Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: AP. |
Financial Times ngày 8/10 đưa tin, Mỹ đã sẵn sàng điều tàu chiến tuần tra vùng biển quốc tế gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp trên các bãi cạn, rặng san hô ở Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý và xem đó là thông điệp cho Bắc Kinh rằng, Washington không công nhận yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc trong khu vực.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Financial Times rằng việc tuần tra dự kiến sẽ bắt đầu trong 2 tuần tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Asha Carter đã ép Nhà Trắng chấp thuận phương án này.
Ban đầu chính quyền Mỹ từ chối vì lo ngại hành xử như vậy sẽ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng cuối cùng Nhà Trắng đã đồng ý sau khi không có tiến triển nào trong vấn đề Biển Đông khi Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ.
Động thái này của hải quân Mỹ có thể làm tăng căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc, trong lúc hai bên đang bất đồng trong hàng loạt vấn đề, nhất là an ninh mạng và thương mại.
Sự hung hãn leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng tăng trong những năm gần đây, hải quân nước này đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không của tuyến giao thông huyết mạch nơi 30% khối lượng thương mại toàn cầu phải đi qua.
Trong 2 năm qua Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp 7 bãi đá từ năm 1988, 1995 đến nay). Trên đó Trung Quốc đã và đang xây dựng sân bay quân sự, căn cứ triển khai sức mạnh vũ lực ở Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quân sự tin rằng việc Trung Quốc xây đảo là nhằm mục đích đẩy mạnh mục tiêu phát triển hải quân có thể hoạt động xa bờ, đặc biệt là ngoài phạm vi họ gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ngăn Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương.
Rory Medcalf, một chuyên gia về châu Á từ Đại học Quốc gia Úc nói với Financial Times rằng không có lựa chọn nào dễ dàng hay không có rủi ro trong việc thách thức sự hung hăng của Trung Quốc trong bồi lấp và xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp.