Máy bay cảnh báo sớm E-767 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ vừa đăng bài viết “Tăng trưởng thị trường C4ISR ở châu Á” (In Asia, C4ISR Market Is Growing) của tác giả Wendell Minnick.
Bài viết cho rằng, tranh chấp lãnh thổ biển và vấn đề an ninh quốc gia thúc đẩy nhu cầu thị trường tình báo, theo dõi, trinh sát châu Á không ngừng mở rộng, đã tiết lộ Nhật Bản bỏ ra khoản tiền lớn để mua sắm, nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử sử dụng cho tranh chấp đảo Senkaku, trong khi đó Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã lập kế hoạch cho rất nhiều chương trình hệ thống ISR. Nội dung chủ yếu của bài viết như sau:
Tranh chấp lãnh thổ trên biển và vấn đề an ninh quốc gia thúc đẩy nhu cầu thị trường tình báo, theo dõi, trinh sát (ISR) châu Á không ngừng mở rộng. Gần 2 năm qua, cách hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông khiến cho tình hình khu vực nóng lên, cướp biển và các vấn đề an ninh khác ở eo biển Malacca thúc đẩy Singapore sử dụng con đường quân sự để tìm cách “nâng cao vai trò”, đã kích thích sự phát triển của công nghiệp quốc phòng khu vực.
Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản |
Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng Singapore giấu tên tiết lộ: “Mỗi nước đều hy vọng vào đường hướng tương lai của biển Đông, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan, Philippines đều rất quan tâm đến không gian chiến trường tương lai, có nhu cầu chỉ huy, kiểm soát, thông tin và máy tính (C4) để xử lý tin tức tình báo, theo dõi, trinh sát (ISR)”.
Các nước khu vực Đông Nam Á đang có kế hoạch mua máy bay tuần tra trên biển, máy bay không người lái, hệ thống định vị tín hiệu cảnh báo tàu, hệ thống tác chiến chống tàu ngầm, hệ thống theo dõi bờ biển và các hệ thống giám sát trên mặt đất, bao gồm các hệ thống radar tiên tiến như radar sóng mặt đất và radar vượt đường chân trời.
Nguồn tin công nghiệp quốc phòng Singapore này cho rằng: “Then chốt của ISR là dò tìm tốc độ nhanh và nhận biết chính xác, phán đoán mục tiêu là tàu cá, tàu chiến, tàu thương mại, tàu du lịch hay tàu cướp biển, từ đó phán đoán con tàu đó phải chăng đã xâm phạm chủ quyền của mình”.
Hầu hết nguyên nhân mua sắm là vấn đề biển Đông, nhưng gần đây tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku (hiện do Nhật Bản kiểm soát thực tế) giữa Trung Quốc và Nhật Bản càng kích thích nhu cầu này hơn. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với đảo Dokdo (hiện do Hàn Quốc kiểm soát thực tế).
Báo Mỹ cho rằng, Nhật Bản sẽ nâng cấp hệ thống radar theo dõi vùng biển đảo Senkaku (nguồn: kankanews.com) |
Phản ứng của Nhật Bản là tăng triển khai radar trên mặt đất ở tuyến một quần đảo Ryukyu, thiết bị tình báo điện tử và tình báo tín hiệu, phạm vi từ Nhật Bản mở rộng tới Đài Loan. Để ứng phó với tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, và cũng là sức ép từ Mỹ, Nhật Bản luôn tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không gian, vì vậy đã thúc đẩy phát triển tương ứng khả năng C4ISR của họ.
Tháng 4/2012, Ủy ban tư vấn an ninh Nhật-Mỹ ký thỏa thuận, đầu tư, hợp tác, sử dụng của nhau hệ thống C4ISR, nâng cao và cải thiện môi trường an ninh không gian vũ trụ và không gian mạng.
Năm tài khóa 2013, Nhật Bản sẽ nâng cấp tất cả hệ thống C4ISR, gồm có đầu tư 44,5 tỷ yên mua 2 máy bay tuần tra trên biển P-1, đầu tư 10 tỷ yên nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, cải tạo 4 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm E-767.
Quân đội Nhật Bản yêu cầu 4,5 tỷ yên để nâng cấp radar theo dõi thông dụng FPS-20 trên đảo Kyushu thành radar phòng không FPS-7, radar này có độ cao dò tìm tối đa là 100.000 thước Anh (30.480 m), phạm vi dò tìm là 270 dặm Anh (~ 434,5 km), trong khi đó phạm vi dò tìm của radar theo dõi thông dụng FPS-20 vốn có chỉ đạt 200 dặm Anh (~ 322 km). Nhật Bản còn có kế hoạch đầu tư 6,2 tỷ yên nâng cấp hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm trên đảo Yonaguni.
Báo Mỹ cho rằng, Nhật Bản sẽ nâng cấp hệ thống radar theo dõi vùng biển đảo Senkaku (nguồn: kankanews.com) |
Đài Loan cũng đưa hệ thống C4ISR vào danh sách mua sắm trong thời gian tới. Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Đài Loan tiết lộ, Quân đội Đài Loan cần máy bay ISR và máy bay không người lái (UAV) để tuần tra ở vùng biển xung quanh hòn đảo này, quản lý, kiểm soát vùng biển thương mại và nghề cá, cũng có thể mua các loại máy bay để kiểm soát khu vực biển Đông.
Nhu cầu mua sắm C4ISR của Hàn Quốc chủ yếu là để ứng phó với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, dùng để tăng cường theo dõi và giám sát đối với CHDCND Triều Tiên, trước tiên xem xét phát triển máy bay không người lái.
Ngày 29/10, Cục Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) tuyên bố, Hàn Quốc sẽ tự nghiên cứu phát triển chương trình máy bay không người lái quân dụng, sử dụng quy trình thao tác/điều khiển tương tự máy bay không người lái MQ-1 Predator của Không quân Mỹ, ngân sách là 98 triệu USD.
Công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc được chọn nghiên cứu phát triển máy bay không người lái quân dụng, công ty LIG Nex1 trang bị hệ thống radar khẩu độ tổng hợp (góc mở tổng hợp, synthetic aperture) cho máy bay không người lái kiểu mới, công ty Samsung-Thales nghiên cứu phát triển hệ thống liên kết dữ liệu.
Máy bay tình báo điện tử EP-3 Nhật Bản |
Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2030 nghiên cứu phát triển thành công máy bay không người lái dùng để tác chiến. Do có sự hỗ trợ tài sản ISR của quân Mỹ, Hàn Quốc còn có kế hoạch mua máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ để ứng phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm thấp.
Hàn Quốc còn có kế hoạch nhập hệ thống theo dõi biên giới không người điều khiển trước năm 2015. Do tháng trước một binh sĩ CHDCND Triều Tiên cắt đứt 3 đường dây thép gai biên giới trên tuyến ranh giới quân sự, xâm nhập vào doanh trại của Hàn Quốc mà không bị phát hiện, Hàn Quốc đã rất quan tâm tới việc lắp đặt hệ thống theo dõi biên giới tiên tiến.