Trong đợt dịch thứ 4, Phú Thọ là một trong ít các địa phương có số ca mắc rất ít nhưng từ ngày 14/10, địa phương phát hiện được nhiều ca mắc không rõ nguồn lây. Theo thống kê của Sở Y tế Phú Thọ, kể từ ngày 14/10/2021 đến ngày 22/10, toàn tỉnh phát hiện 252 ca mắc COVID-19. Nó cho thấy, diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, cơ bản được kiểm soát nhưng rõ ràng không thể chủ quan với dịch bệnh.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/ NQ-CP hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Nghị quyết này sẽ phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua, tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn để bước vào giai đoạn mới. Việc đi lại, giao thương giữa các khu vực sẽ trở nên sôi động hơn vì thế càng cần phải chủ động các giải pháp ứng phó.
Phú Thọ triển khai thần tốc xét nghiệm ở các khu vực có ca mắc cộng đồng. Với sự tham gia của 5.275 cán bộ lấy mẫu, thành phố Việt Trì đã hoàn thành kế hoạch SARS-CoV-2 cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800/ QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đây là căn cứ phân cấp độ dịch cho từng xã, phường, huyện, thị, tỉnh, thành phố.
Chính vì thế, ngoài giải pháp căn cơ là bao phủ vắc xin, giảm tối đa ca tử vong, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Y tế cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để triển khai các kịch bản chuẩn bị sinh phẩm y tế xét nghiệm, chẩn đoán Covid-19 khác nhau theo yêu cầu của Chính phủ giúp các địa phương phản ứng nhanh với các mức độ dịch bệnh khác nhau.
Ví dụ như về vấn đề xét nghiệm, sau hàng loạt các ý kiến về giá sản phẩm, về sự lúng túng thiếu sinh phẩm xét nghiệm khi có các tình huống cần triển khai xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm, nguồn nhân lực phục vụ và các giải pháp tránh lây nhiễm ..., Bộ Y tế đã ban hành thêm các hướng dẫn gì để rút kinh nghiệm các vấn đề cũ?.
Thứ nhất, về giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ đã có thông báo rộng rãi cho các nhà sản xuất trong nước và quốc tế, kể cả các doanh nghiệp đã được cấp phép hoặc chưa cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam ra sao? Khi nào Bộ sẽ thông báo rộng rãi thông tin này để toàn bộ người dân và các địa phương được biết, tránh mua với giá đắt.
Thứ hai, về số lượng test kháng nguyên và PCR cần chuẩn bị dự phòng tối thiểu cho toàn quốc để triển khai các xét nghiệm khi có các tình huống phát sinh xảy ra hoặc các xét nghiệm hiện tại vẫn phải làm khi phải đi công tác, phải test khi nghi ngờ hoặc kiểm tra dự phòng phát sinh, Bộ đã có tổng hợp thông tin để thống nhất kế hoạch hay chưa? Số dự phòng này sẽ theo nguyên tắc nào?
Đơn cử, đến hết Quý 1/2022 thì căn cứ trên dân số của mỗi địa phương, mỗi người cần có dự phòng 1 test kháng nguyên, 1 test PCR... hay phương án nào để không bị động về nguồn?
Hiện tại, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều người đã biết giá của các loại PCR có chất lượng tốt, chỉ hơn 1 tiếng có kết quả, sản xuất tại các nước G7 chỉ dưới 100 nghìn đồng, trong khi đó giá dịch vụ hiện nay tại Việt Nam vẫn là hơn 700 nghìn đồng và thời gian nhanh nhất cũng 5 - 6 tiếng. Vậy, bao giờ người dân có thể tiếp cận được xét nghiệm mức giá rẻ hơn, thời gian có kết quả ngắn hơn này?
Bên cạnh giá xét nghiệm và số lượng cần chuẩn bị dự phòng, làm thế nào để các địa phương có thể yên tâm trong việc mua sắm, đấu thầu các sinh phẩm xét nghiệm, tránh việc lo sợ không mua sắm dự phòng và chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của các doanh nghiệp cũng là điều cần Bộ Y tế tháo gỡ.
Sự chủ động, có nguồn dự phòng sẽ giúp câu chuyện về chênh lệch giá xét nghiệm, sinh phẩm y tế không bị lặp lại. Mỗi ngày cả nước sử dụng bao nhiêu xét nghiệm, sinh phẩm y tế, chỉ cần chênh lệch 1 xét nghiệm PCR vài trăm nghìn đồng, test nhanh vài chục nghìn đồng thì đó là một con số không nhỏ. Rõ ràng, những câu hỏi, lo lắng trên cần sự khơi thông, gỡ vướng từ Bộ Y tế để các địa phương chủ động trong các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh