Hiện nay với sự tác động mạnh mẽ của báo chí, mạng xã hội thì việc truyền thông về tác hại của ma túy dễ dàng đến với học sinh, sinh viên hơn rất nhiều.
Nhưng nguyên nhân nào khiến tình trạng người sử dụng ma túy ngày một gia tăng và điển hình là vụ việc 7 thanh niên trong độ tuổi rất trẻ tử vong trong một lễ hội âm nhạc diễn ra mới đây tại Hà Nội?
Liệu 7 thanh niên đó có kiến thức và biết tác hại của các loại ma túy mà mình sử dụng không? Chắc chắn là họ biết và hầu hết các con nghiện đều biết mình dùng ma túy là có hại cho gia đình, xã hội nhưng vì nhiều hoàn cảnh họ vẫn lao vào.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động từ môi trường xung quanh, gia đình, bạn bè, thiếu các kỹ năng xã hội, thiếu cả các kỹ năng xử lý khi bị quá liều… Điều đó dẫn đến nhiều đứa trẻ sa ngã vì thiếu hụt những kỹ năng.
Theo thống kê, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi là 15-25 tuổi.
Hoạt động phòng chống ma túy học đường cần được đẩy mạnh và đi vào thực tiễn đời sống các em học sinh (Ảnh: Hoạt động ngoại khóa của Trường Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư PăH, Gia Lai). |
Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông với sự tham gia của nhiều lực lượng các phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều hình thức đa dạng khác (pano, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mít tinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…).
Đặc biệt có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội truyền thông cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, người lao động, bà con vùng biên giới…
Đối tượng được cung cấp các thông tin và kỹ năng để có thể dự phòng được những cám dỗ của môi trường xung quanh cũng đã được mở rộng, nhất là đối tượng học sinh từ Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông.
Song, thời gian qua công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn về tác hại của ma túy.
So với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động đa dạng về một loạt hoạt động can thiệp như giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc, hệ thống dịch vụ dự phòng…
Chuẩn dự phòng nghiện ma túy trong học đường trên toàn cầu đã được thí điểm tại Hoa Kỳ và được coi là một trong những bằng chứng hiệu quả nhất trong việc dự phòng nghiện ma túy trên toàn thế giới.
Theo đó, chương trình này bao gồm 4 nhóm chính: Nhóm đầu tiên là chương trình cung cấp thông tin về ma túy, giả định rằng thông tin đó sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi.
Nhóm thứ hai là chương trình giảng dạy về năng lực xã hội dựa trên niềm tin.
Bao gồm dạy chung các kỹ năng quản lý cá nhân và kỹ năng xã hội, chẳng hạn như thiết lập mục tiêu, giải quyết vấn đề và ra quyết định, cũng như các kỹ năng nhận thức để đối phó phương tiện truyền thông và ảnh hưởng giữa các cá nhân, tăng cường lòng tự trọng, đối phó với căng thẳng và lo lắng, để tăng tính quyết đoán và tương tác với người khác.
Nhóm thứ ba là các chuẩn mực xã hội tiếp cận sử dụng các phương pháp giáo dục tiêu chuẩn và đào tạo kỹ năng đối phó với ma túy.
Việc này bao gồm việc điều chỉnh việc sử dụng quá liều thanh thiếu niên và người lớn, nhận biết các tình huống nguy hiểm, tăng cường nhận thức về truyền thông, bạn bè và và gia đình, học tập và thực hành kỹ năng từ chối.
Nhóm kiến thức cuối cùng là các phương pháp kết hợp giữa kiến thức chung và kiến thức năng lực xã hội và ảnh hưởng xã hội.
Chương trình dự phòng nghiện ma túy trong học đường này chỉ nằm trong 1 phần của khoa học dự phòng về nghiện ma túy (ngoài ra còn có can thiệp dự phòng từ gia đình, xã hội và truyền thông), nhưng môi trường học đường là nơi dễ dàng cung cấp thông tin để dự phòng với nghiện ma túy nhất.
Ông John Hamilton - Giám đốc điều hành Mạng lưới các Chương trình Hồi phục cho biết, trong vòng 50 năm qua, Mỹ đã thay đổi dự phòng nghiện từ đơn thuần là các chiến thuật đe dọa, giáo dục và thông tin về may túy tới cách tiếp cận dựa theo khoa học bằng giáo dục cảm xúc, nhân rộng các mô hình…
Dự phòng nghiện là chương trình lớn của phòng chống ma túy đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội. (Ảnh: Trường An Ninh, An Giang) |
Trước đây, Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh thiếu niên.
Theo kết quả của một số nghiên cứu, trẻ em không kiểm soát được cảm xúc là những trẻ có nguy cơ sử dụng ma túy cao và trẻ bắt đầu sử dụng ma túy thường vì lý do cảm xúc.
Vì vậy, không chỉ giáo dục đơn thuần về tác hại của ma túy mà còn cần đào tạo cho giáo viên để giải quyết các xung đột, dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc. Những phương pháp tiếp cận khoa học này đã được sử dụng và có tác dụng tích cực ở Australia, Canada, Anh…
Nghiên cứu còn cho thấy, các chương trình dự phòng không chỉ tránh việc lạm dụng các chất gây nghiện mà còn là một cách tiết kiệm chi phí.
Ở Mỹ, mỗi 1 USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện tiết kiệm từ 2-20 USD nhu cầu cho các dịch vụ y tế và xã hội.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020, theo đó xây dựng và triển khai hoạt động “dự phòng nghiện” chính thức được đưa vào chương trình.
Dự phòng nghiện là chương trình lớn của phòng chống ma túy, là công việc khoa học, công phu, bài bản, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, người làm chính sách và người làm thực tiễn phòng chống ma túy.
Song hành cùng sự kết hợp đó, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động hàng triệu người, đến từng gia đình, học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.