Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, chiều 12/11 và sáng nay, 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn lời: "Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn. Nhưng các vấn đề liên quan đến các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội lại là những vấn đề quen thuộc".
"Lãng phí thất thoát trong xây dựng rất khó khắc phục triệt để"
Các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng công trình nhà ở tái định cư, độ an toàn của các công trình thủy điện và cả Tháp truyền hình Nam Định bị bão quật đổ vừa qua khi tình trạng “rút ruột” công trình đang xảy ra khá phổ biến.
Nói về vấn đề đầu tư dàn trải, Bộ trưởng Dũng đã chỉ ra một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các địa phương đều muốn mình làm trọng tâm xây dựng của vùng. Dù làm theo quy hoạch nhưng kế hoạch chưa tốt. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, kiểm soát các công trình để có thể tập trung vào những công trình trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (Ảnh: Việt Dũng) |
Trả lời chất vấn về vấn đề tháp truyền hình Nam Định bị đổ, ông Dũng cho biết: “Tháp truyền hình Nam Định là loại tự đứng cao 180m và bị đổ quặt ở độ cao 20m, thiệt hại sơ bộ tính toán khoảng 50 tỷ đồng, nguyên liệu thi công được mua từ nước ngoài. Hiện, chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây đổ tháp, nhưng có thể là do thiết kế sai, lắp ráp chưa đúng quy định và tải trọng quá lớn khiến tháp không an toàn”.
Nói về vấn đề lãng phí, thất thoát trong xây dựng, ông Dũng cho rằng hiện tượng này có từ lâu rồi và rất khó khắc phục triệt để. Các nguyên nhân được ông đưa ra là do thể chế, chúng ta đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được hoàn thiện.
Thứ hai là do chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng dự án, chất lượng thiết kế, giám sát, thi công đều có nhân tố làm thất thoát. Thứ ba là thanh tra, kiểm tra chưa tốt. Thứ tư là chất lượng, phẩm chất cán bộ, công chức và những người đầu tư, xây dựng. Thứ năm là thiếu cơ chế để người dân giám sát, thiếu chế tài xử lý mạnh những sai phạm…
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đã chất vấn Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về vấn đề, đối với các công trình xây dựng kém chất lượng liệu có tham nhũng hay không. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói:
“Một trong các nguyên nhân gây ra chất lượng thấp là do năng lực phẩm chất cán bộ, tức là có cả vấn đề tham nhũng. Tôi cho rằng vấn đề tham nhũng biểu hiện ở việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Vấn đề tham nhũng có được nhận diện hay không phụ thuộc vào việc kiểm tra phát hiện của người dân và cơ quan quản lý”.
Bất động sản đóng băng là do thiếu tuân thủ quy hoạch
Trước câu hỏi đầy quyết liệt của đại biểu Nguyễn Anh Sơn về các rủi ro có thể xảy ra với thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Tồn kho bất động sản không chỉ tồn kho theo số liệu mà có những tồn kho là sản phẩm dở dang, tức là đã có người mua góp tiền nhưng sản phẩm chưa xong, chủ đầu tư không đủ tiền tiếp tục...”.
Ông Dũng cho rằng: “Thị trường bất động sản đóng băng trước hết là do các dự án phát triển tự phát, phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch. Dự án quá nhiều, vượt rất xa so với nhu cầu thực của xã hội, thị trường.
Thêm nữa là cơ cấu bất động sản bất hợp lý, vừa thừa ở bất động sản cao cấp, trung bình. Trong khi đó lại thiếu ở sản phẩm cho người thu nhập thấp. Một điểm bất hợp lý nữa là các nhà thầu phát triển dự án dựa trên vốn vay, vốn đóng góp của người mua nhà là chủ yếu. Do đó, khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao thì dự án không tiếp tục triển khai được”.
Theo ông Dũng, tồn kho chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và tổng giá trị tồn kho là hơn 40.000 tỉ đồng.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Đoàn ĐB tỉnh Nam Định) |
Trước các câu trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Bộ trưởng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn bởi nếu giải quyết tồn kho bất động sản được thì mới hi vọng xử lý được nợ xấu.
Về các nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp xi măng hiện nay gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Nguyên nhân thứ nhất là vốn đầu tư của các doanh nghiệp này rất thấp trong khi đó vốn vay cao nên chi phí lớn ảnh hưởng đến đầu ra. Thứ hai là sản xuất xi măng không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp hiện nay nên kinh nghiệm còn hạn chế. Thứ ba là các dự án mới đi vào sản xuất nên lỗ kế hoạch là điều khó tránh. Thứ tư là do nền kinh tế cũng rất khó khăn nên cầu giảm. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành, phân loại các doanh nghiệp xi măng”.
Con số 10.501 tỷ đồng ở Tập đoàn sông Đà không phải thất thoát
Về ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Minh Diệu và Lê Như Tiến về kết quả thanh tra tại Tập đoàn Sông Đà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: “Chủ tịch tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toán thời kỳ đó là TGĐ không bị kỷ luật. Qua kiểm tra và đánh giá những sai phạm và vi phạm thấy không đến mức phải xử lý kỷ luật … Bộ đang giao Tập đoàn Sông Đà, đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên kiểm điểm, xem xét vi phạm. Nếu đến mức độ vi phạm thì phải kỷ luật. Sau đó ban cán sự đảng của Bộ sẽ xem xét”.
Đại biểu Lê Như Tiến - Đoàn Đại biểu tỉnh Quảng trị (Ảnh: congly.com.vn) |
Bộ trưởng Dũng nói tiếp: “Thanh tra Chính phủ kết luận về Tập đoàn Sông Đà, con số 10.501 tỷ đồng có những vấn đề không đúng về nguyên tắc chứ không phải thất thoát. Chúng tôi đã kiến nghị xử lý vi phạm: yêu cầu Tập đoàn nộp ngân sách 30 tỷ đồng.
Cũng trình bày về kết luận thanh tra tại Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói: “Chúng tôi thanh tra Tập đoàn Sông Đà năm 2011 kết thúc vào tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với kết luận thanh tra. Trong tháng 9, Thanh tra Chính phủ đã có một tổ công tác về việc thực hiện kết luận thanh tra của Tập đoàn này”.
Theo ông Tranh, Tập đoàn Sông Đà có một số “vấn đề” chính như sử dụng, sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích, không tính được quỹ dự phòng tổn thất, đầu tư ngoài ngành vượt quá vốn điều lệ, chậm nộp ngân sách… Vi phạm ở Tập đoàn chủ yếu là quản lý vốn, sử dụng tài sản với 10.501 tỷ đồng và quản lý vốn tài sản tại các dự án đầu tư là 175 tỷ đồng.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
“Sau khi kết luận, Tập đoàn đã có phương án và khắc phục được 5.000 tỷ đồng. Hiện còn chờ ý kiến cụ thể của các bộ, cho chủ trương cụ thể để khắc phục thêm được hơn 5.000 tỷ đồng nữa. Việc kiểm điểm quy trách nhiệm cá nhân hiện chưa tiến hành. Việc xử lý kết luận thanh tra thì tích cực nhưng còn vướng và còn xử lý dài dài vì phải chờ ý kiến các bộ", Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang