Các trường hạn chế việc giao nhiệm vụ dạy tích hợp cho giáo viên sắp nghỉ hưu

09/10/2022 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cân nhắc phân công giáo viên nào dạy liên môn, thời khóa biểu thay đổi hàng tuần... là bài toán mà các trường đang loay hoay tìm lời giải.

Phải cân nhắc phân công giáo viên nào dạy liên môn, thời khóa biểu thay đổi hàng tuần, dụng cụ học tập chương trình cũ khai thác thế nào để phát huy hiệu quả… là bài toán mà các trường trung học cơ sở đang loay hoay tìm lời giải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 7.

Mặc dù đang nỗ lực để dạy môn tích hợp nhưng ý kiến từ nhiều cơ sở cho thấy, các trường phải xoay sở nhiều, tới đây sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi những năm sau triển khai chương trình mới cho lớp 8, lớp 9 bởi càng lên cao thì kiến thức càng nặng.

Giáo viên lo khó đảm nhận chủ đề chuyên sâu ở môn tích hợp

Càng ở lớp học cao hơn kiến thức càng nặng nên hầu hết giáo viên hiện đang dạy môn tích hợp đối với lớp 7 đã e ngại khó đảm nhận các chủ đề chuyên sâu ở lớp 8 và lớp 9.

Chia sẻ về những khó khăn khi bước vào năm học thứ 2 dạy môn tích hợp cấp trung học cơ sở, năm đầu tiên triển khai đối với lớp 7, thầy Phạm Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, Sơn La) cho rằng việc dạy tích hợp là thách thức không nhỏ với các giáo viên vốn chỉ được đào tạo đơn môn.

“Năm trước, môn tích hợp dạy cho lớp 6, năm nay dạy cho cả lớp 7, nhưng trường chưa có giáo viên nào được cử đi học hay tự nguyện đăng ký bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp.

Không có đội ngũ giáo viên đào tạo tích hợp chính quy nên trường phải phân công các giáo viên môn lẻ tham gia dạy. Hiện, trường đang bố trí 2-3 giáo viên cùng dạy 1 môn tích hợp nên từ việc dạy học đến kiểm tra đánh giá đều có nhiều xáo trộn.

Phương pháp dạy học với kiến thức liên môn có đặc thù riêng, nhất là phải tạo tính liên kết. Do vậy, bản thân giáo viên phải chủ động nghiên cứu, tự bổ sung kiến thức phân môn còn thiếu để việc dạy và học thực hiện đúng với tinh thần xây dựng của chương trình giáo dục phổ thông mới”, thầy Phạm Văn Hạnh nói.

Bên cạnh bố trí nhân lực giáo viên, việc sắp xếp thời khóa biểu cũng không khác gì "ma trận". Theo hướng dẫn của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường xây dựng thời khóa biểu căn cứ theo cấu trúc sách giáo khoa.

“Trước đây, thời khóa biểu chỉ thay đổi sau mỗi học kỳ hoặc khi có đổi mới nhân sự. Tuy nhiên, với dạy tích hợp, thời khóa biểu sẽ phải điều chỉnh theo từng tuần.

Cụ thể, đối với tích hợp Lịch sử và Địa lý lớp 7, trường căn cứ vào cấu trúc chủ đề của sách giáo khoa để xây dựng thời khóa biểu sao cho học sinh vừa học kiến thức phân môn này, vừa học song song kiến thức phân môn kia. Để làm được điều này, thời khóa biểu phải được xây dựng theo hướng mở”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, về định hướng xây dựng chương trình, dạy học tích hợp là thay đổi có lợi cho học sinh. Bởi, việc tích hợp liên môn sẽ giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở các bộ môn đơn lẻ như chương trình giáo dục phổ thông 2006. Nhiều vấn đề thực tế chỉ được giải quyết khi kết hợp kiến thức của 2-3 môn. Tuy nhiên, 2-3 giáo viên phải ngồi lại với nhau để chấm bài, vì 1 giáo viên đơn môn chỉ thành thạo phân môn của mình.

