Trước lá thư đòi sự công bằng của độc giả Phạm Thu Hằng - thí sinh cuộc thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc 2014 vừa bị Ban tổ chức (BTC) 'ép' tự rút lui khỏi cuộc thi vì tham gia đóng clip 'Anh không đòi quà', Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 và một số nhà báo theo dõi mảng Văn hóa - Giải trí lâu năm để có thêm ý kiến khách quan, và đa chiều hơn về trường hợp của thí sinh này.
Thí sinh Phạm Thu Hằng (Xem thêm: Hotgirl bị loại khỏi cuộc thi Hoa khôi vì đóng clip Anh không đòi quà) |
Một cảnh của thí sinh Phạm Thu Hằng trong clip 'Anh không đòi quà' |
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014:
Theo tôi hành động lột đồ phải phù hợp với chuẩn mực theo qui chuẩn, qui tắc, xử sự trong xã hội và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nếu trường hợp mà Ban tổ chức Hoa khôi ở Vĩnh Phúc nhìn thấy không phù hợp với văn hóa Việt Nam và không phù hợp với cư xử của thanh niên, ảnh hưởng tới tuổi trẻ mà đã loại từ vòng ngoài thì rất là khó cho thí sinh này, mặc dù cuộc thi Hoa hậu Việt Nam độc lập với cuộc thi người đẹp Vĩnh Phúc.
Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam - ông Lê Xuân Sơn |
Việc BTC Vĩnh Phúc loại thí sinh này thì cũng chỉ là một yếu tố để BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam xem xét thôi chứ không lấy căn cứ để loại ngay nếu cô ấy tiếp tục đăng kí dự thi Hoa hậu Việt Nam. Và chắc chắn BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sẽ phải căn cứ trên cái hồ sơ, clip cùng với phản hồi của xã hội xung quanh clip ấy thì mới có thể đưa ra quyết định được.
Nhưng theo tôi, một cô gái tham gia vào việc gì thì bao giờ cũng phải cân nhắc hành vi của mình có phù hợp với qui chuẩn đạo đức, qui chuẩn văn hóa của xã hội Việt Nam hay không. Và nếu không phù hợp thì đương nhiên ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận một thí sinh như thế.
Nhà báo Hoàng Thu Hằng - Báo Thể Thao & Văn Hóa
Sau khi xem xong clip 'Anh không đòi quà' do Phạm Thu Hằng đóng vai nữ chính, tôi thấy lấy làm tiếc cho cô gái này. Hình ảnh nữ chính xuất hiện trong clip không đẹp, thậm chí có thể nói là hở hang, phản cảm.
Chúng ta cũng không khắt khe đến mức cấm các bạn trẻ không được “bắt chước” clip 'Anh không đòi quà', nhưng thực sự có rất nhiều cách để thể hiện thẩm mỹ hơn, chứ không nhất thiết phải lột đồ một cách thô thiển như vậy.
Việc Phạm Thu Hằng có xứng đáng tham gia cuộc thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc hay không, theo tôi, để công bằng và khách quan với thí sinh, nên chiếu theo Thể lệ của cuộc thi.
Nhà báo Hoàng Thu Hằng |
Trong trường hợp nếu cuộc thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc đã quy định rõ ràng về việc thí sinh không được quay video và chụp hình phản cảm thì tôi nghĩ việc này không cần phải bàn thêm. Vì cứ theo quy định mà thực hiện.
Thậm chí, BTC cũng không cần yêu cầu thí sinh rút lui mà có thể trực tiếp loại thí sinh phạm quy này.
Nhưng nếu trong trường hợp Thể lệ cuộc thi không có quy định cụ thể, thì nhiệm vụ chọn hay loại thí sinh này thuộc về ban giám khảo. Còn nếu tôi là giám khảo của cuộc thi, chắc chắn tôi sẽ loại thí sinh này.
Người đẹp, Hoa khôi, Hoa hậu không chỉ đẹp về hình thể, mà họ còn cần phải giữ gìn hình ảnh đó đẹp trong mắt của công chúng. Tôi nghĩ, nếu Phạm Thu Hằng mong muốn giao lưu, học hỏi thì cô ấy sẽ có nhiều cơ hội. Trước hết, hãy phấn đấu học tập tốt, thể hiện khả năng, hiểu biết cũng như bản lĩnh của mình.
Nhà báo Ngô Bá Lục - Báo VnMedia
Clip 'Anh không đòi quà' là một kiểu văn hóa của nước ngoài nhưng đến Việt Nam mình có thể nhiều người sẽ thấy phản cảm. Bản thân tôi cũng thấy phản cảm tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chưa có cơ quan nào về văn hóa, pháp lý xử phạt cô ấy cả nên về mặt pháp luật cô ấy không vi phạm gì.
Thí sinh này hoàn toàn có thể dự thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc còn nếu BTC 'ép' cô ấy rút lui là hoàn toàn sai. Trừ khi qui chế nói rõ nếu bạn từng tham gia đóng phim, clip có những hành động phản cảm sẽ không được tham gia thì được.
