Thời gian qua, những lùm xùm liên quan đến việc trường quốc tế đột ngột “đóng cửa”, hoặc phát tài liệu tham khảo cho học sinh không qua kiểm duyệt, khiến nhiều phụ huynh thêm băn khoăn về chất lượng các trường có vốn đầu tư nước ngoài hay các trường tư thục giảng dạy chương trình nước ngoài.
Không thể đẩy rủi ro về phía học sinh khi “đứt gánh giữa đường”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra: “Điều 61 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.
“Như vậy, nhìn từ góc độ quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, giáo dục tiểu học là bắt buộc và được miễn học phí cho mọi đối tượng là công dân Việt Nam. Nếu học sinh học ở các trường công lập thì được miễn học phí, còn học ở trường tư thục, phụ huynh sẽ đóng tiền tùy theo quy định của mỗi nhà trường.
Tuy nhiên, về chương trình học, tối thiểu phải đảm bảo phổ cập kiến thức cho các em. Tức là bất kỳ học sinh tiểu học nào cũng phải được học những nội dung kiến thức, kỹ năng như trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Việt Nam.
Các trường tư thục có dạy chương trình quốc tế hay các trường có vốn đầu tư nước ngoài cũng đều phải tuân thủ quy định này. Nếu họ không cung cấp chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc của Việt Nam thì có dấu hiệu vi phạm.
Thứ hai, đứng từ góc độ giáo dục học: Dịch vụ giáo dục là một loại dịch vụ rất đặc biệt, không chỉ liên quan đến 2 bên ký hợp đồng là nhà trường và phụ huynh, mà đối tượng sử dụng dịch vụ lại là con em (bên thứ 3). Trong trường hợp này, trẻ em là nhóm yếu thế cần được bảo vệ. Cho nên, không thể tùy tiện vì phía nhà trường hay phụ huynh mà chấm dứt hợp đồng, đẩy rủi ro về phía đứa trẻ.
Chẳng hạn, xảy ra chuyện “đứt gánh giữa đường”, như nhà trường đột ngột “đóng cửa”, hay bố mẹ không còn đủ kinh tế... mà dẫn đến đứa trẻ phải nghỉ học, khiến việc học dang dở. Ở đây, vấn đề trách nhiệm của cha mẹ là đương nhiên, nhưng cả bên cung cấp dịch vụ giáo dục (nhà trường) nữa, họ cũng phải chịu trách nhiệm” - thầy Quang phân tích.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu) cũng chia sẻ: “Thứ nhất, trường quốc tế “đóng cửa” không chỉ thuộc cơ quan quản lý giáo dục, mà còn phụ thuộc vào trách nhiệm của những các cơ quan, ban, ngành khác. Bởi cơ quan quản lý giáo dục chỉ quản lý trường học về mặt chuyên môn nghiệp vụ.
Trong trường hợp như đối với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường quốc tế AISVN), cách mà nhà trường vận hành là doanh nghiệp kêu gọi góp vốn, phụ huynh thấy có lợi ích cho nên mới tham gia. Tuy nhiên, cơ chế góp vốn đó hiện nay cũng đang dần được siết chặt lại, không cho phép hình thức góp vốn đó nữa.
Về nội dung học tập, có hiện tượng một số phụ huynh lựa chọn những chương trình mà không cần học chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cho rằng điều đó là không đúng. Học sinh dù học chương trình quốc tế, nhưng hiện đang học tập ở Việt Nam, thì bắt buộc sẽ có những môn học liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam”.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, khi chọn trường có vốn đầu tư nước ngoài cho con, phụ huynh cần tự cân nhắc trong khả năng tài chính của mình, cũng như tự tìm hiểu về môi trường sẽ gửi gắm các con, tin được bao nhiêu vào những quảng cáo của nhà trường... để có quyết định phù hợp nhất.
Cần tổng rà soát chất lượng giáo viên người nước ngoài
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, khi xảy ra bất cứ lùm xùm ở các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài, mà để học sinh không có chỗ học là không được, điều này buộc phải giải quyết trước tiên.
