Các cấp học của Quảng Ninh đều chưa đảm bảo định mức giáo viên theo quy định

06/01/2025 06:32
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển dụng, hợp đồng ở các địa phương, đặc biệt là miền núi, hải đảo.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh coi trọng, coi đó là là khâu đột phá, quan trọng của công tác lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện 56 cuộc thanh tra tại 65 đơn vị

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 56 cuộc thanh tra tại 65 đơn vị; trong đó có 51 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 05 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; thực hiện trên dưới 30 cuộc kiểm tra chuyên môn mỗi năm.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên; tại hầu hết các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước và chỉ đạo của ngành. Các tổ chức trong nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các quy định về dân chủ trong nhà trường.

Qua công tác thanh, kiểm tra, ngành Giáo dục đã ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm; xử lý kịp thời, nghiêm túc, chủ động khắc phục tồn tại trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, công bố rộng rãi, công khai đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm; xử lý triệt để trong quản lý điều hành nếu có sai phạm.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh và công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đảm bảo các quy định đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học trong nhà trường.

Xử lý dứt điểm các tin báo, tố giác tội phạm; kiểm tra, giám sát, thanh tra đảm bảo đúng trình tự, thẩm quyền, quy định. Công khai minh bạch quy trình, quy định, kết quả thực hiện phòng chống tham nhũng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực, chủ động tham mưu xây dựng các Đề án, các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 08 Đề án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua 11 Nghị quyết.

qn-tk-nhiem-ky-10.jpeg
Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trên dưới 30 cuộc kiểm tra chuyên môn mỗi năm. (Ảnh minh họa: CTV)

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện xây dựng, hoàn thiện 02 Đề án.

Nhìn chung, công tác xây dựng các Đề án, các cơ chế chính sách được Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu hiệu quả, tích cực, góp phần quan trọng để thúc đẩy giáo dục đào tạo Quảng Ninh ngày càng phát triển.

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, công tác xã hội hóa giáo dục tuy có sự phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh có hệ thống các trường tư thục tương đối cao so với cả nước nhưng số trường tư thục đạt chuẩn quốc gia thấp hơn nhiều so với số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục có sự chênh lệch lớn giữa vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo với vùng thành thị; giữa các loại hình giáo dục công lập, tư thục và giáo dục thường xuyên; giữa các cấp học.

Cơ sở vật chất ở một số cơ sở giáo dục do được xây dựng từ nhiều năm trước nên còn bất cập về diện tích đất, diện tích phòng học, quy mô số lớp/trường, số học sinh/lớp, một số trường còn thiếu phòng thực hành bộ môn, nhà đa năng... việc mua sắm thiết bị còn có nhiều vướng mắc, khó khăn, gây ảnh hưởng không tốt cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về đội ngũ, các cấp học đều chưa đảm bảo định mức giáo viên theo quy định; Thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển dụng, hợp đồng ở tất cả các địa phương, đặc biệt là các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn dân tộc thiểu số và ở các môn học đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh...

qn-10.jpeg
Về đội ngũ, các cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều chưa đảm bảo định mức giáo viên theo quy định (Ảnh: CTV)

Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và chế độ chính sách cho nhân viên còn bất cập dẫn đến thiếu nhân viên trong các cơ sở giáo dục; nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc thực hiện quản lý tổ chức hoạt động thư viện, thiết bị, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao;

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; công tác chuyển đổi số, ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy chưa đồng đều giữa các vùng miền và tại các cơ sở giáo dục.

Đội ngũ cấp ủy thực hiện kiêm nhiệm, chuyên môn sâu về công tác xây dựng đảng còn hạn chế. Số lượng cán bộ chủ chốt của cơ quan Sở nghỉ hưu với số lượng lớn; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức xin nghỉ, thôi việc. Trong khi đó, một thời gian dài, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện khắc phục hậu quả của những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước để lại.

Số công chức tham mưu quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng còn mỏng, không đảm bảo về mặt số lượng nên khó khăn cho công tác tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục và tham mưu, tổ chức các hoạt động giáo dục trên địa bàn.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi chỉ tập trung ở các địa phương thuận lợi; một số giáo viên Tin học, Ngoại ngữ tuyển dụng vào các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn; một số chính sách của tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về công tác tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Công tác truyền thông về giáo dục có nơi chưa sâu rộng, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội, chưa đủ sức lan tỏa dẫn tới tâm lý trọng bằng cấp vẫn tồn tại trong xã hội nặng nề.

Số lượng công chức làm việc thường xuyên thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao vì thực hiện tinh giản biên chế.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục đào tạo. Công tác dự báo, chuẩn bị đội ngũ để thực hiện những quy định mới từ Trung ương đến địa phương chưa kịp thời. Luật Giáo dục 2019 yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo; nhiều môn học mới chưa có chương trình đào tạo giáo viên.

Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% người làm việc trong điều kiện học sinh tiếp tục tăng cao và trong khi các giải pháp xã hội hóa giáo dục còn gặp vướng mắc do thiếu quy định, hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan.

Do đặc thù về điều kiện địa lý của tỉnh trải dài, chia cắt, mật độ dân cư thưa, có sự phân hóa tương đối lớn về trình độ dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền gây khó khăn cho việc thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; số lượng sinh viên sư phạm ra trường ít hơn so với nhu cầu cần tuyển. Khối lượng công việc nhiều dẫn đến cán bộ, giáo viên phải thường xuyên làm việc trong tình trạng quá tải, không có thời gian để tái tạo sức lao động và bố trí thời gian bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đề ra nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế

Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã xác định những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian sắp tới. Cụ thể:

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển giáo dục, đào tạo gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025 và Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 05/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bám sát Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 13/3/2024 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh, quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng trường lớp, đầu tư kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để thực hiện tốt và duy trì vững chắc, nâng cao chất lượng chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ quan tâm công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ để đến năm 2025, Quảng Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 theo chỉ tiêu Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 10/11/2023 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU đề ra.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đảm bảo an ninh, an toàn trường học, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, giáo dục đạo đức lối sống, tư vấn tâm lý cho học sinh đặc biệt học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

LÃ TIẾN