Hướng tới ngày toàn dân bầu cử 22/5, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục gửi tới độc giả những thông tin quan trọng, qua đó cử tri hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử không?
Theo quy định của luật, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, theo luật thì chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân.
Mỗi công dân tham gia bầu cử thể hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước. ảnh: Báo An giang. |
Vận động bầu cử được quy định thế nào?
Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử, các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ cụ thể tương ứng.
Việc vận động bầu cử của người ứng cử có thể theo hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Số lượng người dân tộc thiểu số và phụ nữ được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội quy định thế nào?
"Đại biểu Quốc hội có dám đánh cược sinh mệnh chính trị của mình với cử tri?" |
Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội là nữ.
Lập danh sách cử tri được quy định thế nào?
Danh sách cử tri được lập theo đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền (UBND cấp xã, UBND cấp huyện, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân), đúng thủ tục niêm yết; chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân theo dõi, kiểm tra.
Việc bỏ phiếu quy định thế nào?
Việc bỏ phiếu phải đảm bảo đúng nguyên tắc theo luật định. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Việc kiểm phiếu quy định thế nào?
Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu của các tổ bầu cử và giả quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử của mình.
Ngoài ra, còn có trường hợp bầu cử thêm, bầu cử lại cũng được luật quy định rất cụ thể.
Cuối cùng là tổng kết cuộc bầu cử trong đó có các bước về công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử; giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử; xác nhận tư cách của người trúng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân.
Quy định về việc xử lý vi phạm?
Việc dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lập phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.