Theo công bố của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh sẽ không quá 19% một năm, áp dụng kể từ ngày 12/9.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 17% đến 19% một năm. Trong đó, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tối thiểu là 17%, còn các đối tượng khác, thấp nhất là 18%. Lãi suất cho vay trung hạn cao hơn mức trên 1,5% mỗi năm.
Riêng lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất khẩu có bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước thì Giám đốc Sở giao dịch, chi nhánh loại một, loại 2, căn cứ tình hình lãi suất thị trường, lợi của ngân hàng về huy động, dịch vụ thanh toán, mua bán ngoại tệ và khả năng tài chính của mình để quy định mức lãi suất cho vay, nhưng không thấp hơn 16,5% một năm.
Các hoạt động không phải là sản xuất kinh doanh, Ngân hàng vẫn áp dụng mức tối thiểu là 20,5% mỗi năm.
Ngân hàng đồng loạt công bố lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về 17-19%. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9/9, đã có 11 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, xuống mức 17-19% mỗi năm.
Trước ngày 5/9 có 5 ngân hàng là Đầu tư, Sài Gòn Hà Nội, Việt Nam thịnh vượng, An Bình và Xuất nhập khẩu. Đến ngày 8/9, có thêm 6 ngân hàng thương mại nữa là Công thương, Ngoại thương, Phát triển nhà ĐBSCL, Quân đội, Liên Việt, Hàng Hải.
Một số ngân hàng khác đang xây dựng chính sách lãi suất trên cơ sở điều kiện hoạt động kinh doanh để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu xuống mức 17-19% một năm.
Bên cạnh đó, 20 ngân hàng đã tuyên bố thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tiền đồng ở 14% một năm và trần lãi suất USD 2%.
Theo Vnexpress