Nhà báo Ngô Bá Lục |
Theo tôi nếu thí sinh này đủ sắc đẹp, đủ chiều cao cân nặng đáp ứng điều kiện cuộc thi Hoa hậu Việt Nam theo mục tiêu hướng tới của cô ấy thì vẫn có thể đăng kí thẳng tới cuộc thi này mà không cần thông qua cuộc thi nhan sắc tỉnh.
Nhưng cũng sẽ rất khó đoạt được vương miện dù có thể hình đạt chuẩn đi chăng nữa. Bởi vì những ý kiến từ dư luận thông qua clip thí sinh này từng đóng chắc chắn sẽ có tác động ít nhiều đến ban giám khảo.
Nói chung dòng chảy văn hóa nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam thì chúng ta phải biết chọn lọc, việc bắt chước làm những clip như 'Anh không đòi quà' thì cũng nên biến tấu cho hợp với phong tục Việt Nam, không nên phô da thịt một cách phản cảm quá dù nội dung của nó rất hay và hài hước. Đặc biệt là những cô gái có ý định tham gia các cuộc thi sắc đẹp thì càng nên giữ mình từ khi mình còn ngồi trên ghế nhà trường. Cái đó tạo nên vẻ đẹp tâm hồn bên cạnh vẻ đẹp hình thể trời đã cho các bạn trước rồi.
Nhà báo Hà Tùng Long - Báo Gia đình & Xã hội
Phụ trách mảng Văn hóa – Giải trí lâu năm, từng tiếp xúc với rất nhiều câu chuyện bi hài nhưng chưa bao giờ tôi thấy nực cười như câu chuyện này.
Theo tôi được biết, trong bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào, khi đưa ra quy chế cụ thể của cuộc thi, Ban tổ chức (BTC) cũng phải dựa trên luật pháp của quốc gia nơi diễn ra cuộc thi.
Chẳng hạn, Hoa hậu Việt Nam 2014 ngoài việc quy định các thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi phải là nữ công dân Việt Nam tuổi từ 18 đến 27 (theo giấy khai sinh) có đạo đức tốt, có vẻ đẹp tự nhiên, không có tiền án, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trình độ văn hóa phổ thông trung học trở lên, chiều cao từ 1m62 trở lên, không qua giải phẫu thẩm mỹ hoặc chuyển đổi giới tính… thì còn nhấn mạnh đến yếu tố chưa lập gia đình.
Chưa lập gia đình được giải thích là chưa tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn lần nào và chưa sống với ai như vợ chồng dựa trên luật Hôn nhân & Gia đình đã được Nhà nước Việt Nam quy định.
Nhà báo Hà Tùng Long |
Việc BTC cuộc thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc mở rộng – Miss VPO 2014 đưa ra quy định các thí sinh tham gia cuộc thi không được quay video và chụp những hình ảnh phản cảm mà không đưa ra những chế tài cụ thể sẽ gây cản trở cho nhiều thí sinh đến với cuộc thi.
Cụ thể: như thế nào thì được gọi là “phản cảm”? Tôi từng có những bức ảnh gợi cảm trong phòng riêng hoặc tôi từng quay lại những cảnh tắm tiên với bạn trai dưới hồ bơi để làm kỷ niệm có bị quy là quay video hoặc chụp ảnh phản cảm hay không?
Nếu nói có thì như thế có thể quy là BTC đang xâm phạm vào đời tư của người khác như vậy là phạm luật. Vì rõ ràng, mục đích của tôi là quay lại làm kỷ niệm. Nhưng nếu cho đó là không thì như thế nào được gọi là “phản cảm”?.
Trở lại với trường hợp của thí sinh Phạm Thu Hằng. Theo tôi, Phạm Thu Hằng đủ tư cách và điều kiện để tham gia cuộc thi Hoa khôi Tuổi trẻ Vĩnh Phúc mở rộng – Miss VPO 2014 vì cô ấy không làm gì vi phạm pháp luật Việt Nam.
Chuyện cô ấy quay clip “Anh không đòi quà” là chuyện rất riêng của cá nhân cô ấy, BTC không thể dựa vào những lời bình luận của cộng đồng mạng rồi thuyết phục theo kiểu “ép” người ta lấy một lý do nào đó để từ bỏ cuộc thi.
Clip do cô ấy tham gia, cho dù có nội dung thế nào nhưng khi được phát tán lên mạng mà không vi phạm đến bất kỳ quy định nào của pháp luật, không tiếp tay cho cái xấu, cái ác… nghĩa là clip ấy không hề phản cảm. Mà đã không phản cảm thì không vi phạm quy chế của cuộc thi và cô ấy không việc gì phải “lấy một lý do” nào đó để từ bỏ ước mơ, khát vọng của mình.
(Xem thêm: Hotgirl bị loại khỏi cuộc thi Hoa khôi vì đóng clip Anh không đòi quà)