The Washington Post ngày 8/4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ bắt đầu một chuyến công du châu Á, tập trung nhiều vào ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn Đông Nam Á, bao gồm Biển Đông đang tranh chấp. Nhưng ông sẽ không ghé Trung Quốc mặc dù trọng tâm thảo luận là về bản thân Trung Quốc.
Chuyến thăm sẽ bao gồm Ấn Độ và Philippines trước khi ông Carter quay sang thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Ả Rập Xê Út. Lầu Năm Góc đã tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Philippines khi Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự, leo thang quân sự hóa Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Susan Walsh / AP. |
Tháng Giêng vừa qua khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Malaysia, ông Ash Carter đã nhận lời mời của ông Thường Vạn Toàn về việc ghé thăm Trung Quốc trong đầu năm nay.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook hôm Thứ Sáu cho biết, Carter hy vọng ông sẽ thăm Trung Quốc vào cuối năm nay. Mỹ đã thông báo cho Trung Quốc về việc này cách đây vài tuần.
Trong một động thái khác có liên quan, Military ngày 8/4 đưa tin, tuần tới Nhật Bản sẽ điều tàu khu trục mà Trung Quốc vẫn gọi là "tàu sân bay trực thăng" xuống Biển Đông tập trận, để chuyển thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa chiến hạm Ise hiện đại xuống cảng Subic để tập trận cùng Mỹ, Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ cùng với các quan chức quân sự Nhật Bản, Úc, Việt Nam và các nước khác sẽ dừng lại ở Philippines vào tuần tới. Carter đã thường xuyên cảnh báo rằng Trung Quốc đang tự cô lập bởi những hành động leo thang bành trướng của mình trên Biển Đông.
Sự xuất hiện của chiến hạm Ise ở Biển Đông nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, nhưng đồng thời cũng mang thông điệp mạnh mẽ để giữ Trung Quốc trong vòng kiểm soát, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã được báo Yomiuri Shimbun dẫn lời cho biết.
Chiến hạm Ise có thể mang theo 11 máy bay trực thăng chống tàu ngầm SH-60J / K Seahawk, và có thể dễ dàng điều chỉnh để cất hạ cánh MV-22 Osprey hay F-35B cất hạ cánh thẳng đứng. Tuần trước một tàu ngầm và 2 khu trục hạm Nhật Bản đã cập cảng Subic, Philippines.