Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 14/7 lên tiếng cảnh báo Iran về khả năng Washington sẵn sàng dùng vũ lực chống lại tham vọng hạt nhân của Tehran ngay sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Ông Carter nhấn mạnh, Mỹ vẫn sẵn sàng tăng cường an ninh với các đồng minh và bạn bè trong khu vực, gồm cả Israel, để chống lại các mối đe dọa xâm lược, đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực và hạn chế các tác động tiêu cực của Iran.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh Rian. |
"Mặc dù đã đạt được thỏa thuận lịch sử... nhưng Bộ Quốc phòng vẫn luôn sẵn sàng bảo vệ an ninh và lợi ích của Mỹ. Lực lượng vũ trang của chúng tôi, gồm hàng chục ngàn binh sĩ ở Trung Đông vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Vùng Vịnh", ông Carter cho biết.
Theo Bộ trưởng Carters, Mỹ sẽ không từ bỏ các biện pháp răn đe: "Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp quân sự nếu cần thiết", ông Carter nhấn mạnh.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được thông tấn Nga RIA Novosti đánh giá là mang tính răn đe mạnh mẽ hơn các bài phát biểu trước đó của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry, những người nói rằng thỏa thuận này là hoàn toàn giúp ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông Obama cũng cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Iran "sẽ mở ra một hướng đi mới", nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ không gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Iran nếu thỏa thuận hạt nhân không được tuân thủ.
Tuy nhiên, trái với sự vui mừng của các nước phương Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng: “Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là một sai lầm nghiêm trọng với những hậu quả mang tầm vóc lịch sử”.
Theo ông Netanyahu, Iran đã có giấy thông hành để tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân và Tehran đã "trúng quả đậm" bởi sắp có hàng trăm tỉ USD để tiếp tục chính sách khủng bố khi được gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ.
Để trấn an đồng minh quan trọng hàng đầu tại Trung Đông, ông Carter dự kiến sẽ tới thăm Israel trong tuần tới để củng cố cam kết rằng Mỹ sẽ vẫn bảo vệ Israel và không cho phép "các mối đe dọa từ Iran."
Ngày 14/7, nhóm P5+1 và Iran đã đạt được thỏa thuận chiến lược về chương trình hạt nhân của Iran. Các điểm chính trong thỏa thuận này gồm: Hạn chế làm giàu uranium: Hạn chế thời gian cần thiết để làm giàu uranium. Hạn chế sản xuất plutonium: Thỏa thuận Vienna quy định lò phản ứng của nhà máy điện nước nặng Arak sẽ được cải tạo để không thể sản xuất plutonium dùng cho mục đích quân sự, ngăn chặn khả năng chế tạo bom hạt nhân. Tăng cường thanh sát: Một chế độ thanh sát nghiêm ngặt sẽ được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện thỏa thuận. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giám sát các lò ly tâm trong 20 năm và công việc sản xuất uranium cô đặc (nguyên liệu để tạo uranium tinh khiết) trong 25 năm. Iran cam kết cho phép IAEA kiểm tra đột xuất. Dỡ bỏ cấm vận: Sau khi IAEA xác nhận Iran thực hiện đúng thỏa thuận, Mỹ và châu Âu sẽ dỡ bỏ cấm vận về tài chính, năng lượng, giao thông vận tải của Iran vào đầu năm 2016. Tiến trình này sẽ được áp dụng để dỡ bỏ sáu nghị quyết cấm vận Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2006 đến nay. Duy trì cấm vận vũ khí: Các lệnh cấm vận đối với Iran về tên lửa đạn đạo và nhập khẩu vũ khí sát thương vẫn được duy trì. Cấm chuyển giao thiết bị nhạy cảm dùng cho tên lửa đạn đạo trong tám năm, trừ phi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép. Thỏa thuận Vienna vừa đạt được ngày 14-7 không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân Iran như dự kiến trong các đợt đàm phán ban đầu giữa năm 2003-2005. Thỏa thuận chỉ khu trú để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Thỏa thuận có thể là bước đầu tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ Iran-Mỹ vốn bị cắt đứt năm 1980 sau vụ bắt cóc các con tin Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Thỏa thuận cũng mở ra một chương hợp tác mới cởi mở hơn giữa Mỹ và Iran về các khủng hoảng ở Iraq và Syria. Về ngắn hạn, thỏa thuận Vienna sẽ tác động đến thị trường dầu thô sau khi các biện pháp hạn chế Iran xuất khẩu dầu được dỡ bỏ. |
Nguyễn Hường