Đo nồng độ cồn, Chủ tịch, Trưởng CA phường vi phạm: Cần xử nghiêm và công khai

30/09/2023 08:28
Mạnh Đoàn
GDVN- Cơ quan chức năng, đơn vị cần xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo vi phạm nồng độ cồn để làm gương cho người dân. 

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Từ ngày 30/8 đến ngày 21/9 các Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk...

Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan. [1]

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó có nội dung: Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Trong đợt ra quân xử lý cao điểm về vi phạm an toàn giao thông, vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng vừa qua, có trường hợp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trần Phú quận Hoàng Mai (Hà Nội) không chấp hành việc đo nồng độ cồn. Trưởng công an một phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) vi phạm nồng độ cồn. Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi về sự gương mẫu của đảng viên, lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị và cách xử lý vi phạm để làm gương. [2]

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII - XIV tỉnh Ninh Bình) và ông Lê Văn Cuông (Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa).

Theo ông Bùi Văn Phương, việc kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông là yêu cầu thực tế đang được đặt ra, nó đem lại lợi ích cho tất cả mọi người như bảo đảm tài sản, tính mạng.

"Tất cả công dân, bất kể ai cũng phải chấp hành việc đã uống rượu bia thì không lái xe và chấp hành nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng.

Để cho việc tuân thủ, chấp hành nghiêm túc, yêu cầu cán bộ, đảng viên nhất là những người lãnh đạo phải gương mẫu nêu gương", ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Phương, đảng ta đã có quy định về nêu gương, nếu cán bộ đảng viên không thực hiện mà lại vi phạm thì cần xử lý nghiêm. Điều này nhằm răn đe trước hết trong đội ngũ cán bộ đảng viên phải chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, nó sẽ có tác động lan tỏa đến người dân một điều rằng, cán bộ vi phạm cũng bị xử lý.

Ông Bùi Văn Phương. Ảnh: quochoi.vn

Ông Bùi Văn Phương. Ảnh: quochoi.vn

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, chỉ có người dân chấp hành việc không vi phạm nồng độ cồn, còn cán bộ có quyền chức nếu vị phạm có sự nể nang trog xử lý. Tuy nhiên chúng ta cần phải xóa bỏ quan niệm này, thay vào đó cần phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm để người dân thực hiện nghiêm chỉnh hơn.

Vừa qua, có một số cán bộ vi phạm nồng độ cồn, trong đó được báo chí nhắc đến như một Chủ tịch phường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), hay Trưởng công an phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Phương cho rằng: "Đối với cán bộ vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe với các cán bộ khác, đồng thời qua đó nêu gương cho nhân dân", ông Phương nói.

Ông Phương cũng cho rằng, trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, cơ quan chức năng nên có chỉ đạo cấm người can thiệp, trợ giúp cho người vi phạm hoặc xử lý cả người can thiệp xin xỏ.

Nếu thực hiện đồng bộ như vậy sẽ đạt hiệu quả cao trong công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

"Lãnh đạo các cấp ban ngành cần có sự quan tâm sát sao, bằng việc có văn bản chỉ đạo thêm để bám sát tình hình thực tiễn xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Chúng ta xử lý nghiêm không có vùng cấm, tôi tin chắc ý thức của người dân sẽ được nâng cao", ông Phương chia sẻ.

Trước quan điểm cho rằng, nên cách chức đối với trường hợp là lãnh đạo chính quyền địa phương vi phạm nồng độ cồn, về việc này ông Phương nhận định, việc xử lý kỷ luật đã có quy định dựa theo tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả gây ra. Về mặt hành lang pháp lý của đảng và nhà nước đều đã có những quy định rất rõ về chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm.

Đối với chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm khi cấp dưới vi phạm nồng độ cồn, ông Phương đánh giá, việc quy trách nhiệm như vậy cũng là mặt tốt để cấp trên có sự sâu sát, nghiêm khắc hơn. Đồng thời, cấp dưới cũng có sự e dè tránh sai phạm để liên đới tới cấp trên.

"Khung quy phạm như trên có thể sẽ có tác dụng tốt hơn. Nó giống như quy định trước đây, nếu tỉnh nào để xảy ra nhiều vi phạm tai nạn giao thông thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Từ đó, tình hình tai nạn giao thông đã giảm, đây cũng là hình mẫu cho việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng rất tốt", ông Phương nói.

Ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII. (Ảnh quochoi.vn)Ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII. (Ảnh quochoi.vn)

Cũng trao đổi về vấn đề tren, ông Lê Văn Cuông đánh giá, việc vi phạm nồng độ cồn có ảnh hưởng trực tiếp đến tai nạn giao thông nên đã có nhiều văn bản chỉ đạo nghiêm cấm tài xế lái xe có nồng độ cồn.

"Người dân rất đồng tình ủng hộ việc đã uống rượu là không lái xe, bởi vấn đề tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Hiện nay, người dân đã có ý thức rất tốt trong việc đã lái xe là không uống rượu bia. Đối với cán bộ, lãnh đạo cần phải gương mẫu thực hiện quy định trên, còn nếu vi phạm là thể hiện họ có sự buông lỏng sinh hoạt đời thường, khi được mời rượu bia nhưng không biết cách từ chối", ông Cuông nói.

Vừa qua, có những trường hợp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Trưởng Công an phường vi phạm nồng độ cồn, ông Cuông đánh giá, những cán bộ này là người tuyên truyền, răn đe với người vi phạm nồng độ cồn nhưng không giữ mình thì đó là điều không thể chấp nhận được.

"Theo tôi, cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh những cán bộ, lãnh đạo vi phạm để làm gương cho nhân dân", ông Cuông nói.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, hiện nay chúng ta có những quy định đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn như ngoài việc xử phạt hành chính, còn giữ phương tiện, thông báo tới cơ quan của người vi phạm. Tuy nhiên, đối với cán bộ lãnh đạo cấp ở địa phương, họ không thể dựa vào vai trò vị trí lãnh đạo để lực lượng chức năng châm chước, nể nang.

"Người dân vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý nghiêm, đối với cán bộ còn cần phải xử lý nặng hơn để làm gương", ông Cuông nhấn mạnh.

Ông Cuông cho rằng, việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn mang tính chất lâu dài nên phải được xây dựng thành thói quen. Ví như trước đây chúng ta cấm đốt pháo, xử lý lái xe mô tô không đội mũ bảo hiểm.... đều đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.

Đối với việc xử lý cán bộ vi phạm, ông Cương cho rằng, chúng ta cần phải xử lý cương quyết và công khai trên truyền thông để dư luận giám sát. Nó sẽ có vai trò răn đe với các cán bộ khác rất tốt.

"Với cấp trên quản lý những cán bộ vi phạm nồng độ cồn, cần phải công khai về biện pháp xử lý đối với cấp dưới để xử một người, cứu nhiều người", ông Cuông chia sẻ.

Link bài viết tham khảo:

1) https://www.csgt.vn/tintuc/17964/Kien-quyet-xu-ly-vi-pham-ve-n%C3%B4ng-do-c%C3%B4n.html

2) https://nld.com.vn/thoi-su/vu-chu-tich-phuong-khong-chiu-do-nong-do-con-quan-thuc-hien-quy-trinh-de-xu-ly-nghiem-2023092311494727.htm?

Mạnh Đoàn