Giáo sư Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Đối với những trường hợp trường có yếu tố quốc tế đột ngột “đóng cửa”, dừng hoạt động, thậm chí chủ trường là người nước ngoài đã về nước..., trước hết, phải truy xét trách nhiệm người trước đây cấp phép cho trường hoạt động, xem khi đó đã kiểm tra rõ những điều kiện để mở trường hay chưa và kiểm tra đến đâu. Nếu để hàng trăm học sinh không biết đi đâu về đâu thì ai chịu thiệt hại?
Về chương trình đào tạo, theo quy định, học sinh Việt Nam học các chương trình quốc tế vẫn sẽ phải học các học phần của Việt Nam. Nếu có trường nào cho phép học sinh Việt Nam không cần phải học môn nào của Việt Nam, tức là học hoàn toàn nước ngoài hết, là không đúng. Nhất là những môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của Việt Nam, người Việt Nam không học những kiến thức ấy thì học gì?
Cũng không thể nói rằng, phụ huynh có mong muốn cho con học toàn bộ chương trình nước ngoài mà được phép bỏ qua chương trình bắt buộc của Việt Nam. Nếu phụ huynh nào không muốn tiếp nhận nền giáo dục của Việt Nam thì phụ huynh đó phải mang con ra nước ngoài học, còn trường trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ, làm đúng mục tiêu đào tạo.
Vì vậy, cần có sự kiểm tra, rà soát lại chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục này”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho biết: “Trước hết, dù là đối với trường công lập hay tư thục, hệ thống trường trong nước hay có yếu tố nước ngoài, thì vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương đều rất quan trọng.
Một là, một số trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài có mức đóng học phí rất cao, chúng ta cần xem xét rất kỹ lưỡng, chứ không phải cứ “gắn mác” quốc tế là thu vống lên. Hai là, về chương trình đào tạo, phải quản lý rất chặt chẽ, bởi vì dù có hội nhập, có cho học sinh tiếp cận với nền giáo dục của Anh, Mỹ, Nhật, Canada... nhưng cũng phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Nếu buông lỏng kiểm duyệt chương trình thì rõ ràng chúng ta đào tạo con người khác chứ không phải đào tạo con người Việt Nam.
Các trường có yếu tố nước ngoài thường đưa giáo viên nước ngoài về giảng dạy với một tỉ lệ khá lớn. Những giáo viên nước ngoài này chịu ảnh hưởng từ lối sống đến văn hóa, phong cách của người nước ngoài, nên thoải mái mặc quần đùi, áo ngắn, đi dép lê lên lớp, vung tay, vung chân... Như vậy, hình ảnh của người thầy có còn nữa không? Có thể là phong cách này phù hợp với một số nước phương Tây, nhưng lại không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cách ăn mặc của thầy cô giáo cũng thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh, đối với người học. Chúng ta dạy học sinh trưởng thành, để các em xây dựng đất nước Việt Nam, vẫn phải mang hồn cốt, truyền thống của Việt Nam, văn hóa Việt Nam, chứ không phải là những yếu tố lai-căng như thế”.
Ông Lê Như Tiến cũng phân tích thêm: “Trong những trường hợp trường học “đóng cửa”, dừng hoạt động, thậm chí có trường hợp chủ trường đã ra nước ngoài, lúc ấy, tôi cho rằng, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Không phải là dễ gì có thể mời họ quay lại được, trong thời gian đó, cần chủ động điều phối để các em học sinh có thể nhập học ở những môi trường đào tạo tương ứng”.
Cần phải xem xét lại một cách toàn diện
Theo Thạc sĩ Lưu Đức Quang, những lùm xùm rủi ro tại các trường “gắn mác” ha có yếu tố quốc tế đã xảy ra từ cách đây mấy năm, từ vấn đề học phí, vấn đề an toàn của trẻ trong trường học, hay chương trình học...
