Bộ trưởng GD nêu có GV nghỉ việc do quản lý thiếu dân chủ, theo tôi là xác đáng

10/11/2022 06:50
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết, năm học 2021-2022, cả nước có hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành do nhiều nguyên nhân.

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số thông tin của lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022, cả nước có hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục - trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là hơn 10 nghìn người.

Về thực trạng giáo viên nghỉ việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra nhiều lí do, đáng chú ý, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn. Mặc dù trong những năm qua, ngành giáo dục đã quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trong một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của ngành.

“Điều này cũng gây ra những áp lực cho giáo viên như: phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học, tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên”, Báo Tiền Phong dẫn báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngày 3/11/2022.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin chia sẻ 2 nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập. Đó là phân công nhiệm vụ chưa hợp lý và tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới ở các trường học hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ nhất, ở nhiều trường phổ thông hiện nay, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cho giáo viên chưa hợp lý khiến thầy cô bất mãn, làm việc thiếu hiệu quả và cuối cùng là nghỉ việc để chuyển sang trường tư thục hoặc làm công việc khác.

Có thể nhận thấy, thực tế hiện nay ở một số nơi có hiện tượng hiệu trưởng phân công giáo viên giữ các chức vụ như tổ trưởng/ tổ phó chuyên môn không dựa trên năng lực mà dùng người cùng ê-kíp. Vậy nên, có giáo viên dạy bậc trung học cơ sở/ trung học phổ thông hàng chục năm nhưng họ vẫn không được tổ trưởng phân công giảng dạy lớp 9, lớp 12.

Cùng với đó, có lãnh đạo phân công công việc kiêm nhiệm cho giáo viên trái chuyên môn vì trường dư nhân sự làm cho thầy cô nhụt chí. Ví dụ, giáo viên có chuyên môn Toán nhưng thầy cô chỉ được lên lớp dạy vài ba tiết, còn lại họ phải làm nhiệm vụ của nhân viên như giám thị, văn phòng... trong nhiều năm liền.

Bên cạnh đó, giáo viên nào được hiệu trưởng ưu ái thì họ luôn được nhận chủ nhiệm và dạy toàn lớp khá, lớp giỏi. Ngược lại, giáo viên không được lòng lãnh đạo thì thầy cô luôn được giao chủ nhiệm và dạy những lớp yếu, thậm chí có nhiều học sinh vi phạm kỉ luật được xếp vào một lớp.

Ngoài ra, việc hiệu trưởng/ hiệu phó chuyên môn sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên cũng cần được mổ xẻ. Chẳng hạn, giáo viên bậc trung học phổ thông chỉ cần đến trường khoảng 3 ngày (dạy 17 tiết/ tuần) thì nhiều thầy cô bị xé thời khóa biểu từ thứ Hai đến thứ Bảy, không còn thời gian nghỉ ngơi hay làm việc khác.

Nếu hiệu trưởng phân công nhiệm vụ quá bất cập làm cho giáo viên chán nản, thầy cô chỉ làm cho xong việc mà thôi. Người viết đã từng chứng kiến rất có giáo viên nghỉ việc vì những lí do như đã dẫn mặc dù họ vẫn còn nặng lòng với nghề, trong đó có nhiều thầy cô rất giỏi chuyên môn, thật đáng tiếc.

Thứ hai, cách tổ chức quản lý của nhiều hiệu trưởng thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh hành chính từ trên xuống dưới khiến giáo viên nghỉ việc chứ không phải vì tiền lương thấp.

Có thể nhận thấy, việc mất dân chủ trong trường học trước hết là hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, "một tay che trời", còn các tổ chức trong nhà trường tiếng nói yếu ót, tâm tư của giáo viên không được ai lắng nghe, không được bảo vệ.

Chia sẻ với người viết về sự độc đoán của hiệu trưởng, một giáo viên bậc trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa khóc vừa kể lại câu chuyện trực Tết năm kia của cô "như thể sự việc đang diễn ra trước mắt":

“Tôi đã chuyển sang một trường khác rồi, cũng ở trong quận (nếu hiệu trưởng không cho chuyển thì lúc đó tôi cũng nghỉ việc) vì bức xúc chuyện trực Tết năm 2020. Hiệu trưởng không cho người khác trực thay tôi, mặc dù con tôi (lúc đó mới 9 tháng tuổi) đang nằm viện.

Tôi xin nghỉ một buổi (chứ không phải một ngày) làm thủ tục cho con nhập viện nhưng hiệu trưởng vẫn không cho. Sau đó hiệu trưởng còn trừ thi đua (theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND) của tôi từ xuất sắc xuống tốt.

Tôi làm đơn khiếu nại luôn. Tôi nói với hiệu trưởng, nếu cô đã làm mẹ rồi thì cô phải cấp bằng khen cho tôi mới đúng chứ không phải trừ điểm thi đua của tôi. Xong rồi (cuối cùng) cô cũng xoa dịu bằng cách xét cho tôi lên xuất sắc”.

Hiệu trưởng quản lí thiếu dân chủ đã đành nhưng các tổ chức khác trong trường học lại thiếu tiếng nói bảo vệ giáo viên, đó mới là chuyện đáng bàn. Có trường hợp giáo viên chỉ ra sự quản lí bất hợp lí của hiệu trưởng thì họ bị làm khó dễ, thậm chí "trù dập".

Lẽ ra trong trường hợp này thì các tổ chức khác phải đứng ra bảo vệ giáo viên, đó là Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ trưởng chuyên môn... Nhưng thực tế, có nơi giáo viên đã bị quên mất.

Bàn về dân chủ trong trường học, tại hội nghị thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục - đào tạo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24/3/2017 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định đang tồn tại một thực tế là “quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to” trong lĩnh vực giáo dục.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục - đào còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo. [2]

Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa về dân chủ trong trường học đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu việc bổ nhiệm hiệu trưởng không qua con đường thi tuyển và ngành giáo dục chưa có chế tài đủ mạnh quyền lực lãnh đạo thì việc thực hiện dân chủ trong trường học vẫn là câu chuyện dài tập và hệ lụy lớn nhất là tình trạng giáo viên nghỉ việc sẽ còn tiếp diễn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/bo-truong-giao-duc-hon-10-nghin-giao-vien-nghi-viec-do-luong-bat-cap-quan-ly-thieu-dan-chu-post1483442.tpo?fbclid=IwAR0XEEsDKVNjhrwpecQeTfrFULB3HLZC3tz9KQ6kea1e65uQgbuUca5eZuU

[2] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dan-chu-trong-truong-hoc-con-hinh-thuc-20170324222218944.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly