So với luật hiện hành, dự án luật sửa đổi có một số điểm mới, đặc biệt là việc đề xuất thêm một số đối tượng được miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quan tự vệ.
Theo đó, dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) bổ sung thêm 3 đối tượng được miễn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ trong thời bình: Vợ hoặc chồng, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người làm công tác cơ yếu.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - ông Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Về đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ Dân quân tự vệ, khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật này cũng bổ sung thêm một số đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể: Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người chưa đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
Người có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong quân đội nhân dân; người có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân công an đang phục vụ trong công an nhân dân;
Người là lao động chính duy nhất trong hộ gia đình nghèo, nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;
Người là con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
Người đang học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người lao động, học tập và làm việc tại nước ngoài.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung một số đối tượng được miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ như quy định trong dự thảo Luật;
Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì cho rằng, dự thảo Luật quy định về diện đối tượng tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ là quá rộng. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn…
Phát biểu góp ý về dự thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục bổ sung thêm đối tượng tạm hoãn trong trường hợp khi có một người trong gia đình đang tham gia lực lượng dân quân tự vệ; hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành…
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định của luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn..., tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống…
Về ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được tạm hoãn, miễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo; quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên nếu tạm hoãn, miễn cho họ sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Về đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật chỉ quy định tiêu chí, điều kiện tạm hoãn cho từng đối tượng nên khi không còn tiêu chí, điều kiện này thì công dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.