Nói đến dạy thêm, không ít người luôn cho rằng, giáo viên hiện nay rất giàu vì dạy thêm nhiều. Ý kiến này cũng không sai, nhưng có phải tất cả giáo viên đều có thu nhập từ dạy thêm?
Trong thực tế cho thấy, có những giáo viên dạy thêm mỗi tháng vài chục triệu, thậm chí có người thu hàng trăm triệu đồng một tháng. Thế nhưng, có bao nhiêu thầy cô giáo dạy thêm được như vậy? Thực tế, phần lớn, các thầy cô giáo vẫn chỉ sống nhờ vào đồng lương hàng tháng nên cuộc sống cũng rất chật vật, khó khăn.
Giáo viên dạy thêm có thu nhập cao là ai?
Theo quy định hiện nay, giáo viên tiểu học ở trường dạy 2 buổi/ngày không được phép dạy thêm. Vì thế, phần đông các thầy cô giáo ở bậc học này không dạy thêm như các bậc học khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có những thầy cô ở bậc tiểu học dạy thêm. Có người dạy theo hình thức dạy kèm nhóm nhỏ cho học sinh có lực học yếu, kém cần bổ sung kiến thức. Kiểu dạy kèm như thế, phần lớn là giúp học sinh theo kịp chương trình chứ thu nhập một tháng không nhiều. Vì số lượng học sinh không lớn bởi không thể cả lớp đều cần bổ sung kiến thức được.
Số khác dạy thêm do nhu cầu cần gửi con từ một số phụ huynh và muốn có thêm thu nhập. Thực tế, cả hai hình thức này nếu dạy ngoài nhà trường thì đều là dạy "chui", dạy thêm trái quy định. Vì thế, những thầy cô giáo này phải đối mặt với những rủi ro ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp khi bị thanh kiểm tra.
Giáo viên ở 2 bậc học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được phép dạy thêm khi đạt đủ yêu cầu quy định trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, không phải môn học nào, học sinh cũng đăng ký học thêm.
Các em đi học thêm chủ yếu vào một số môn học được xem là trọng tâm như môn Toán, Anh văn. Một số ít em chọn học thêm môn Lý, Hóa, Ngữ văn. Vì thế, số giáo viên dạy thêm trong mỗi trường học chỉ chiếm một phần nhỏ.
Ví dụ như, một trường trung học cơ sở tại địa phương người viết (trường đóng ngay tại trung tâm huyện, ngôi trường được gọi là trường điểm, tập trung khá nhiều học sinh khá, giỏi), có 60 giáo viên giảng dạy các bộ môn.
Mặc dù xét theo quy định, tất cả các thầy cô giáo đang giảng dạy các môn học đều có thể dạy thêm nhưng với điều kiện không dạy học sinh chính khóa của mình. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15 giáo viên ở 2 tổ bộ môn Toán và Anh văn là mở được lớp dạy thêm.
Khoảng 5 trong số 10 thầy cô giáo ở tổ Khoa học tự nhiên có học sinh đăng ký học thêm 2 phân môn Lý và Hóa.
Theo tiết lộ của một số đồng nghiệp thì trong số 20 thầy cô dạy thêm có khoảng 15 thầy cô có thu nhập từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng (hi hữu có thầy cô thu được 50 triệu đồng/tháng).
Số còn lại dạy thêm phân môn Lý, Hóa thì mỗi tháng cũng chỉ được trên dưới khoảng 10 triệu đồng mà thôi.
Cũng là trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhưng đóng tại địa bàn xã vùng xa trung tâm, theo tiết lộ của một số thầy cô, môn Toán, Anh văn các em đăng ký học thêm cũng ít. Thu nhập từ dạy thêm mỗi tháng được chục triệu đồng đã là cao. Có thầy cô giáo chỉ dạy được tầm 5 triệu đồng mỗi tháng.
Những môn học trọng tâm còn thế, môn Lý, Hóa hay Ngữ văn, nhiều thầy cô giáo cho biết còn không có học sinh đăng ký học.
Một trường trung học phổ thông ở một huyện đảo trong tỉnh, theo chia sẻ của một phó hiệu trưởng giáo viên trong trường không tổ chức dạy thêm vì có dạy cũng không ai đi học. Nhà trường đã tổ chức dạy ôn tập miễn phí cho học sinh lớp 12 và ôn tập kiến thức cho một số học sinh yếu, kém nhưng nhiều em vẫn không đi học.
Thực tế, câu chuyện dạy thêm - học thêm, giáo viên thu nhập khủng chủ yếu là ở các thành phố, khu vực thành thị dân số đông, các gia đình có điều kiện kinh tế. Và giáo viên có thể dạy thêm thường là giáo viên 3 môn Toán, Văn, Anh. Đa số thầy cô các bộ môn khác có được dạy ở trường thì số tiết cũng ít mà dạy thêm ngoài nhà trường cũng không nhiều học sinh học. Vì thế, mâu thuẫn trong trường từ dạy thêm của giáo viên thu nhập dạy thêm tốt - với đa số phần còn lại không có thu nhập dạy thêm hoặc có nhưng ít tại ra "sóng ngầm" trong nhà trường.
Cấm dạy thêm đối với học sinh chính khóa để tạo sự công bằng
Thực ra, nếu một trường có 60 giáo viên chỉ có khoảng 20 thầy cô giáo là dạy thêm được, chiếm tỉ lệ khoảng 33%. Số giáo viên không dạy thêm chiếm gần 70%, thậm chí cao hơn.
Có thể nói, chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên có nguồn thu nhập từ dạy thêm, trong số đó có những thầy cô giáo có thu nhập khủng (có thể gấp 2-3 lần lương).
Những giáo viên này có mức sống cao, hơn hẳn những đồng nghiệp trong trường. Điều này cũng đã tạo ra những 'ê kíp", "phe nhóm" dẫn đến sự phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục.
Một nghịch lý cho thấy, khi càng có thu nhập cao, một số thầy cô lại càng dạy thêm nhiều. Mà muốn dạy thêm nhiều, không ít thầy cô phải dùng đến cả "thủ thuật" để giữ chân và lôi kéo học sinh đến lớp dạy thêm của mình bằng những thủ đoạn thật đáng trách.
Chính điều này đã tạo ra sự bất công lớn trong môi trường giáo dục. Đã có lần, con của một đồng nghiệp bức xúc nói với mẹ trong tiếng thổn thức: "Con có cố gắng hết sức nhưng khi làm bài kiểm tra cũng phải thua vài bạn trong lớp có lực học kém hơn do bạn đi học thêm môn thầy...".
Vì những điều này, một số thầy cô giáo chân chính đã không đồng tình với quy định trong dự thảo về dạy thêm, học thêm là cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.