Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: Sfchronicle. |
Yahoo News ngày 30/5 dẫn nguồn tin thông tấn AFP cho biết, hôm nay Hoa Kỳ tiếp tục tuyên bố sẽ phái máy bay quân sự và tàu chiến đến khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh dừng ngay lập tức các hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-la rằng, hoạt động bồi lấp cải tạo của Trung Quốc đã vượt qua các chuẩn mực quốc tế: "Đầu tiên, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Cuối cùng, cần dừng ngay lập tức và lâu dài các hoạt động bồi lấp cải tạo bởi tất cả các bên".
"Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hoạt động nào quân sự hóa hơn nữa các thực thể tranh chấp", ông Ash Carter nói. Người đứng đầu Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, đúng là các bên yêu sách đều có hoạt động cải tạo ở phạm vi và mức độ khác nhau, tuy nhiên Trung Quốc đã đi xa hơn, nhanh và nhiều hơn so với bất kỳ bên yêu sách nào khác.
"Trung Quốc đã bồi lấp hơn 2000 mẫu Anh, nhiều hơn tổng diện tích các bên yêu sách khác mở rộng cộng lại, và nhiều hơn toàn bộ (diện tích mở rộng) của khu vực trong lịch sử. Trung Quốc đã làm điều này chỉ trong vòng 18 tháng qua. Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục bồi lấp đến đâu. Đó là lý do tại sao điều này đã trở thành nguồn gốc căng thẳng trong khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Sau bài phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc, một viên Đại tá từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Zhao Xiaozhuo (Triệu Hiểu Trác - dịch âm) đứng lên cãi lại: "Tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề vì tự do không bao giờ bị ảnh hưởng"?! "Tôi nghĩ rằng các hoạt động của Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và hợp lý"?! viên Đại tá nói, nhưng đó chỉ là "niềm tin củ chuối" của ông ta và giới lãnh đạo của ông mà thôi - PV.
Trưởng đoàn Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-la vào ngày mai 31/5.
Cũng trong ngày hôm nay tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Lý Minh Giang từ Singapore bình luận, tự do hàng hải sẽ là giới hạn cuối cùng Mỹ bắt buộc phải duy trì ở Biển Đông. Washington thực sự lo ngại rằng cuối cùng Trung Quốc có thể biến đường lưỡi bò 9 nét thành cái gọi là "biên giới trên biển" để biến Biển Đông thành ao nhà của họ dưới cái mỹ hiệu "vùng nước chủ quyền lịch sử", Mỹ hay bất kỳ nước nào khác muốn đi qua phải "xin phép"?!
Mặt khác Mỹ cần phải can dự vào Biển Đông bởi mong muốn của họ duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực, đáp ứng sự kỳ vọng của các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á.
Trương Minh Lượng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á từ đại học Kỵ Nam ở Quảng Châu phải thừa nhận, chẳng ai coi Việt Nam, Philippines hay Malaysia là "mối đe dọa" (trừ Thời báo Hoàn Cầu và đội ngũ học giả "hỏa lực mồm" Trung Quốc - PV), nhưng hầu hết khu vực đều cảm thấy "không thoải mái" đối với Trung Quốc. Ông này cho rằng Bắc Kinh cần phải có "lập trường mạnh mẽ làm yên lòng chủ nghĩa dân tộc" và kêu gọi Trung - Mỹ kiềm chế, tránh đối đầu.
Tuy nhiên học giả Jonathan Holslag từ Viện Brussels cho rằng, hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa đã đạt đến điểm "không thể dừng lại", nói cách khác hoạt động bồi lấp xây dựng quy mô lớn sẽ được Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa để tránh cát bị rửa trôi.
Đồng quan điểm này, học giả Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực rất lớn để ngăn chặn tất cả các nước khác tham gia bất kỳ hoạt động nào ở các vùng biển gần (đảo nhân tạo đang bồi lấp phi pháp).