Thời gian qua, thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Đáng nói, trong số những trường hợp được phát hiện, xử lý, có không ít cán bộ, công chức nhà nước vi phạm nồng độ cồn.
Ngày 30/9, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, các tổ công tác của đơn vị đã phối hợp với công an địa phương trực tiếp kiểm soát 104.799 phương tiện. Về vi phạm nồng độ cồn, có 3.453 trường hợp bước đầu xác định có 160 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo… [1]
Một số trường hợp là cán bộ, lãnh đạo nhưng vẫn vi phạm, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chấp hành việc đo nồng độ cồn; hay một cán bộ điều tra ở Hải Phòng thậm chí gây tai nạn giao thông khiến một phụ nữ mất một chân... nhưng cũng không hợp tác để kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở và chất ma túy. [2]
Cá biệt, có những trường hợp còn có biểu hiện chống đối, như vụ cán bộ thuế ở Bình Dương dọa “ném ly nước” vào Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn; hay cán bộ ngân hàng ở Bắc Ninh không chấp hành đo nồng độ cồn, còn xưng “mày - tao” và đấm vào mặt Cảnh sát giao thông... Chưa kể, có những sự việc chính một trong những người thực thi công vụ lại vi phạm, như Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. [3]
Ảnh: VOV |
Vào khoảng 1h25 ngày 23/9, tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), tổ công tác chéo của Đội CSGT đường bộ số 12 làm nhiệm vụ trên địa bàn Đội CSGT đường bộ số 6, phát hiện ô tô mang BKS 30G-239.xx, do một nam tài xế điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, cảnh sát xác định tài xế là ông P.T.A. (sinh năm 1976, ở Hà Nội). Nam tài xế này vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4mg/ lít khí thở, không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đã hết hạn.
Tổ công tác sau đó đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông A. Tiến hành xác minh tại địa phương, ông A. là trưởng công an phường ở quận Cầu Giấy. [4]
Thực tế, nhiều trường hợp thông tin cán bộ vi phạm ở trên không được công khai cụ thể dẫn đến những băn khoăn về việc giám sát xử lý đối với cán bộ, đảng viên. Vấn đề đạo đức cán bộ, tính nêu gương của đảng viên ở đâu với những cán bộ này?
Vi phạm pháp luật thì phải xử lý thật nghiêm minh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Những dấu hỏi về việc công khai các vi phạm và xử lý nghiêm không chỉ đối với vấn đề xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng như trật tự an toàn giao thông; mà đồng thời cũng phản ánh tình hình chung trong việc thi hành các chế tài trong mọi lĩnh vực.
Theo tôi, cần có sự xác minh rõ ràng, có quy định công khai ở từng mức độ cụ thể, đặc đối với người vi phạm, đặc biệt, đối với các cán bộ, công chức, viên chức, ở các cấp bậc, vị trí công tác khác nhau. Như vậy, nếu những thông tin thuộc diện phải “bảo vệ bí mật quốc gia”, không thể công khai, phải ứng với những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Phải nói rõ một điều, bất kỳ ai trong trường hợp tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, theo tôi, việc “úp mở” thông tin, không công khai thông tin trong những trường hợp này là không chính trực”.
Nữ đại biểu phân tích: “Đối với cá nhân người vi phạm, phải nhận khuyết điểm, có hành vi khắc phục khuyết điểm; còn đối với tổ chức nơi người đó công tác, phải có sự nhắc nhở, kiểm điểm kịp thời, rà soát lại quy chế, quy định của cơ quan, tổ chức đảng phải nhắc nhở, đảng viên, lãnh đạo thì càng phải nghiêm túc xem xét, kiểm điểm, phê bình. Cơ quan chuyên môn cũng phải điều chỉnh tác phong, hành vi khi kiểm soát, giám sát thật văn minh.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các cơ quan báo chí phải đưa tin thật chính xác, khách quan, không thổi phồng dư luận...”.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết: “Vừa qua, theo dõi thông tin trên báo chí, cũng đã có một số trường hợp cán bộ, đảng viên bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Quan điểm của tôi, đã là vi phạm pháp luật thì phải xử lý thật nghiêm minh. Các cơ quan cũng phải có hình thức xử lý một cách nghiêm túc, bởi trên hết, đó còn thể hiện sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trước tổ chức, trước nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: kinhtedothi.vn. |
Thời gian qua, phát hiện cả cán bộ cấp phường, xã, hay kể cả cán bộ cấp huyện, thậm chí cả cấp trên nữa... nếu phát hiện thì phải xử lý nghiêm, thực hiện đúng theo quy định, bởi nhà nước pháp quyền “thượng tôn pháp luật”, mọi người đều phải hiểu và chấp hành pháp luật, bất kể ai khi vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật”.
