Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội 4 khóa VIII, IX, X, XI chia sẻ với độc giả những câu chuyện đầy khó khăn khi trở thành Đại biểu Quốc hội.
Ông Vũ Mão nhận định, dù phải đối diện với nhiều áp lực, nhưng khi đại biểu thực sự gánh phần trách nhiệm về mình thì họ luôn tìm được cách để vượt qua.
Từ kinh nghiệm 4 khóa làm Đại biểu Quốc hội, ông có thể chia sẻ những áp lực mình đã trải qua?
Ông Vũ Mão: Sau khi là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, tôi chuyển sang công tác Quốc hội. Lúc đó, tôi có phân vân và lo lắng ở công tác mới mình có làm tròn trách nghiệm hay không. Cái lo nhất là mình có đủ trình độ để đáp ứng cho trọng trách được giao hay không?
Cùng một lúc, tôi có trách nhiệm ở nhiều vai trò khác nhau: Vừa là Đại biểu Quốc hội, vừa là Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, vừa là Chủ nhiệm văn phòng Quốc hôi và Hội đồng Nhà nước.
Trước khi về công tác tại Trung ương, tôi có nhiều năm hoạt động tại địa phương, rất sát sao với đời sống của người dân cho nên có rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy kiến thức pháp luật chưa có bao nhiêu cho nên lo lắng và rất băn khoăn.
Sau này, anh em cùng công tác với tôi tâm sự, lúc đầu họ cũng chưa tin là tôi có thể làm tốt nhiệm vụ ở Quốc hội. Nhưng trong quá trình đó tôi luôn có tinh thần khiêm tốn học hỏi, học qua thực tế, học qua anh em đồng nghiệp để mình hiểu biết và tham gia đóng góp vào các công việc của Quốc hội.
Qua kinh nghiệm ấy, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, đừng tự mãn, đừng tự đề cao mình, nhưng cũng đừng tự ti, điều quan trọng là xác định được nhiệm vụ của mình để rồi từ đó phấn đấu rèn luyện thì sẽ được cử tri tin tưởng.
Trong các cuộc bầu cử trước đây, ngay cả những người có chuyên môn giỏi, có đức độ và được nhiều người dân trân trọng cũng có thể không trúng Đại biểu Quốc hội. Đó là trường hợp của Bác sĩ Tôn Thất Tùng, trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Ông tự ứng cử đại biểu quốc hội nhưng không trúng.
Khi người ta hỏi ông tại sao ứng cử Đại biểu Quốc hội, ông bảo tôi muốn cống hiến cho đất nước. Bằng tài năng, bằng nghị lực phấn đấu không ngừng nên ông đã trúng cử vào Quốc hội khóa II và liên tiếp được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội liên tục cho tới khóa VI.
Ông Vũ Mão chia sẻ, để đánh giá Đại biểu Quốc hội thì phải xem họ có dám đi đến cùng với những kiến nghị của cử tri hay không? ảnh: Ngọc Quang. |
Trở thành Đại biểu Quốc hội là mang theo mình trọng trách rất lớn đó là phấn đấu với lý tưởng duy nhất là vì nhân dân. Nhưng trên thực tế, nhiều đại biểu bị biến thành “chim đưa thư”, phải chăng vì vẫn còn bị hạn chế trong công tác giám sát, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Công tác giám sát của Quốc hội và cả Hội đồng nhân dân các cấp có một số tiến bộ. Nhiều vấn đề bức xúc của cử tri được quan tâm, giám sát, chọn lọc, đưa ra chất vấn các cơ quan chức năng để các cơ quan này có hướng giải quyết thỏa đáng.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thẳng là công tác giám sát của các cơ quan dân cử vẫn là khâu yếu nhất, với 4 vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, khâu giám sát các văn bản dưới luật còn yếu. Nhiều Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ chưa phù hợp với luật của Quốc hội ban hành.
Có phải cán bộ không bố trí được vào đâu nữa thì đưa về Hội đồng nhân dân? |
Việc giám sát các văn bản đó của các cơ quan của Quốc hội còn nhiều hạn chế. Hậu quả là để lại quá nhiều vấn đề trong đời sống xã hội như an toàn thực phẩm, cổ phần hoá, sản xuất hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp không xuất khẩu được. Nhân dân rất bức xúc!
Thứ hai, việc giám sát ngân sách là khâu rất yếu. Tình trạng nợ công, nợ nước ngoài đang rất nghiêm trọng.
Thứ ba, bộ máy công quyền vận hành chưa tốt, công chức làm việc kém hiệu quả, còn nhiều nhũng nhiễu. Ở đây chưa thấy rõ vai trò giám sát của cơ quan dân cử từ Trung ương xuống địa phương.
