Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay đó là vấn đề về an toàn thông tin mạng, ngăn chặn, xử lý các cá nhân tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện, nội dung tung tin đồn chủ yếu là có xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phát triển trên mạng Internet.
Tung tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín danh dự cá nhân, tổ chức.
Đơn cử như tháng 12/2016, Thanh Hóa đã tổ chức bắt đối tượng Nguyễn Danh Dũng (29 tuổi), trú tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa.
Đối tượng Dũng là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn TV” đăng tải video có tiêu đề xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phát tán trên mạng Internet.
Cũng trong tháng này, một đối tượng là Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, trú tại Tổ 24, ấp Vườn Dừa, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) dùng facebook ảo “Vịt Bầu” để tung tin Việt Nam sắp đổi tiền gây hoang mang dư luận.
Thủ tướng yêu cầu điều tra, truy tìm thủ phạm tung tin đổi tiền |
Hai vụ việc trên chỉ là điển hình cho tình trạng lên mạng xã hội, internet để tung tin bịa đặt hiện nay và rất khó kiểm soát kịp thời.
Đặc biệt, tình trạng học sinh dùng facebook đăng tải hành vi bạo lực học đường, bôi xấu bạn mình ngày càng nhiều.
Nhiều trường hợp đã có kết cục đau lòng khi nhiều em học sinh đã tử vẫn vì quá xấu hổ.
Chính thực trạng này, nhiều người mong chờ vào phiên chất vấn vào chiều ngày 18/4 của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – ông Trương Minh Tuấn.
Liệu có biện pháp nào có thể ngăn chặn được kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra khi tin đồn, bịa đặt mới được phát tán.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Trương Minh Tuấn ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Theo lịch của kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sẽ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về nhóm vấn đề:
“Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác.
Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa, thể thao và du lịch tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Một vấn đề rất được quan tâm nữa đó chính là tình hình giải quyết chính sách cho người có công.
Làm sao giải quyết kịp thời quyền lợi của những người đã hy sinh xương máu, sức khỏe, tuổi xuân cho nền độc lập. Rồi tình trạng thương binh giả, lợi dụng chính sách để trục lợi.
Vấn đề này sẽ được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trong phiên chất vấn vào sáng 18/4.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – ông Đào Ngọc Dung sẽ trả lời về nhóm vấn đề:
“Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc.
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ”.
Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.