Cần công khai thông tin cán bộ vi phạm để làm gương
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng nhấn mạnh, đặc biệt, không chỉ riêng vi phạm nồng độ cồn này, mà bất kể vi phạm ở lĩnh vực nào, cũng cần phải xử lý quyết liệt triệt để, giống như tinh thần của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”...
Bàn về một số trường hợp không chịu phối hợp kiểm tra nồng độ cồn hay có những biểu hiện “chống đối” lực lượng cảnh sát giao thông, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng bày tỏ: “Vi phạm về trật tự an toàn giao thông, mà đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là vi phạm “sờ sờ” ra đó, không thể giấu được.
Chính bản thân người vi phạm phải tự giác nhận khuyết điểm, dưới sự chứng giám của người thi hành công vụ, thậm chí có cả sự chứng giám của người dân, phải phối hợp với lực lượng chức năng khi cơ quan chuyên môn đã xác định vi phạm.
Đồng thời, phải chủ động khắc phục ngay, thậm chí phải báo cáo với tổ chức có liên quan nếu nằm trong mức độ vi phạm nặng, trừ trường hợp chỉ bị nhắc nhở nhẹ.
Phía tổ chức quản lý, một khi đã nhận được thông tin, cũng cần phải có sự phối hợp, nhắc nhở, quán triệt kịp thời, nếu lỗi nghiêm trọng, phải có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm túc, khách quan. Vấn đề quan trọng của việc xử lý tại tổ chức không phải chỉ để giải quyết sai phạm của cá nhân người đó, mà còn là bài học kinh nghiệm cho các đồng nghiệp, hạn chế vi phạm, đồng thời, tạo nét đẹp văn minh, an toàn cho mọi người trong quá trình điều khiển các phương tiện giao thông...”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn. |
Chính vì vậy, các tổ chức, đơn vị cần khẩn trương rà soát, đánh giá, xử lý những cán bộ, đảng viên đã vi phạm. Tuy nhiên, phải đánh giá thực sự công bằng, khách quan, toàn diện, dân chủ, không quy chụp, hay lợi dụng để trù dập, hạ bệ nhau, bởi chính tình trạng trù dập như vậy mới khiến các cá nhân sợ, dám nhận lỗi. Muốn tạo ra con người tốt, phải tạo ra được môi trường khách quan, dân chủ, trung thực...” - nữ đại biểu phân tích thêm.
Mở rộng vấn đề đến các vi phạm khác, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề cập: “Ở một góc độ khác, mại dâm là một tệ nạn xã hội. Cả người mua và người bán đều vi phạm pháp luật. Trong trường hợp người bán dâm bị công khai danh tính mà người mua dâm lại không công khai, thì phải chăng có sự bất công?
Trong trường hợp phát hiện người mua dâm (hay thậm chí người bán dâm) là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, tôi đề nghị phải xử lý, chiếu theo quy định của Đảng, theo quy định của pháp luật mà xử lý thật nghiêm minh. Không vì hai chữ “cán bộ” mà bỏ qua, bởi đây cũng là một trong những dạng tiêu cực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tienphong.vn/160-cong-chuc-can-bo-vi-pham-nong-do-con-bi-xu-ly-trong-vong-1-thang-post1573647.tpo
[2] https://tuoitre.vn/can-bo-dieu-tra-hinh-su-gay-tai-nan-nhung-khong-cho-do-nong-do-con-20230912102231285.htm
[3] https://danviet.vn/sau-va-cham-giao-thong-doi-truong-doi-csgt-trat-tu-bi-phat-hien-vi-pham-quy-dinh-nong-do-con-202309232324366.htm