Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin hỏi - đáp về an toàn thực phẩm; đồng thời, có văn bản chỉ đạo thực hiện việc bố trí phương tiện kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lần thị sát tại chợ đầu mối Long Biên. ảnh: TTXVN. |
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị, trong tháng 7/2017 trình Chính phủ ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ trong tháng 7/2017 trình Chính phủ có văn bản chỉ đạo việc bố trí cán bộ xã theo dõi công tác an toàn thực phẩm.
Về vấn đề công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để hoàn chỉnh dự thảo theo hướng chuyển sang hậu kiểm, quy định cụ thể tại Nghị định việc công bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cơ chế đặc thù cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về quản lý các lò mổ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thống nhất phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả; trong đó phải đổi mới cách thức làm việc, nhất là đối với bộ phận tổng hợp giúp việc Ban Chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.
Được biết, 6 tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%.
Lực lượng cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 3.163 vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với 433 tổ chức, 2.586 cá nhân; khởi tố 4 vụ, 3 bị can; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 2.587 vụ với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 245 vụ với 193 đối tượng; đang điều tra 136 vụ với 36 đối tượng...