“Chính vì vậy, cần có một “cuộc cách mạng”, mà cụ thể nhất là cần một cuộc tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống các trường có yếu tố quốc tế ở Việt Nam hiện nay, từ chương trình giáo dục, đội ngũ nhân sự đến việc giao kết hợp đồng dịch vụ giáo dục, tính toán phương án xử lý rủi ro khi có sự cố, bất trắc có thể xảy ra... để đảm bảo lợi ích cao nhất cho người học. Phải đưa tất cả vào điều khoản bắt buộc, không để ảnh hưởng đến việc học của học sinh dù bất cứ lý do nào.
Đặc biệt, về chương trình giáo dục, bất cứ đơn vị nào cung cấp dịch vụ giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ những quy định của Việt Nam. Kể cả với các chương trình tú tài của nước ngoài, học sinh Việt Nam vẫn phải học tiếng Việt” - thầy Quang nhấn mạnh.
Theo Thạc sĩ Lưu Đức Quang, thời gian qua, dường như công tác quản lý nhà nước chưa thực sự được chú trọng.
Bên cạnh đó, thầy Quang cũng phân tích: “Theo tôi, đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục, đặc biệt với các trường có vốn đầu tư nước ngoài, công tác kiểm toán là vô cùng quan trọng. Như vậy, quyền lợi của phụ huynh và học sinh sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Chẳng hạn, yêu cầu các trường tư thục phải công bố công khai các thông tin của nhà trường cho người thụ hưởng dịch vụ nắm được. Tương tự như khi các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, buộc phải công bố tình hình “sức khỏe tài chính”. Tôi cho rằng, điều này là cần thiết, bởi vì, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù. Một khi nhà đầu tư đã lựa chọn cung cấp dịch vụ giáo dục, thì có thể phải chịu hạn chế nhất định và cần thiết (vì lợi ích của người khác, vì trật tự công cộng) đối với quyền bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở đây, chúng ta cần phải tổ chức một “sàn thông tin” về các trường có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, để phụ huynh cân nhắc khi lựa chọn trường cho con, có thể tìm hiểu môi trường phù hợp và sau này có thể chuyển đổi nếu xảy ra sự cố... Bên cạnh vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục này cũng cần được giám sát bởi phụ huynh, bởi xã hội... Trước nay, các trường có thể vẫn công khai, nhưng có minh bạch hay không lại là một câu chuyện khác. Quyền lợi của người học do vậy luôn trong trạng thái bấp bênh.
Một khía cạnh nữa mà các cơ sở giáo dục này cũng cần phải công khai, là năng lực của đội ngũ giáo viên, không phải cứ nói giáo viên là người nước ngoài là đều có chất lượng. Có những người nước ngoài chỉ tốt nghiệp phổ thông sang Việt Nam, có thể vào trường tư dạy ngoại ngữ mà không hề có kỹ năng chuyên môn hay chứng chỉ sư phạm. Chưa kể, giáo viên tại một số cơ sở giáo dục còn thay đổi liên tục, không ổn định. Tôi cho rằng, nếu chính quyền quản lý giáo viên Việt Nam chặt chẽ như thế nào, thì cũng phải yêu cầu tương tự với giáo viên nước ngoài, thậm chí chặt chẽ hơn. Tất cả giáo viên nước ngoài muốn làm việc lâu dài trong bất kỳ trường học nào tại Việt Nam cần phải cần có lý lịch tư pháp.
“Sức khỏe tài chính” thật là quan trọng, nhưng “sức khỏe chuyên môn” còn quan trọng hơn. Bởi vì, khi nhà trường có một đội ngũ sư phạm hùng hậu, thì rõ ràng họ phải đủ năng lực tài chính.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang cũng nhấn mạnh: “Khi các quy định càng chặt chẽ, càng kích thích nhu cầu của xã hội, thúc đẩy những người làm giáo dục chân chính. Còn khi quy định vẫn còn lỏng lẻo, sẽ có chỗ cho những người kinh doanh giáo dục không tử tế tồn tại”.