đơn vị.

“Thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trong 2 năm học vừa qua (2021-2022, 2022-2023) nhà trường đã xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho 18 chương trình đào tạo để xác định mức thu học phí cho các chương trình này.

Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế nhằm gia tăng nguồn thu. Đồng thời, khai thác và tìm kiếm các nguồn kinh phí từ nghiên cứu khoa học, đề tài - dự án từ nguồn ngân sách địa phương cũng như kinh phí tài trợ và viện trợ trong nước, quốc tế”, thầy Tuấn bày tỏ.

Về chính sách học bổng, năm học 2020-2021, số sinh viên nhận học bổng khuyến khích học tập kỳ 1 của trường là 315 sinh viên; kỳ 2 là 516 sinh viên.

Số sinh viên được miễn giảm học phí là 1.500 người. Trong đó có 405 sinh viên được miễn 100%, 315 sinh viên được giảm 70% và 30 sinh viên được giảm 50%).

Số sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập là 231 sinh viên với tổng chi phí chi trả là 1.032.570.000 đồng/kỳ.

Ngoài ra còn có 50 sinh viên được xét trợ cấp khó khăn, mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng.

Năm học 2022-2023, số sinh viên nhận học bổng khuyến khích học tập kỳ 1 của trường là 347 người, kỳ 2 là 570 người.

Số sinh viên được miễn giảm học phí là 1.532 sinh viên (trong đó 436 sinh viên được miễn 100%, 308 sinh viên giảm 70% và 22 sinh viên giảm 50%).

Số sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập là 228 sinh viên, với số tiền chi trả là 1.019.160 đồng/1 kỳ.

Số sinh viên được xét trợ cấp khó khăn là 50 sinh viên với mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng.

Học phí đại học chính quy chương trình đại trà của trường dao động từ 9.800.000 - 35.000.000 đồng/ năm tùy vào khối ngành cũng như hệ đại trà hay hệ chất lượng cao.

Nhật Lệ