Trước những vướng mắc, Hiệu trưởng nhà trường đề xuất ngành giáo dục sớm có kế hoạch tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo chứng chỉ tích hợp cho giáo viên. Đồng thời, các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương xem xét, hỗ trợ kinh phí đào tạo học chứng chỉ để giáo viên yên tâm tham gia bồi dưỡng.

Không để giáo viên "mạnh ai người nấy làm"

Cùng trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhìn chung, các trường trung học cơ sở trên địa bàn toàn huyện cơ bản đáp ứng đủ về đội ngũ giáo viên.

Đối với việc dạy tích hợp lớp 6, 7, do không có giáo viên tích hợp chính quy nên phòng chỉ đạo các trường phân công giáo viên có chuyên môn nào thì đảm nhiệm phân môn đó.

Thạc sĩ Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La trong lần kiểm tra điều kiện dạy và học thực tế tại cơ sở. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn).

Thạc sĩ Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La trong lần kiểm tra điều kiện dạy và học thực tế tại cơ sở. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn).

“Về cơ bản, các trường đã có đội ngũ giáo viên đơn môn có khả năng dạy được liên môn. Tuy nhiên, với các trường ở địa bàn vùng núi, chất lượng dạy tích hợp khó đảm bảo.

Phòng yêu cầu các trường xây dựng thời khóa biểu trên cơ sở bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và số lượng giáo viên hiện có”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Văn Khanh, từ năm học trước đến nay, số lượng giáo viên có chứng chỉ tích hợp ít, trong đó, số lượng giáo viên tự nguyện học nhiều hơn số giáo viên được các trường cử đi.

Phòng cũng lưu ý các trường cân nhắc khi giao nhiệm vụ dạy tích hợp cho giáo viên sắp nghỉ hưu vì còn liên quan đến chứng chỉ. Thực tế, cá biệt có trường thiếu giáo viên trầm trọng nên đội ngũ giáo viên này vẫn phải tham gia dạy tích hợp. Do vậy, phòng chỉ đạo về lâu dài, trường cần hạn chế đến mức thấp nhất việc giao nhiệm vụ dạy tích hợp cho giáo viên sắp nghỉ hưu.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn đưa ra một số kiến nghị xây dựng kế hoạch lâu dài khi triển khai dạy tích hợp trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới, đó là các trường sư phạm chú trọng đào tạo giáo viên tích hợp để trường phổ thông tuyển dụng được luôn đội ngũ giáo viên này.

“Những năm học tới sẽ triển khai dạy tích hợp lớp 8, 9, đội ngũ giáo viên đào tạo chính quy dạy tích hợp chưa có hoặc không đủ đáp ứng nhu cầu. Vậy nên, công tác bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp là rất quan trọng. Song, để giáo viên tham gia bồi dưỡng cũng rất khó vì tâm lý chung là “ngại” phải tiếp cận kiến thức môn mới mà xưa nay chưa từng dạy.

Dạy liên môn là xu hướng mới, bước đầu triển khai sẽ không tránh khỏi khó khăn. Trong thời gian tới, nếu đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng về dạy tích hợp thì khó khăn sẽ dần được khắc phục”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn tin tưởng.

Trước đây giáo viên làm việc độc lập nên chỉ thành thạo chuyên môn của mình. Nhưng khi dạy tích hợp thì đòi hỏi giáo viên phải liên kết, hỗ trợ nhau xây dựng bài giảng.

Tuy nhiên, việc 2-3 giáo viên cùng dạy chung 1 sách sẽ tiềm ẩn nguy cơ mỗi giáo viên “một phách”. Do vậy, để tránh tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, thì bản thân giáo viên phải phát huy tính chủ động, thường xuyên học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp; cán bộ quản lý, ngành giáo dục cần có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình triển khai.

Ngọc Mai