Thứ tư, nạn tham nhũng tràn lan, ngày càng trắng trợn. Trong các nguyên nhân có phần trách nhiệm của Quốc hội trong việc ban hành và giám sát các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực này.
Có ý kiến cho rằng những đại biểu quyết liệt ở nghị trường sẽ giành được nhiều thiện cảm với cử tri. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những đại biểu có nhiều đóng góp chiều sâu ở các dự án luật mới được đánh giá cao. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ cả hai ý này đều có lý, bởi vì Đại biểu Quốc hội có những phát biểu sắc sảo ở nghị trường và quyết liệt khi chất vấn sẽ góp phần gây sức ép lên các tư lệnh ngành, qua đó thúc đẩy họ giải quyết nhanh các vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó cũng có những Đại biểu Quốc hội không thể hiện sự quyết liệt ở nghị trường nhưng họ vẫn đóng góp thầm lặng.
Đại biểu Quốc hội có quyền gì? |
Bởi vậy để đánh giá về đại biểu nào đó thì tôi nghĩ cần phải xem họ có dám đi tới cùng với những kiến nghị của cử tri không, hay chỉ nêu vấn đề qua loa, đại khái.
Trên thực tế có những đại biểu khi chất vấn mới nghe thì tưởng rất hay, nhưng chủ yếu là phê phán, nhưng chính họ cũng không đưa ra được giải pháp.
Tôi không đồng tình với cách thể hiện ấy, vì khi đã nêu ra vấn đề tồn tại thì cũng phải nêu được giải pháp tháo gỡ thì mới là góp ý tích cực.
Bên cạnh đó, tôi cũng ủng hộ việc các Đại biểu Quốc hội chủ động nghiên cứu và đề xuất một dự luật nào đó với Quốc hội.
Vừa rồi có Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề xuất xây dựng Luật hành chính công. Tôi cho cái này rất hay. Muốn làm được điều đó phải đi sâu lắm, phải hết sức tâm huyết mới làm được điều đó.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự án luật – đứa con tinh thần ấy, thì lại rất cần “bà đỡ”; đó là các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Họ phải thực tâm giúp chị Khánh hoàn thiện dự án luật, đồng thời khích lệ các đại biểu khác phát huy tinh thần ấy.
Đổi mới hoạt động Quốc hội là công sức và thành tựu chung, nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi Đại biểu Quốc hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và phải biết làm việc một cách âm thầm, không ồn ào; đồng thời cũng lại rất cần lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sâu sát công việc, chịu khó đổi mới nội dung và cách thức hoạt động.
Thời kỳ còn công tác, với trách nhiệm của mình, tôi nung nấu nhiều ý tưởng đổi mới hoạt động của Quốc hội. Vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn có truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước được theo dõi là một ví dụ điển hình.
Quá trình chuẩn bị rất công phu: Văn phòng Quốc hội phải bỏ ra ba năm trời để nghiên cứu xây dựng đề án. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét tới ba lần mới thông qua. Bộ Chính trị cũng có tới hai lần thảo luận mới thông qua.
Đó là vào giữa năm 1994, mọi việc tưởng như đã xong, theo chương trình làm việc của Quốc hội thì ngày mai truyền hình trực tiếp và mọi thông tin đã công bố với nhân dân, nhưng có đồng chí lãnh đạo vẫn cho rằng làm như vậy là nguy hiểm.
Đồng chí đó đặt ra vấn đề lo lắng là: Nếu đại biểu nêu câu hỏi chất vấn không đúng tầm sẽ bị cử tri phê phán và đánh giá trình độ thấp thì sao?
Hay việc có vị Bộ trưởng trả lời không suôn sẻ, lòng vòng thì sẽ bị cử tri đánh giá thấp, làm mất uy tín, mất hình ảnh của vị đó?
Rồi một cái nữa nguy hiểm hơn là, trong qua trình tranh luận nhỡ ai đó lỡ mồm làm lộ bí mất quốc gia thì sao?
Họ hỏi tôi rằng, anh có dám chịu trách nhiệm về điều đó không? Ở thời điểm đó, tôi đã mạnh dạn cam kết về trách nghiệm của mình. Điều này có nghĩa mình đã mang sinh mệnh chính trị của mình ra để “cược”. Sau đó, mọi việc đã diễn ra tốt đẹp như mọi người đều biết.
Qua câu chuyện trên, tôi muốn nói với các bạn trẻ, để làm một Đại biểu Quốc hội xứng tầm nó gian nan, vất vả và áp lực lắm, nhiều khi phải đánh cược cả sinh mệnh chính trị của mình cho những quyết định mang tính đột phá.
Trân trọng cảm ơn ông!